Cô giáo 'truyền lửa' đam mê học tiếng Anh cho học sinh nông thôn
Năm 1999, tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), gạt bỏ mọi cơ hội việc làm ở phố thị, cô giáo Trịnh Thị Quyên về nhận công tác tại ngôi trường mà cô từng theo học - Trường THCS Yên Nhân (huyện Yên Mô). Với cô Quyên, đó là những tháng ngày tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, hăm hở và kiên trì, vì ngay cả phụ huynh cũng chưa hiểu được tầm quan trọng của môn học này.
Cô giáo Trịnh Thị Quyên chia sẻ: Khi bước vào bậc học THPT, tôi mới lần đầu được tiếp xúc với môn học tiếng Anh. Với một cô học trò quê, đó là một môn học hoàn toàn mới lạ, nhiều thách thức. Lúc ấy, tôi đã rất ngưỡng mộ cô giáo dạy tiếng Anh. Nghe cô giáo nói tiếng Anh, kể những câu chuyện bằng tiếng Anh, tôi cảm thấy có một thế giới mới lạ với nhiều điều lý thú đang mở ra trước mắt mình. Từ đó, tôi sớm nuôi ước mơ trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh. Để mơ ước ấy trở thành hiện thực, tôi miệt mài học tập ngôn ngữ ấy. Những vấn đề khó, tôi chỉ biết nhờ cô giáo giúp đỡ. Cô giáo là "kênh" học duy nhất của tôi và thế hệ học trò lúc bấy giờ.
Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi của trẻ em nông thôn đối với môn học tiếng Anh, vì vậy ngay sau khi tốt nghiệp đại học, chối từ nhiều cơ hội việc làm tốt ở những ngôi trường lớn ngoài phố thị, cô giáo trẻ Trịnh Thị Quyên quyết tâm về dạy học tại ngôi trường thời niên thiếu của mình- trường THCS Yên Nhân (huyện Yên Mô). Tuy nhiên, những khó khăn, áp lực mà cô giáo trẻ Trịnh Thị Quyên khi ấy phải đối diện rất lớn, khi chính các bậc phụ huynh và học sinh vẫn chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự lý thú của môn ngoại ngữ. Nhưng khó khăn nhiều, quyết tâm của cô lại càng cao hơn. Hơn 20 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy năm cô Quyên tích cực học tập, rèn luyện, tìm tòi để đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp và hiệu quả.
Cô Quyên tâm sự: Ngoại ngữ là môn học khá đặc biệt, đòi hỏi người dạy phải thường xuyên đổi mới, cập nhật phương pháp dạy mới. Dẫu là thế hệ giáo viên có thâm niên, song tôi không ngại làm mới phương pháp dạy của mình. Tôi thường cho các em tham gia các trò chơi ô chữ, dùng thẻ đoán từ, đặc biệt là áp dụng âm nhạc tiếng Anh vào bài dạy, tạo hứng thú cho các em. Tôi cũng tổ chức những tiết tiếng Anh nhân các ngày hội truyền thống của các nước như Giáng sinh, Halloween… các cuộc thi trang trí lớp, vẽ khẩu hiệu, biển báo… đính tên bằng tiếng Anh cho các loại cây, hoa hay đồ vật… từ đó, giúp học sinh tích lũy vốn từ vựng và mạnh dạn hơn khi cần phải sử dụng tiếng Anh.
Đặc biệt, năm 2004, cô giáo Trịnh Thị Quyên là nữ giáo viên nữ đầu tiên của huyện ứng dụng công nghệ thông tin vào bài học, được giáo viên trong huyện về dự. Tiết học đó trở nên thú vị hơn rất nhiều qua hình thức trình chiếu power point, được đồng nghiệp ủng hộ. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cô Quyên tích cực học tin học A, tin học B, thậm chí còn tự túc tham gia các lớp học dạy ứng dụng cộng nghệ thông tin vào bài dạy.
