Cô giáo người Mường say mê nghiên cứu sáng kiến kinh nghiệm
Khi tiếng ve rộn ràng, những cánh phượng nhuộm đỏ sân trường cũng là thời điểm các thầy, cô giáo cùng các em học sinh tạm rời xa mái trường. Tranh thủ thời gian, tôi trở ngược miền thượng du để đến huyện Ngọc Lặc tìm gặp cô Phạm Thị Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Vân Am 1, xã Vân Am - người tâm huyết với sự nghiệp 'trồng người' và hết mực yêu thương các em học sinh vùng khó khăn. Điều đó được thể hiện bằng những sáng kiến kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học nhằm giúp các em học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất lẫn tinh thần.
Trong bộ váy truyền thống của đồng bào Mường, cô Tuyết trông thật hiền dịu và trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 50. Sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Quang Trung nên cô thấu hiểu cái nghèo khó, thiếu cái chữ của các em nhỏ quê hương. Bởi thế, từ thuở còn là học sinh tiểu học cô đã ước mơ trở thành “người đưa đò”. Năm 1991, sau khi học xong ngành sư phạm, cô được phân công về dạy tại Trường THCS Đồng Thịnh, xã Đồng Thịnh. Với lòng yêu nghề, muốn được đóng góp sức mình cho sự nghiệp trồng người ở những xã vùng đặc biệt khó khăn, tháng 10-2018, cô đã viết đơn tình nguyện xin về dạy tại Trường Tiểu học Vân Am 1.
Cô Tuyết về công tác tại Trường Tiểu học Vân Am 1 đúng thời điểm chi bộ, ban giám hiệu nhà trường đang quyết liệt thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đến từng cán bộ quản lý, giáo viên. Đi liền với việc nâng cao chất lượng dạy học, Chi bộ, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Vân Am 1 quán triệt đến toàn thể giáo viên phải xem trọng và ưu tiên công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Từ đây, cô Tuyết có môi trường thuận lợi để phát huy nhiều sáng kiến kinh nghiệm, hướng đến giáo dục học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất lẫn tinh thần. Nhiều năm liền, các sáng kiến kinh nghiệm của cô được ngành giáo dục, cấp huyện, cấp tỉnh đánh giá, xếp loại cao và có tính hiệu quả, ứng dụng trong thực tiễn.
Cô Tuyết chia sẻ: “Vân Am là xã vùng sâu, vùng xa với địa hình đồi núi đan xen sông ngòi, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan như dông, bão, mưa lớn... Lâu nay, việc giáo dục cho học sinh ý thức, kiến thức về phòng, chống thiên tai thông qua hình thức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể, hay các môn Khoa học, Địa lí. Những hình thức truyền dạy này nặng về lý thuyết nên khó hình thành được kỹ năng, năng lực ứng phó với thảm họa thiên tai của các em học sinh”. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu từ thực tiễn địa phương, năm học 2020-2021, cô đã đưa ra sáng kiến “Một số kinh nghiệm rèn kỹ năng sống: phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh lớp 4 thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Vân Am 1”. Cô Tuyết cho biết: “Qua các buổi học, học sinh được xem hình ảnh, đoạn video về tình hình thiên tai xảy ra ở Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bằng cách đưa ra những tình huống thường gặp trong thực tế, các em học sinh sẽ tư duy và đưa ra cách giải quyết của riêng mình. Từ đó, giúp các em không chỉ nâng cao nhận thức, mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai và bảo vệ môi trường sống xung quanh”. Sáng kiến trên của cô Tuyết đã được Hội đồng khoa học cấp huyện xếp loại A.
Sau gần 4 năm gắn bó với mảnh đất Vân Am, cô Tuyết nhận thấy, các học sinh nơi đây hạn chế về đọc, nhất là đọc diễn cảm. Cô Tuyết bộc bạch: “Phần lớn học sinh ở Trường Tiểu học Vân Am 1 là người Mường, trong giao tiếp chủ yếu sử dụng tiếng Mường, ít nói tiếng phổ thông dẫn đến việc đọc chữ gặp nhiều khó khăn trong phát âm”. Trăn trở tìm giải pháp, năm học 2021-2022, cô đã đưa ra sáng kiến kinh nghiệm “Một số giải pháp rèn đọc diễn cảm cho học sinh lớp 5”. Sáng kiến ấy đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá, xếp loại C. Sáng kiến nêu bật tầm quan trọng của việc đọc sách đối với học sinh bậc tiểu học, nhất là học sinh vùng miền núi dân tộc. Vai trò của thầy, cô giáo trong việc truyền cảm hứng đọc sách cho các em học sinh và cao hơn là đọc diễn cảm. Ứng dụng sáng kiến của cô, tại Trường Tiểu học Vân Am 1 đã ra đời Cuộc thi “Em chăm đọc sách”. Đồng thời, trong các tiết học lịch sử, tiếng việt, địa lý... các thầy, cô giáo đều phân vai để các em học sinh đọc theo dạng đối thoại với nhau.
Từ những sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng trong thực tiễn cao, năm 2021, cô Tuyết vinh dự là 1 trong 50 thầy, cô giáo trong cả nước được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Bên cạnh đó, cô còn là đảng viên 5 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Lặc tặng Giấy khen và nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa về sáng kiến kinh nghiệm, cũng như có thành tích xuất sắc các phong trào thi đua do Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động. Nhưng điều cô Tuyết tự hào hơn cả là nhiều học sinh của mình ở Trường Tiểu học Vân Am 1 đạt giải cao trong Cuộc thi viết thư UPU, Cuộc thi sân chơi ý tưởng trẻ thơ. Cụ thể, năm học 2021-2022, cô có 1 học sinh đạt giải quốc gia Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU - giải cây bút triển vọng và 2 học sinh đạt giải khuyến khích quốc gia Cuộc thi sân chơi ý tưởng trẻ thơ. Sang năm học 2022-2023, cô tiếp tục có 3 học sinh đạt giải đặc biệt quốc gia Cuộc thi Sân chơi ý tưởng trẻ thơ.
Với những đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, cô Phạm Thị Tuyết đã được huyện Ngọc Lặc biểu dương là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023.