Cô giáo học tiếng Nùng để hiểu và dạy trò yêu ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình
Không muốn khoảng cách ngôn ngữ cản trở sự thấu hiểu, cô giáo Lý Thị Hòa đã học tiếng dân tộc Nùng từ học trò, đồng nghiệp của mình.

Học sinh đọc sách tại khuôn viên thư viện ngoài trời. Ảnh NT.
Học để lắng nghe, dạy để sẻ chia
Khi đã dày dặn kinh nghiệm đứng lớp, nhiều giáo viên chọn gắn bó với những điều quen thuộc. Nhưng với cô giáo Lý Thị Hòa, Trường PTDTNT THCS và THPT Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), đó lại là thời điểm bắt đầu một hành trình học tập mới: học tiếng dân tộc thiểu số. Không vì thành tích, cô học tiếng dân tộc vì trò, vì văn hóa và để hiểu hơn những con người xung quanh mình.
Từ năm 2018, cô Hòa bắt đầu công tác tại Trường PTDTNT THCS và THPT Cao Lộc nơi chủ yếu học sinh là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Nùng. Ngoài việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn, cô Hòa đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp. Quá trình gắn bó với học trò khiến cô nhận ra, để truyền đạt kiến thức hiệu quả, người thầy không chỉ cần giỏi chuyên môn. Quan trọng hơn, họ cần hiểu cách học trò suy nghĩ, cảm nhận và biểu đạt.
“Tôi là giáo viên đang công tác ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, học tiếng dân tộc giúp tôi gần gũi, hiểu học trò và dạy học hiệu quả hơn”, cô Hòa chia sẻ.
Với cô Lý Thị Hòa, mỗi từ ngữ, cách xưng hô đều chất chứa những chiều sâu văn hóa mà chỉ có thể cảm nhận qua đời sống hằng ngày. Hơn thế, việc học tiếng dân tộc còn mang ý nghĩa cá nhân sâu sắc, bởi đó là cách để cô tìm lại những giá trị truyền thống từng bị bỏ lỡ.
“Gia đình tôi có nguồn gốc dân tộc Tày, nhưng tôi chưa từng được học ngôn ngữ của ông bà. Đây là cơ hội để tôi kết nối lại với cội nguồn và hiểu hơn về truyền thống của gia đình”, cô Hòa nói.
Trong ánh mắt học trò, cô giáo không chỉ là người truyền dạy kiến thức, mà còn là một tấm gương sống động về việc không ngừng học tập và gìn giữ bản sắc văn hóa.
Dấn thân vào con đường học ngôn ngữ mới khi đã ngoài 40 tuổi, cô Hòa không tránh khỏi những trở ngại: “Tôi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về phát âm và từ vựng. Tiếng Nùng có nhiều thanh điệu và cách phát âm rất khác với tiếng phổ thông, đôi khi chỉ cần sai một âm là có thể hiểu nhầm sang từ khác”, cô kể.
Có những lúc, cô chật vật ghi nhớ một từ mới, lúng túng vì phát âm chưa đúng nhưng vẫn không nản lòng. Bởi cô hiểu rằng, mình đang học để lắng nghe, để làm chiếc cầu nối - một cây cầu bằng ngôn ngữ, cảm thông và lòng yêu nghề.
Động lực giúp cô vượt qua những khó khăn không đến từ thành tích hay những lời khen. Thứ níu giữ cô lại với hành trình này chính là ánh mắt lấp lánh của học trò khi nghe cô nói tiếng dân tộc. Đó còn là nụ cười ấm áp của bà con khi thấy cô cố gắng hòa mình vào cộng đồng. Những khoảnh khắc nhỏ bé ấy, giản dị mà chan chứa yêu thương, khiến cô tin rằng con đường mình chọn là đúng đắn.
“Điều khiến tôi thấy vui nhất không phải là sự công nhận, mà là có thể dùng tiếng dân tộc để trò chuyện, tâm sự cùng học trò. Các em thường rất ngại chia sẻ nhưng khi tôi chủ động dùng tiếng dân tộc để giao tiếp, các em mở lòng hơn rất nhiều”, cô Hòa tâm sự.