Ngoài ra, với tất cả các lớp tập huấn do Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cô luôn là người điều hành, hướng dẫn các đồng nghiệp trong huyện, thậm chí trong tỉnh. Chồng cô là bộ đội, công tác xa nhà. Có những giai đoạn, cô Quyên vừa chăm sóc con nhỏ, vừa phụng dưỡng bố mẹ chồng sức khỏe yếu, tuy vậy, cô vẫn tranh thủ mọi thời gian để học, nghiên cứu tài liệu. Từ lúc phổ biến mạng internet, cô càng có thêm điều kiện để tra cứu, tìm phương pháp hữu hiệu nhất dạy học.
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Quyên đã lan tỏa và "thắp lửa" đam mê cho nhiều thế hệ học sinh nông thôn đối với môn học tiếng Anh. Cô còn có trên 10 năm liền tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều học sinh do cô bồi dưỡng đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, trong đó có nhiều giải quốc gia. Cô Quyên nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Yên Mô về những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.
Chia sẻ về bí quyết trong bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Quyên nói rằng, cô không có bí quyết nào ngoài sự tận tâm và lòng yêu nghề. Khi người thầy nhiệt tình, tâm huyết thì ắt các trò cũng nhiệt tình theo. Vai trò của giáo viên là phát hiện ra tố chất của học sinh, gợi mở và tạo niềm say mê môn học cho các em. Khi đã đam mê rồi, các em sẽ có động lực để học tập, khi đó, cô sẽ là người bạn động hành với các em trong hành trình chinh phục từng mục tiêu trong học tập.
Em Mai Thị Ngọc Hà là học sinh lớp 7, Trường THCS Yên Nhân. Năm học 2021-2022 vừa qua, Ngọc Hà đạt giải nhất môn tiếng Anh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi của huyện Yên Mô. Ngọc Hà chia sẻ: học sinh nông thôn không có nhiều điều kiện học tập tốt như các bạn ở thành phố. Nhưng được học cô giáo Quyên, với em đó là sự may mắn. Không những được truyền đạt kiến thức bởi một cô giáo nhiều kinh nghiệm mà quan trọng nữa là cô đã lan tỏa tình yêu đối với môn học này đến với chúng em. Nhờ có sự động viên, khích lệ và giúp đỡ của cô mà em ngày càng yêu thích môn học này. Em cũng đặt mục tiêu phấn đấu sẽ thi đỗ vào lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.
Dẫu không học ở trường cô Quyên giảng dạy, song học sinh Vũ Hằng Giang lại may mắn được cô Quyên đào tạo, bồi dưỡng ở đội tuyển học sinh giỏi của huyện Yên Mô. Với sự ham học hỏi, cần mẫn và quyết tâm cao cùng với sự chỉ dạy của cô giáo Quyên, Hằng Giang đã đạt giải nhì cấp tỉnh môn tiếng Anh trong năm học 2021-2022. Hiện nay, Hằng Giang đang học lớp 10 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Hằng Giang lại tiếp tục hành trình mới để vươn tới ước mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh giỏi như người giáo viên mà em đã gắn bó, yêu mến, ngưỡng mộ trong những tháng ngày ôn luyện cùng đội tuyển.
Không chỉ đạt được nhiều thành tích trong dạy học, cô giáo Trịnh Thị Quyên còn có một gia đình nhỏ rất hạnh phúc. Bố mẹ chồng cô cũng là những nhà giáo về hưu, vì vậy cô luôn nhận được sự quan tâm, thấu hiểu và động viên từ bố mẹ chồng. Hai con của cô cũng rất ngoan, học giỏi. Con trai cả tốt nghiệp trường Đại học An ninh, hiện đang công tác tại Công an thành phố Ninh Bình. Con gái út mới thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa sư phạm Anh với số điểm cao ấn tượng, được nhận giải thưởng Quỹ KHKT Đinh Bộ Lĩnh.
Bài, ảnh: Đào Hằng