Cô giáo trẻ lội suối, băng rừng vào làng 'gieo chữ'
Hơn 10 năm qua, cô Trần Thị Kim Hòa đã dành trọn thanh xuân nơi núi rừng Kbang (Gia Lai). Cô giáo trẻ này sẵn sàng lội suối, băng rừng vào làng dạy chữ, lên nhà đầm vận động học sinh tới trường, tất cả đều vì lo sợ trò 'hổng' kiến thức, mất con chữ.
Hành trình “gieo chữ” vùng cao
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô giáo trẻ Trần Thị Kim Hòa (SN 1989, trú tại thị trấn Kbang, huyện Kbang) về Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) giảng dạy. Trên chiếc xe máy cà tàng, ngày ngày cô giáo trẻ vượt hơn 60km vào trường, rồi “cuốc bộ” thêm gần 10km đường rừng vào làng dạy chữ.
Cô giáo trẻ “miệt mài” “gieo chữ” ở vùng khó Krong.
Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Hòa nhớ lại: “Ngày đó, sau khi về trường nhận công tác, mình được phân công về dạy tại các điểm trường làng. Để đến được điểm trường làng Tung Gút (xã Krong) mình và đồng nghiệp phải lội qua con suối đầu làng vì hồi đó chưa xây cầu. Ngày nắng thì dễ dàng lội bộ qua suối còn những ngày mưa, nước đầu nguồn đổ về dâng khiến các giáo viên khác phải ở lại trong làng cả tuần”.
“Nói thật trước đây, nghề giáo viên không phải là ước mơ của mình. Vì ngày đó nhà nghèo học sư phạm được miễn tiền học phí, ngay cả khi tốt nghiệp ra trường bản thân mình vẫn chưa nghĩ rằng sẽ gắn bó được với nghề. Nhưng khi về làng dạy chữ, được gắn bó cùng các con, cũng chẳng biết từ lúc nào bản thân thấy yêu nghề, yêu trò đến vậy”, cô Hòa bộc bạch.
Sau 3 năm dạy ở điểm trường làng, Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám thành trường bán trú, tất cả học sinh về học tập và ở lại điểm chính. Khi về trường chính, cứ mỗi dịp nghỉ lễ, tết hay đầu tuần học mới, cô Hòa lại tiếp tục hành trình “cuốc bộ” lên nhà đầm vận động học sinh tới lớp.
Dù ở điểm trường làng hay trường chính, cô giáo Trần Thị Kim Hòa vẫn hết lòng vì học sinh nghèo.
Theo cô Hòa, cứ mỗi dịp đầu tuần các giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám phải vào làng vận động, đưa học sinh ra lớp. Bởi sau 1 tuần học, các em thường về nhà vào cuối tuần rồi theo bố mẹ lên nhà đầm ở lại, làm rẫy. Một số phụ huynh vì chưa nhận thức được việc học của các con nên việc vận động các em đến lớp vốn khó lại càng khó thêm.
“Năm học 2015-2016, đằng đẵng mấy ngày trời mình không thấy học trò Đinh Khoang đến lớp, lo sợ Khoang bỏ học nên đã tìm đến nhà vận động em ra lớp. Tuy nhiên, khi đến nhà gia đình chỉ báo em bị sốt mà không cho giáo viên vào trong. Ban đầu cũng nghỉ em bị ốm vài ngày, nhưng mấy ngày sau đó cũng không thấy Khoang đến lớp…Khi gõ cửa nhà lần 2, phụ huynh mới cho vào nhà thì biết được Khoang bị viêm đường tiết niệu, sốt cao. Lúc bấy giờ, gia đình mới đưa em đến bệnh viện chữa trị”, cô Hòa chia sẻ.
Hết lòng vì học trò
Lo học trò bị “hổng” kiến thức trong thời gian nằm viện, sau khi lo xong công việc nhà và con cái, cô Hòa đã mang sách vở đến bệnh viện dạy phụ đạo cho Đinh Khoang. Nhờ vậy, dù nằm viện hơn 1 tuần song khi lên lớp Khoang vẫn theo kịp với các bạn.
Chân dung cô giáo nhỏ mỗi ngày vượt chặng đường gập ghềnh sỏi đá đến trường dạy chữ cho các em học sinh vùng khó.
Hành trình “gieo chữ” của cô giáo trẻ nghe thôi cũng đã thấy đầy rẫy những khó khăn, vất vả. Đó là chưa kể chặng đường gập gềnh sỏi đá từ nhà vào trường, từ trường về nhà hơn 100km, chặng đường mà không ít lần cô Hòa phải dắt bộ vì thủng săm, chết máy.
Được biết, cô Hòa có 2 người con, cháu lớn học lớp 3 còn cháu nhỏ chỉ mới 4 tuổi. Con nhỏ nên dù quãng đường mỗi ngày phải di chuyển là hơn 100 km, chi chít ổ voi, ổ gà nhưng cô giáo trẻ vẫn cố gắng đi – về trong ngày. Nhiều hôm quá ham việc ở trường hay vướng lịch trực cô đành gửi con nhờ người thân chăm sóc.
“Nhiều khi 2 đứa con của mình cũng ganh tỵ khi mẹ dành nhiều thời gian cho các bạn hơn. Chính những lúc mình chưa biết phải giải thích như thế nào cho con hiểu thì bố bọn trẻ đã kịp vỗ về các con. Những hôm không thể gửi con cho ông bà, người thân thì chồng mình là người tình nguyện xin nghỉ để chăm con. Chồng cũng là người luôn động viên mình cố gắng đem con chữ đến các em học sinh vùng khó”, cô Hòa tâm sự.
Thầy Hoàng Văn Ngọc - Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám cho biết, mặc dù quãng đường đến trường tương đối xa xôi và hiểm trở nhưng cô Hòa luôn năng nổ, nhiệt tình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cô Hòa còn có năng khiếu hội họa, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học. Cô Hòa cũng là một trong những giáo viên thường xuyên đến nhà vận động học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần.
Với những nỗ lực của mình, năm 2021 cô Trần Thị Kim Hòa vinh dự được chọn là giáo viên tiêu biểu đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Bài và ảnh: Thiên An