Cô giáo Lý Thị Hòa, Trường PTDTNT THCS và THPT Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh NVCC
Gìn giữ tiếng nói quê hương
Giữ gìn tiếng nói dân tộc trong trường học là một hành trình không dễ dàng, nhất là khi học sinh ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày. Thế nhưng, với cô giáo Lương Thị Hòa, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là một niềm tự hào. Bằng sự linh hoạt và sáng tạo, cô đã lồng ghép tiếng Nùng vào bài giảng, tạo nên những tiết học gần gũi, sinh động và đậm đà bản sắc.
“Sau khi được cấp chứng chỉ, tôi đã bắt đầu áp dụng tiếng Nùng vào trong các tiết học.Với học sinh lớp 1, lớp 2 những em còn chưa thạo tiếng phổ thông, cô thường dùng tiếng Nùng để giải thích những khái niệm khó giúp các em tiếp thu bài dễ dàng hơn”, cô Hòa chia sẻ.
Song song với việc giảng dạy kiến thức, cô Hòa còn chủ động tổ chức nhiều hoạt động nhằm truyền dạy ngôn ngữ và văn hóa truyền thống cho học sinh. Các em được kể chuyện bằng tiếng Nùng, học hát dân ca, tìm hiểu phong tục, lễ hội của dân tộc.
“Tôi thường lồng ghép tiếng Nùng vào các hoạt động trải nghiệm để học sinh dễ tiếp nhận và hứng thú hơn với ngôn ngữ của chính mình”, cô Hòa nói.

Cô Hòa cùng học trò. NVCC.
Theo cô Hòa, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy đã mang lại những tín hiệu rất tích cực. Không còn e dè như trước, học sinh đã bắt đầu chủ động giao tiếp, tự tin thể hiện bản thân thông qua các hoạt động kể chuyện, hát dân ca bằng tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ dân tộc không chỉ sống dậy trong từng giờ học mà còn trở thành cầu nối nuôi dưỡng tình yêu văn hóa, giúp các em thêm gắn bó với cội nguồn.
Dẫu vậy, hành trình giữ gìn và lan tỏa tiếng nói dân tộc trong trường học vẫn còn không ít gian nan khiến cô trăn trở: “Nhiều học sinh hiện nay nói tiếng phổ thông là chính. Vậy nên lâu dần, tiếng mẹ đẻ bị quên lãng lúc nào không hay. Điều này khiến tôi càng thấy việc dạy và khơi lại ngôn ngữ gốc cho các em là cấp thiết và không thể chờ đợi”.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt tài liệu giảng dạy song ngữ khiến giáo viên gặp không ít khó khăn khi xây dựng bài học. Việc chưa có nhiều giáo viên được đào tạo bài bản về tiếng dân tộc cũng là một rào cản lớn.
Để tiếng Nùng trở thành một phần gần gũi và sống động trong đời sống học đường, cô tin rằng cần có sự đồng hành từ nhiều phía. Việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc không chỉ là nỗ lực của thầy cô, mà còn cần sự quan tâm từ các cấp quản lý giáo dục, cũng như sự sẻ chia, ủng hộ từ gia đình và cộng đồng. Khi tất cả cùng hướng về một mục tiêu chung, tiếng nói dân tộc sẽ có thêm cơ hội được nuôi dưỡng và lan tỏa bền lâu.
Không phải ai cũng ý thức được giá trị của tiếng mẹ đẻ cho đến khi nó dần mai một. Chứng kiến điều đó mỗi ngày trong lớp học, cô Hòa càng thêm trăn trở: làm sao để những đứa trẻ không chỉ hiểu, mà còn tự hào với ngôn ngữ của chính mình?
“Tôi rất mong các em học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh dân tộc Nùng, sẽ tự hào về tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng các em ý thức được giá trị của bản sắc dân tộc để vừa học tốt tiếng phổ thông, vừa không quên cội nguồn và văn hóa truyền thống của mình”, cô Hòa bộc bạch.