Cô giáo hơn 40 năm gắn bó với trò nghèo
Hơn 40 năm qua, cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (phường An Cư, Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đã vun đắp ước mơ tìm con chữ cho trẻ em nghèo nơi đây.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, lớp học tình thương của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (phường An Cư, Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khá quen thuộc với người dân địa phương. Hơn 40 năm qua, cô Hiếu đã vun đắp ước mơ tìm con chữ cho trẻ em nghèo nơi đây.
Gieo chữ bằng tình thương
Từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, trời vừa chạng vạng tối, tiếng đọc bài của các bé lại vang lên trong căn nhà nhỏ của cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (còn được gọi là cô Uyên). Lớp học đơn sơ sáng đèn nằm trên gác lửng của căn nhà cấp 4 với 2 dãy bàn. Mỗi đêm có 11, 12 em đến lớp.
Lớp học của cô Hiếu đa dạng học sinh về độ tuổi nhưng điểm chung là các em đều khó khăn. Em thì mồ côi, em bán vé số dạo, bán hàng rong, cha mẹ là lao động nghèo, có em sống cùng ông bà… Nhiều thời điểm, lớp học của cô có tới 30 em đến lớp mỗi đêm.
Về cái duyên gắn với lớp học tình thương cho trẻ em nghèo, cô Hiếu cho biết: Khi cô học lớp 6, cha bệnh nặng rồi qua đời, mẹ tảo tần nuôi chị em cô ăn học. Tới năm lớp 8, cô phải thôi học đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Năm 18 tuổi, khi tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện cho thiếu nhi, cô Hiếu được giao nhiệm vụ giảng dạy các lớp học tình thương do địa phương tổ chức.
“Lúc đầu, gia đình không đồng ý cho tôi tham gia dạy lớp ‘xóa mù chữ’. Vì lúc đó quá khó khăn, gia đình muốn tôi dành thời gian đi làm kiếm tiền. Phần vì sợ tôi không đủ kiến thức để đứng lớp. Nhưng cán bộ phường vận động thuyết phục, từ đó tôi gắn với việc dạy chữ cho trẻ em nghèo”, cô Hiếu tâm sự.
Sau thời gian vừa dạy, vừa theo học các lớp bổ túc bồi dưỡng văn hóa, cô Hiếu đã hoàn thành chương trình sư phạm và được phân công dạy phổ cập tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Ninh Kiều). Thời gian này, cô vẫn duy trì lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Để có chỗ dạy, địa phương đã mượn cơ sở vật chất ở chùa để giúp cô dạy học miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ, đường phố.
Chia sẻ về lớp học tình thương, em Dương Phan Mẫn Nhi (16 tuổi), một học sinh trong lớp học của cô Hiếu cho biết: “Em mồ côi cha, mẹ đi rửa chén thuê ở quán ăn kiếm tiền lo cho gia đình. Bản thân em phụ ngoại bán sữa đậu nành, tối em mới tới lớp của cô để học. Đến lớp em cảm thấy ấm áp như gia đình, bởi cô không chỉ dạy chữ, dạy tính toán, mà còn dạy điều hay, lẽ phải. Cô Hiếu như là người mẹ thứ hai của em”.
Cô Hiếu chia sẻ, thời gian đầu tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà, cô gặp không ít khó khăn do thiếu sách vở, bàn ghế… Nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ, lớp học dần ổn định, cô có điều kiện giảng dạy các em tốt hơn.
Lớp học tình thương của cô Hiếu được tiếp sức bởi sự đồng hành của các sinh viên, tình nguyện viên. Huỳnh Quốc Trí, sinh viên ngành Y Đa khoa, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ chia sẻ, đến dạy tại lớp học tình thương của cô Hiếu, em dạy cho các bé Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.
“Các bé ở đây rất ham học, chăm chú lắng nghe. Chúng em rất vui khi được đồng hành cùng cô Hiếu tiếp thêm con chữ cho các bé. Mỗi tuần em tranh thủ thời gian rảnh sau giờ học, để dành 1 - 2 buổi đến hỗ trợ cô Hiếu dạy”, Quốc Trí cho hay.
Tương tự, sinh viên Nguyễn Thị Hợp, ngành Y Đa khoa, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng tình nguyện đến lớp học tình thương dạy kèm cho các bé. Hợp chia sẻ, các bé cần kèm môn gì em sẽ phụ đạo môn ấy.
“Dạy cho các bé có thêm kiến thức, biết thêm con chữ, em thấy rất vui vì đã góp sức nhỏ của mình để cho các em vững hành trang hơn trong cuộc sống”, Hợp bộc bạch.
