Có giải pháp dứt khoát, căn cơ, không nể nang, né tránh

Nêu ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật như thường xuyên điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa cao, còn tình trạng cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng luật, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ với quan điểm không nể nang, không né tránh nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Thiếu sự “chín muồi” trong các kiến nghị lập pháp

Tại Phiên thảo luận sáng 23.5 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã cùng nhìn lại thành quả của việc thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay.

Theo các đại biểu, điểm sáng của nhiệm kỳ Khóa XV là, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 –KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19 –KL/TW. Có thể nói, Kết luận số 19 là “kim chỉ nam” và Kế hoạch số 81 là sáng kiến nổi bật, có tính đột phá trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Thực hiện Kết luận số 19 và Kế hoạch số 81, công tác lập pháp đã đạt nhiều kết quả tích cực, đề cao trách nhiệm với tinh thần lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa. Nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XV, Quốc hội đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết gồm: 15 luật, 21 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 7 dự án luật khác, góp phần quan trọng từng bước hoàn thiện, đồng bộ thể chế.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) phát biểu tại hội trường. Nguồn: quochoi.vn

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, điểm đặc biệt của nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XV phải kể đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc hội đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ trong điều kiện rất đặc biệt để đưa ra những biện pháp chưa phù hợp với quy định pháp luật, nhưng đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Đáng chú ý nữa là sự phối hợp sâu sát, có hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. "Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ngày càng khắt khe hơn, cao hơn đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Vai trò của Quốc hội ngày càng được đề cao hơn nữa trong lĩnh vực này", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế chậm được khắc phục vừa qua, trong đó có tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo các đại biểu, sự điều chỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XV một mặt thể hiện sự đồng hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội với Chính phủ, song cũng cho thấy, tính dự báo chưa cao của các cơ quan Chính phủ trong việc đề nghị xây dựng luật phải thường xuyên thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng, ngoài yếu tố dự báo chưa cao, thì còn tình trạng nể nang khi một số dự án luật gửi đến đại biểu Quốc hội rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chế hoạt động của Quốc hội, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội. Đây là những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng chưa có liệu pháp chữa trị dứt điểm, do đó, các đại biểu đề nghị phải có giải pháp khắc phục căn cơ, không né tránh, không nể nang.

Khắc phục tình trạng cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng của các dự luật. ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu thực tế, các dự thảo Luật do các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực thuộc Bộ, ngành chủ trì soạn thảo đang có nhiều quy định có lợi cho cơ quan đó. Dù Quốc hội có cơ quan thẩm tra và là người quyết định cuối cùng, nhưng khó có thể bao quát hết những nội dung cài cắm lợi ích của cơ quan soạn thảo. Do đó, mới có tình trạng có những điều luật thuận lợi thì cho cơ quan nhà nước, khó thì cho doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Nguồn: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu tại hội trường. Nguồn: quochoi.vn

Từ thực tế này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, nên sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng, cơ quan quản lý nhà nước chỉ là một thành phần tham gia soạn thảo luật; bổ sung và tăng cường thêm các chủ thể khác như nhà khoa học, người làm thực tiễn, để có thêm tiếng nói khách quan, phản biện nhiều chiều.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, hiện nay ban soạn thảo dự án luật chủ yếu là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật, nên cách nhìn không khách quan. Phải thay đổi cơ cấu, thành phần của Ban soạn thảo theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia cùng tham gia, đặc biệt phải có sự góp mặt của đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật trong ban soạn thảo, hơn ai hết họ phải được tham gia từ đầu, từ đó thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội. Trong Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Chương trình luật, pháp lệnh phải thể hiện rõ quan điểm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là, xác định trách nhiệm của người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật.

Đề xuất giải pháp để cơ quan soạn thảo không có lợi ích nhóm trong xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm xây dựng pháp luật ở góc nhìn trung lập hơn, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, các bộ, ngành nên tổ chức lại, không nên giao nhiệm vụ soạn thảo các dự án luật cho các vụ quản lý chuyên ngành. Nếu các vụ này cùng lúc được cấp giấy phép hay quản lý chuyên ngành, trực tiếp xây dựng các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực do mình quản lý thì rất dễ dẫn đến tình trạng tìm cách tạo thuận lợi cho mình, đẩy cái khó cho cơ quan khác hoặc cho người dân, doanh nghiệp. "Nên tăng cường bộ phận pháp chế và bộ phận nghiên cứu tổng hợp hay các Viện nghiên cứu của các Bộ, ngành và giao cho các vụ pháp chế, Viện nghiên cứu của các Bộ, ngành là người chắp bút, soạn thảo, còn các vụ chuyên ngành tham gia cùng nhưng không phải là người trực tiếp chắp bút soạn thảo văn bản”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/co-giai-phap-dut-khoat-can-co-khong-ne-nang-ne-tranh-i329828/