Cô giáo Ca Dong nặng lòng với học trò nơi đại ngàn
Là người con của núi rừng Sơn Tây (Quảng Ngãi), cô Hinh xem việc được dìu dắt thế hệ học trò Ca Dong là vinh dự của bản thân.
Cô giáo dạy Ngữ văn này còn là giáo viên người Ca Dong duy nhất tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây.
Từ sự cảm mến với thế hệ giáo viên cắm bản
Hơn 13 năm công tác dưới mái trường nội trú, chứng kiến hàng chục lượt giáo viên đến và đi, cô giáo Đinh Thị Hinh (40 tuổi) vẫn giữ tình yêu vô vàn với ngôi trường trên mảnh đất quê hương.
Nữ giáo viên chia sẻ, động lực để theo đuổi nghề giáo xuất phát từ sự cảm kích tình cảm của các thầy cô từng dạy và dẫn dắt mình lúc trước.
Hình tượng người giáo viên miền xuôi vượt gian khó bám lớp vào những năm 2000 là ký ức không bao giờ phai trong mắt cô học trò khi ấy. Cùng sự ân cần chỉ dạy của thế hệ thầy cô khi đó đã nhen nhóm trong cô tình yêu nghề giáo.
“Mình là một trong những thế hệ học trò đầu tiên ở huyện may mắn được cử đi học và quay trở lại cống hiến cho quê hương. Lấy đó làm niềm tự hào nên bản thân tự nhủ phải có trách nhiệm giúp đỡ các em sau này”, nữ giáo viên nói.
Trải qua hơn chục năm giảng dạy, cô Hinh nói mình đã có một hành trình tuyệt đẹp, niềm hạnh phúc lớn lao với nghề. Đó là kết quả của việc luôn đặt mình ở tâm thế không ngừng học hỏi và năng động trong công việc.
Với sự am hiểu về bản sắc cũng như tính cách của con người nơi đây, cô Hinh nhận thức rõ lợi thế của bản thân để vận dụng vào việc dạy nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả. Đi từ sự thấu hiểu, tiếp đến là chia sẻ để giúp các em tự tin phát huy thế mạnh và kịp thời hướng dẫn khắc phục những mặt hạn chế.
“Rất may mắn khi được các em tin tưởng, gửi gắm nhiều điều nên việc dạy thuận lợi hơn, các bạn cũng mạnh dạn bày tỏ những vấn đề gặp phải để cô có thể hỗ trợ kịp thời”, cô Hinh tâm sự.
Tuy nhiên, song song với thuận lợi là không ít thách thức trong quá trình giảng dạy mà cả cô Hinh cùng đồng nghiệp phải đối mặt. Nổi trội có thể kể đến thói quen trò chuyện bằng tiếng địa phương trong học sinh còn quá nhiều nên ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của các em.
Cô giáo dạy Văn nói đây là vấn đề nan giải của giáo dục vùng cao chứ không riêng gì tại trường và mỗi thầy cô sẽ có cách hỗ trợ học sinh cải thiện. “Đối với mình, khi dạy những từ khó mà các em không thể hiểu bằng Tiếng Việt thì mình thường lấy ví dụ bằng tiếng bản địa để các bạn dễ hình dung”, cô Hinh nói.
Người mẹ thứ hai của học sinh
Chặng đường 13 năm, cô Hinh luôn giữ được ngọn lửa nghề và nhiệt huyết ấy như được thêm sức mạnh khi những lứa học trò ngày càng tiến bộ. Và vỡ òa sung sướng với những lần học sinh của mình đoạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
“Thành tích của học trò chính là niềm vui, sự hãnh diện và là sự động viên to lớn đối với tôi”, cô Hinh chia sẻ.
Không những chinh phục học trò vùng cao bằng cái tâm trong việc dạy mà cô Hinh còn đảm nhận quản lí nội trú tại trường với vai trò là Trưởng ban. Đây là nhiệm vụ khó nhưng cũng là sự tin tưởng của Ban giám hiệu với bản thân nên nữ giáo viên không ngần ngại mà nhận lời ngay.
Qua 4 năm phụ trách nội trú, bằng cách cân bằng thời gian dành cho gia đình và thực hiện nhiệm vụ, cô Hinh đã làm rất tốt công việc của mình và hiển nhiên điều đọng lại chính là những kỷ niệm đẹp.
"Thương các bạn phải xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình nên mình cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể cho các em. Đặc biệt có những ngày thứ 7, Chủ nhật mình chỉ ở nhà 2 tiếng còn phần lớn thời gian là ở cùng học sinh nội trú", cô Hinh cho biết.
Bên cạnh sát sao tình hình ăn, ở của các em thì cô Hinh cho rằng việc quan trọng nhất của người quản lí nội trú chính là nắm bắt tâm lí của học sinh, vì nếu không kịp thời có thể các sẽ bỏ học.
"Cách đây hơn 4 năm, có trường hợp của một học sinh, do cha mẹ ly hôn cùng điều kiện khó khăn nên em đứng trước nguy cơ dang dở việc. Tuy vậy, bản thân em lại rất chăm học và là một trong những học sinh tiêu biểu trong các phong trào, hoạt động của trường.
Song, biến cố của gia đình thì em trở nên u sầu, ít nói hẳn đi trong thời gian dài. Qua tìm hiểu thì nhận thấy tâm tính của em đang có sự thay đổi và bắt đầu không tập trung vào việc học nữa. Cùng với sự hỗ trợ của tập thể nhà trường đã tìm cách động viên em, hỗ trợ kịp thời và em đã vượt qua được. Hiện bạn đã học hết lớp 12", cô Hinh kể về kỷ niệm mà cô nhớ nhất.
Theo thầy giáo Lê Hoài Thạnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây, cô Hinh là một trong những lứa "quả ngọt" đầu tiên được cử đi học và trở về làm việc tại quê hương sau ngày tái lập huyện Sơn Tây (năm 1994).
"Rất vui vì tại mảnh đất xưa nay khó về giáo dục này được đón nhận sự trở về cống hiến như của cô Hinh. Thành quả đến từ sự nỗ lực không ngừng của bản thân, cô Hinh xứng đáng là một tấm gương để thế hệ học trò người Ca Dong noi theo", thầy Thạnh nói.
Tô đậm thêm hành trình tuyệt đẹp, cô Hinh nhiều lần được ngành giáo dục tỉnh, huyện nhà tuyên dương, khen thưởng chodan tộc những thành tích cũng như đóng góp của nữ giáo viên này nơi đại ngàn.