Sinh viên Võ Thiên Kim, chuyên ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thường đến với lớp học tình thương để dạy kèm tiếng Anh. Thiên Kim chia sẻ, các bé tiếp thu rất nhanh và ham học.
Ngoài dạy tiếng Anh cho các bé, đôi khi cô cũng tổ chức các hoạt động vui chơi tại lớp học. “Chúng em mong muốn dành chút thời gian để giảng dạy các em. Thấy các bé tiến bộ từng ngày, biết đọc chữ, đếm số là mình hạnh phúc lắm!”, Thiên Kim nói.
Dạy chữ, dạy nghề
Tại lớp học tình thương có khá nhiều cảnh đời khá đặc biệt. Như trường hợp của em Nguyễn Thị Hồng Nhi (15 tuổi, quận Ninh Kiều). Do cha mẹ đi làm ăn xa, em không được đến trường nên hàng ngày em cùng bà đi bộ đến lớp.
“Con không được đến trường, bà con dẫn con đi học ở lớp cô Hiếu. Đến lớp con cảm thấy ấm áp như gia đình, bởi cô không chỉ dạy chữ, mà còn dạy điều hay, lẽ phải”, em Nhi tâm sự.
Tương tự, Phan Hoàn Lộc (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) có cha mẹ làm lao động tự do nên em tự đạp xe đến lớp học. Lộc đang là học sinh lớp 6 một trường THCS trên địa bàn.
“Con đến lớp học từ thứ 2 đến thứ 5, từ khi con học lớp 3 đến giờ. Đến lớp được cô và các anh chị dạy nhiều điều lắm, giúp con có thêm kiến thức bổ ích. Giờ dạy học trên lớp, lúc rảnh tay, cô Hiếu hướng dẫn chúng con làm những chiếc móc khóa rất xinh xắn. Con đã tự tay làm được một chiếc vòng đeo cổ để tặng mẹ trong dịp 3/8 vừa qua”, Lộc chia sẻ.
Dạy trẻ em nghèo đã khó, việc thuyết phục gia đình cho các em đến lớp học tình thương càng khó hơn. Thế nên, ngoài việc dạy chữ, cô Hiếu còn truyền nghề kết cườm thành móc khóa cho các em.
“Thời gian sau giờ học, hoặc các em đến lớp sớm, tôi thường trực tiếp chỉ các em kết các hạt cườm làm móc khóa. Tôi cố gắng dạy cho các em cái nghề vừa với sức mình để có thể làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sản phẩm của các em làm tại lớp được các mạnh thường quân ủng hộ; nhờ đó mà có tiền mua nguyên liệu, tiền dư ra để gây quỹ giúp đỡ bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, cô Hiếu nói.
Chị Lê Thị Anh Đào (41 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) bộc bạch, do hoàn cảnh khó khăn nên chị không có điều kiện cho con đến trường. Biết lớp học tình thương của cô Hiếu, chị xin cho con theo học đến nay đã được 5 năm. Nhờ đó, con chị biết chữ và được dạy lễ nghĩa nên rất ngoan. Ngoài học chữ, con chị còn được cô Hiếu dạy kết cườm làm móc khóa để tự kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Với tâm nguyện chia sẻ cùng cộng đồng, năm 2008 cô Hiếu thành lập Câu lạc bộ Nụ Cười, giúp các mảnh đời bất hạnh, tiếp sức cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường... Nhờ vào hỗ trợ của các mạnh thường quân, lớp học của cô Hiếu thường kèm theo những “phần thưởng” tại lớp là những bữa ăn nhẹ, hay tặng gạo, mì gói, dụng cụ học tập… để khích lệ tinh thần các em.
Cô Hiếu bộc bạch: “Hầu như học sinh tôi dạy các em không đến trường. Tâm nguyện của mình chỉ đơn giản mong các em sẽ biết đọc, biết viết, ra đường biết tên đường này đường kia, rồi biết tính tiền, biết đọc cái đơn, cái thư, biết làm bài toán để khi bán vé số không bị mất tiền, thế là tôi cảm thấy vui rồi!”.
Mỗi em đến lớp một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Mong sao các em biết đọc, biết viết để ra đời có thể tìm được công việc phù hợp mưu sinh là tốt rồi. Tôi duy trì lớp học chỉ với tâm nguyện như thế. Mình còn sức khỏe là còn tiếp tục góp sức nhỏ để dạy dỗ cho các em. Cô Liêu Thị Mỹ Hiếu
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-hon-40-nam-gan-bo-voi-tro-ngheo-post682731.html