Cô giáo dạy Lịch sử giành giải nhất về viết sách điện tử
Vừa qua, cô giáo Hoàng Thị Thủy, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Gia Viễn B với sản phẩm sách điện tử 'Cẩm nang du lịch Ninh Bình' đã giành giải nhất cuộc thi viết sách điện tử do Công ty cổ phần Học viện tư vấn chuyển đổi số Việt Nam tổ chức dành cho giáo viên trên toàn quốc. Cuốn sách là nguồn tài liệu số hiện đại với các thông tin chính xác, thú vị, hấp dẫn về các điểm đến nổi tiếng về du lịch Ninh Bình, vừa góp phần hỗ trợ giảng dạy môn Giáo dục địa phương theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, vừa là tài liệu cho quảng bá, xúc tiến du lịch Ninh Bình.
Với hơn 15 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Hoàng Thị Thủy đã chứng kiến những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông cũ, mới và nhận thức được những yêu cầu ngày càng cao đối với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt trong câu chuyện đổi mới giáo dục trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thành tựu công nghệ hiện đại đang bùng nổ mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của thế giới đã và đang thúc đẩy bản thân cô Thủy và các nhà giáo thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học.
Cùng thực tế nhiều năm đứng trên bục giảng của bản thân, cô giáo Hoàng Thị Thủy đã nhận thấy tài liệu học tập của học sinh (nhất là tài liệu giáo dục địa phương) chủ yếu là vở ghi, sách giáo khoa. Vì thế hiện nay, việc dạy học nói chung, các môn Khoa học xã hội (trong đó có môn Lịch sử) nếu bắt kịp xu hướng công nghệ dạy học hiện đại sẽ tránh làm cho môn học trở nên nặng nề, nhàm chán.
Ấp ủ dự định viết sách điện tử Cẩm nang du lịch Ninh Bình - một sản phẩm ứng dụng công nghệ, nhằm góp phần thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh trên môi trường số với các ứng dụng công nghệ số, cô giáo Hoàng Thị Thủy chia sẻ: Để hoàn thiện sách điện tử "Cẩm nang du lịch Ninh Bình", tôi xây dựng mục tiêu, kế hoạch về nội dung sách là một trong những yêu cầu cần đạt thuộc chương trình Giáo dục địa phương lớp 10 của tỉnh Ninh Bình, là nội dung dạy học bắt buộc trong chương trình GDPT mới 2018.
Sách cũng có thể sử dụng cho chuyên đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam" - thuộc các chuyên đề lựa chọn trong chương trình giáo dục môn Lịch sử 10 bắt đầu được áp dụng trên cả nước từ năm học 2022-2023. Về phương pháp dạy học, giáo viên có thể sử dụng sách điện tử để hỗ trợ cho tài liệu SGK và bài giảng trên lớp; hoặc là một bài gợi ý, hướng dẫn cho học sinh có thể thực hiện các dự án học tập giới thiệu về một số di sản văn hóa của Việt Nam hoặc của địa phương.
Các tài liệu trong sách được thể hiện chủ yếu ở 3 kênh chữ, kênh hình và kênh tiếng. Về kênh chữ, thông tin trong sách được chắt lọc kỹ lưỡng từ các sách nghiên cứu chuyên khảo về các di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Bình và chương trình Giáo dục địa phương lớp 10 (nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới). Kênh hình là các hình ảnh được khai thác từ các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của tỉnh nhà (Ninh Mạnh Thắng, Xuân Lâm, Đào Minh Tiến…) và các trang điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Báo Ninh Bình… Kênh tiếng (âm thanh) là các bài hát quen thuộc đối với mỗi người con Ninh Bình "Lại về Ninh Bình" (sáng tác Trần Hoàn), "Em có về Tam Cốc quê tôi" (sáng tác Thế Hùng),… được khai thác trên kênh thông tin của Đài PTTH Ninh Bình.
Sách được thể hiện thông qua việc sử dụng 3 công cụ ứng dụng công nghệ hiện đại để thiết kế, như: Canva, Heyzin, công cụ chuyển văn bản thành giọng nói note vibes, tạo nên những trang sách điện tử lật, được edit với âm thanh file nhạc, file ghi âm mp3, video. Kết quả đã tạo nên một sản phẩm sách điện tử sống động hơn với hình ảnh, âm thanh, video… mà người đọc sách hoàn toàn có thể tương tác được.
Cô Hoàng Thị Thủy trao đổi với lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp với ý tưởng nâng cao nội dung sách.
Thuận lợi của cô giáo Hoàng Thị Thủy trong viết sách điện tử "Cẩm nang du lịch Ninh Bình" vì cô là 1 trong những tác giả biên soạn chủ đề di tích lịch sử văn hóa trong tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10 của tỉnh nên các tài liệu viết sách thuận tiện. Cùng với giỏi về công nghệ thông tin, cô Thủy đã hoàn thiện sách trong thời gian khá ngắn với khoảng vài tuần của tháng 6/2023.
Sách điện tử "Cẩm nang du lịch Ninh Bình" là một sản phẩm ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại với mong muốn phát huy hiệu quả năng lực và phẩm chất của người học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay. Mặt khác, cuốn sách còn có giá trị hướng tới cả một xã hội học tập và phạm vi có thể mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Thầy giáo Nguyễn Tiên Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn B cho biết: Sản phẩm sách điện tử "Cẩm nang du lịch Ninh Bình" của cô giáo Hoàng Thị Thủy là sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin rất ý nghĩa trong giảng dạy tài liệu Giáo dục địa phương tại Ninh Bình. Nếu được phát triển lên, sách điện tử "Cẩm nang du lịch Ninh Bình" sẽ là tài liệu để quảng bá du lịch Ninh Bình rất hiệu quả.
Hiện nay, công tác chuyển đổi số của Trường THPT Gia Viễn B đang triển khai khá toàn diện trong công tác quản lý và giảng dạy. Do đó, trong năm học tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm sách, tài liệu điện tử với các môn học, giúp học sinh nâng cao năng lực tự học, phát triển những phẩm chất, năng lực của bản thân.
Cô giáo Hoàng Thị Thủy là tấm gương sáng trong phong trào "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Nhiều năm qua, cô Thủy là giáo viên cốt cán của trường trong ôn thi HSG môn Lịch sử, HSG tổ hợp C00; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trung học môn Lịch sử do Sở GDĐT triệu tập; biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 10 và 11 trong Chương trình GDPT 2018; Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Cô Thủy cũng là giáo viên có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến cấp Sở và hướng dẫn học sinh đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2020-2021. Nhiều năm cô Thủy được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Sở Giáo dục và Đào tạo giấy khen, UBND tỉnh tặng bằng khen.