Có gì trong biệt phủ của 'quan tham 9 vợ giàu nhất Trung Quốc' thời phong kiến?
Bảo tàng Cung Vương Phủ hay còn được biết tới với tên gọi là Phủ Hòa Thân, trải qua hơn hai thế kỷ vẫn là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất Bắc Kinh.
Hòa Thân (1750-1799) còn được gọi là Hòa Khôn, tự Trí Trai. Lúc sinh thời từng là sủng thần của vua Càn Long, người đứng “dưới 1 người, trên vạn người”. Ông còn được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Theo sử sách ghi chép lại, tài sản trong phủ Hòa Thân vào khoảng 800 triệu lạng bạc cùng nhiều cửa hàng, ruộng đất với tổng tài sản khoảng 1,1 tỷ lượng bạc, tương đương 15 năm quốc khố đại Thanh.
Cung Vương phủ, nơi ở của Hòa Thân, được xây vào năm 1777, ở phía Tây Bắc Thập Sát Hải của Bắc Kinh. Nơi đây được ví như “Viên minh châu của Thập Sát Hải” (Thập Sát Hải là tên gọi của một chuỗi các ao hồ trong nội thành Bắc Kinh).
Năm Gia Khánh thứ tư (1799), Hòa Thân bị vua xử tử, tịch thu dinh thự. Sau đó phủ thuộc về nhiều quý tộc khác như Khánh Hy Thân Vương Vĩnh Lân (em vua Gia Khánh) và Cung Trung Thân vương Dịch Hân (em vua Hàm Phong) nên hiện nay mới có tên là Cung Vương Phủ.
Theo Visitbeijing, trang web thuộc Trung tâm Thông tin, Cục Văn hóa & Du lịch thành phố Bắc Kinh thì với diện tích lên tới hơn 60.000 mét vuông, "Cung Vương Phủ là dinh thự lớn nhất nhà Thanh (không tính nơi vua ở)".
Được mệnh danh là "người giàu nhất thế giới thế kỷ 18", Hòa Thân đã đích thân quy hoạch và trang trí nơi ở của mình như một thế giới thu nhỏ với núi giả, hồ nước, sân khấu xem kịch. Một nửa diện tích phủ được dùng để xây dựng làm tiểu cảnh, sân vườn. Cổng chính có hai con sư tử đá bảo vệ.
Về cơ bản phủ được bố trí theo kiểu “Tam Lộ Ngũ Tiến”, kiến trúc tinh xảo mà rộng lớn. Cung Vương phủ có 99 căn phòng với ý nghĩa “mãi mãi dư thừa”. Thiết kế của toàn bộ dinh thự được kết hợp hoàn hảo và thể hiện đầy đủ sự vinh quang và sang trọng của hoàng gia.
Các tòa nhà bên trong phủ được đặt trong sân tứ giác kiểu truyền thống. Kiến trúc ở trục chính dùng ngói lưu ly xanh, mô phỏng kiến trúc dành cho Phủ Đệ của Thân Vương. Hoa viên còn được gọi là Tụy Cẩm Viên.
Bố cục tổng thể 3 mặt giáp giả sơn, với hơn 50 Cảnh Điểm phân bố 3 trục Đông, Tây, Trung. Vương Phủ, theo vòng quay của thời gian, hàm chứa hết những tinh túy, cao quý của văn hóa Vương phủ đời Thanh.
Sâu vào biệt phủ, có một tòa nhà hai tầng với 88 cửa sổ, mỗi cửa sổ lại có một hoa văn khác nhau. Có giả thuyết nói rằng, Hòa Thân cố tình thiết kế cửa sổ như vậy để phân biệt vị trí đặt các bảo vật trong biệt phủ.
Trong Cung Vương Phủ, có hai nơi phần nào cho thấy sự giàu có của Hòa Thân. Thứ nhất là nơi ở của ông và thứ hai là lầu Tàng Bảo, tức nơi chứa những báu vật mà “đệ nhất sủng thần” của vua Càn Long vơ vét được.
Tích Tấn Trai là nơi ở của Hòa Thân cùng 9 người vợ. Bên trong có những cột nhà mà theo nhận định của các nhà sử học mỗi cây cột có giá tới 2,7 tỷ NDT (gần 9.500 tỷ đồng).
Hou Fang, nhân viên Bảo tàng, cho biết Cung Vương Phủ là một trong số ít các dinh thự hoàng gia có từ thời nhà Thanh ở Bắc Kinh khách được tiếp cận. Dinh thự được chính phủ cho tu sửa từ tháng 12/2005 với chi phí 200 triệu tệ (hơn 28 triệu USD).
Khu vực vườn phía sau trở thành điểm du lịch hút khách từ năm 1988. Khu vực dinh thự mới bắt đầu mở cửa cho công chúng từ tháng 8/2008 với gần 10.000 khách ghé thăm trong ngày đầu tiên, theo SCMP. Tới năm 2012, Cung Vương Phủ đã được chính quyền Trung Quốc liệt vào danh sách thắng cảnh cấp quốc gia
Cung Vương Phủ mở cửa từ thứ Ba đến Chủ Nhật lúc 8:00 đến 17:00, từ 16:30 trở đi ngừng nhận khách.