Cô giáo say mê nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giảng dạy
Thạc sĩ Lê Thị Thu Thủy (sinh năm 1986), giáo viên trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang), đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học trong quá trình giảng dạy, đóng góp cho ngành giáo dục những sáng kiến được áp dụng vào thực tế để nâng cao chất lượng dạy và học.
Say mê nghiên cứu khoa học
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thu Thủy được phân công về giảng dạy tại trường THPT Yên Dũng số 2 (tỉnh Bắc Giang), sau đó cô chuyển công tác về trường THPT Ngô Sĩ Liên. Từ ngôi trường này, cô đã say mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sư phạm và ứng dụng vào thực tế giảng dạy.
Trong những năm vừa qua, cô và các đồng nghiệp đã nghiên cứu nhiều đề tài mang lại giá trị cho ngành giáo dục và cho xã hội như đề tài "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử độc đáo của mộc bản ở tỉnh Bắc Giang"; "Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới"; "Xây dựng cẩm nang phát hiện và hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội ở học sinh THPT", cùng nhiều đề tài khoa học khác...
Định hướng phát triển giáo dục mới
Năm 2019, cô Thu Thủy cùng nhóm cán bộ, thầy cô đã công bố đề tài "Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới", được đánh giá cao tại tỉnh Bắc Giang. Đề tài đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kĩ thuật tỉnh Bắc Giang năm 2019; giải Ba Hội thi Sáng tạo Kĩ thuật toàn quốc năm 2019 và được lựa chọn công bố trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2020.
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn (STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học).
Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh. Chính vì vậy, cô Thủy và nhóm đề tài đã nghiên cứu phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng phát triển giáo dục mới, áp dụng vào thực tế giảng dạy.
Về đề tài "Xây dựng cẩm nang phát hiện và hỗ trợ điều chỉnh hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội ở học sinh THPT", cô Thu Thủy cho biết, đề tài này xuất phát từ hiện tượng ái kỷ trong học đường, tức là yêu bản thân quá mức như việc say mê chụp ảnh, đếm like... Xuất phát từ các lý do trên và mong muốn tìm hiểu thêm về hiện tượng ái kỷ trên mạng xã hội, giúp bản thân và bạn bè nhận thức rõ hiện tượng này và điều chỉnh kịp thời cách sử dụng mạng xã hội, cô và hai học trò đã lựa chọn đề tài này để triển khai. Đề tài xây dựng được hệ thống cơ sở lý luận, phân tích được thực trạng và đề ra giải pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đề tài đã được học sinh, phụ huynh, nhà trường và các cấp tỉnh Bắc Giang đánh giá cao.
"Nghiên cứu khoa học thì ai đã lựa chọn theo đuổi đều sẽ vất vả, nhọc nhằn, đều có những ngày tháng quên ăn, mất ngủ, trăn trở đau đáu khi kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng. Công việc chính của chúng tôi vẫn là giảng dạy, ngoài ra còn gia đình, con cái nên phải lên kế hoạch và sắp xếp rất khoa học để không bị dồn việc, chồng chéo lên nhau. Hơn nữa, chúng tôi đều được sự ủng hộ rất lớn từ phía nhà trường, gia đình và các học trò... nên trong quá trình thực hiện cũng có những thuận lợi nhất định", cô Thu Thủy chia sẻ.
Ngoài những đề tài đã được giải, cô Thu Thủy cùng đồng sự và học sinh đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu sáng tạo và đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia, cấp tỉnh/thành phố. Bản thân cô nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh và nhận được nhiều khen thưởng từ cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở cho những cống hiến khoa học của mình, nhiều năm liền cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.