Cô giáo chỉ cách xử lý lỗi khi làm bài môn Ngữ văn trong kỳ thi lớp 10

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THCS Lê Lợi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hướng dẫn thí sinh cách làm bài thi, xử lý lỗi khi chẳng may làm sai môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT Hà Nội diễn ra vào ngày 8/6 tới.

Theo cô Thảo, để làm bài thi hiệu quả, đầu tiên thí sinh cần bình tĩnh, đọc kĩ toàn bộ đề 1 lượt trước khi làm bài.

Thí sinh cần gạch chân vào những từ ngữ quan trọng, ghi đáp án bằng từ chìa khóa lên trên phần gạch chân ở đề bài và phải sử dụng giấy nháp ở bài thi.

Phân chia thời gian làm bài hợp lý: Thí sinh cần đeo đồng hồ và chia thời gian hợp lý theo số điểm ở từng phần. Bài thi thường có 2 phần, mỗi phần không quá chênh lệch về thời gian để tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột.

Phần viết đoạn: Mỗi đoạn văn nghị luận văn học hay nghị luận xã hội phải dành khoảng 25 phút - 30 phút cho từng đoạn.

Nguyên tắc:

- Ở từng câu hỏi, phải ghi lại yêu cầu đề, tránh trả lời cộc lốc, cắt câu hỏi ở đề bài.

- Câu dễ làm trước, câu khó làm sau.

- Không được bỏ giấy trắng ở bất kì câu nào.

- Không được quên kiến thức ngữ pháp, bắt buộc đúng kiểu đoạn văn.

- Trước khi nhận đề, cần sử dụng giấy nháp để ghi nhớ kiến thức về kiểu đoạn, tiếng việt, nghị luận xã hội.

- Khi viết đoạn, phải suy nghĩ kiến thức Tiếng Việt trước khi viết, ghi câu chủ đề, câu chốt, câu mở của các kiểu đoạn diễn dịch, tổng phân hợp, quy nạp ra nháp để chắc chắn mình trả lời đúng.

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THCS Lê Lợi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cô Phạm Thị Hương Thảo, Tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THCS Lê Lợi, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Cách trả lời từng dạng bài

Câu hỏi nhỏ thường chiếm khoảng 4,5 – 5 điểm, thí sinh bắt buộc phải tách ý rõ ràng, không viết thành đoạn văn hoàn chỉnh nhưng giữa các ý phải có phần chuyển ý.

Dùng kí hiệu (- ) để trình bày ý lớn, (+) để trình bày ý nhỏ; trả lời mỗi ý trong 1 câu hỏi bắt đầu bằng 1 gạch đầu dòng; Nhắc lại ý câu hỏi trong đề bài, không trả lời cộc lốc, thiếu chủ ngữ, có thể diễn đạt thành câu văn hoàn chỉnh nhưng vẫn xuống dòng, không viết thành đoạn.

Đối với dạng câu hỏi, "tại sao, qua đoạn trích nhân vật là người như thế nào, bộc lộ phẩm chất gì, vẻ đẹp gì", cô Thảo hướng dẫn học sinh không được ghi 1 đáp án, ghi càng nhiều đáp án càng tốt và phải có dẫn chứng để thuyết phục giám khảo.

Câu hỏi liên hệ tác phẩm tương đồng như cùng chủ đề, đề tài… nếu chưa chắc chắn, thí sinh có thể kể tên 2 tác phẩm.

Câu hỏi trình bày suy nghĩ trong khoảng 3-5 câu hoặc 6-8 câu, thí sinh phải viết thành đoạn văn nhỏ hoàn chỉnh.

Đoạn văn nghị luận văn học

Quy tắc là thí sinh cần lập dàn ý ngắn gọn ra nháp trước khi viết vào bài thi: chỉ viết từ khóa, không diễn đạt thành câu.

Nếu đề bài hỏi phần đoạn văn nghị luận văn học: thí sinh cần phân tích nhân vật trong 1 tác phẩm: gọi tên phẩm chất , dẫn chứng, nhận xét dẫn chứng. Sau khi phân tích xong, bắt buộc phải nêu nghệ thuật xây dựng nhân vật (qua tình huống, hành động, lời nói, cử chỉ. Cách trần thuật tự nhiên linh hoạt cùng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm…)

Nếu chưa nắm được phẩm chất của nhân vật thì tóm tắt hành động việc làm của nhân vật, nghệ thuật.

Phân tích nhân vật trong 1 đoạn trích được nêu ở đề bài: thí sinh cần tìm các từ chìa khóa xuất hiện, gạch chân vào đề, ghi phẩm chất. Chú ý các yếu tố nghệ thuật trong đoạn trích.

Dạng thơ: Thí sinh cần trích thơ hoặc dùng thơ làm lời dẫn, gọi tên nghệ thuật, nêu tác dụng của nghệ thuật. Lưu ý, phân tích thơ mà không gọi tên nghệ thuật, bài điểm sẽ rất kém.

Cách trình bày bài thi đối với môn Ngữ văn, cần rõ ràng, khoa học, sạch sẽ. Khi làm hết một câu xuống dòng, cách 1 dòng. Câu hỏi nhỏ, hết 1 ý xuống dòng.

Đối với đoạn văn cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội, dung lượng khoảng 1 trang giấy thi.

Cách xử lý khi làm bài sai

Nếu làm sai, thí sinh tuyệt đối không được dùng bút xóa. Phương pháp là: sai vài từ, có thể dùng thước kẻ gạch chéo dòng chữ, dùng dấu ngoặc đơn gạch sát vào chữ.

Sai 1 đoạn hay vài câu liền, thí sinh dùng dấu ngoặc đơn, sổ thẳng bên lề giấy thi, ghi bỏ”.

Nếu sai quá nhiều, gạch xóa bẩn khi đang viết ở trang 1 và còn nhiều thời gian (2/3 thời gian), cần xin giám thị thay giấy khác.

Nếu gạch chân kiến thức Tiếng Việt bị sai, thí sinh gạch đè lên phần gạch chân.

Ngoài ra, sau khi làm bài xong, thí sinh cần kiểm tra lại toàn bộ bài, từng câu để không bị sót; kiểm tra lại tờ phách ghi tên, ngày sinh, SBD, Số thứ tự. Ghi đủ số tờ số tờ, tổng số tờ…

Các giáo viên dạy Ngữ văn cũng lưu ý thí sinh: Trước khi thi, ôn một lượt đủ các bài không nên học tủ một số bài. Học theo sơ đồ tư duy để nắm được kiến thức cơ bản.

Khi làm bài cần trả lời đúng trọng tâm, đúng chính tả, rõ ràng, sạch đẹp. Thí sinh tuyệt đối không hoảng loạn nếu gặp bài, đề chưa học kĩ, hít thở thật sâu và nhớ lại những kiến thức cơ bản nhất. Cần thiết chép lại đoạn thơ, tóm tắt sơ lược tác phẩm để lấy lại cảm xúc.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-giao-chi-cach-xu-ly-loi-khi-lam-bai-mon-ngu-van-trong-ky-thi-lop-10-post1643844.tpo