Có giáo viên tốt nghiệp loại giỏi lương thấp hơn loại trung bình?
Thực tế, có giáo viên tốt nghiệp loại giỏi dạy trung học phổ thông nhưng lương thấp hơn giáo viên tốt nghiệp loại trung bình dạy tiểu học khi thực hiện lương mới.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01-04 về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, giáo viên đã chỉ ra nhiều bất cập của chùm thông tư này khi thực hiện.
Ngày 20/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Dự thảo Thông tư 01-04 sửa đổi đã được giáo viên đón nhận tích cực. Dự thảo sửa đổi lần này cơ bản đã giải quyết được cơ bản những bất cập, dù vẫn còn đó những vấn đề tồn tại.
Điều mà dư luận xã hội ghi nhận lớn nhất chính là sự cầu thị, lắng nghe ý kiến từ dư luận, từ giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là diễn đàn tin cậy để giáo viên đóng góp ý kiến của mình từ thực tế qua những bài viết “Cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe và điều chỉnh loạt Thông tư 01-04”;
“Sửa chùm Thông tư 01-04: Nên bỏ quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp GV”, “Theo tôi có lên hạng phải có xuống hạng mới công bằng với tất cả thầy cô”, “Bộ lấy ý kiến sửa đổi chùm Thông tư 01-04, tôi xin góp ý”…
Nghiên cứu dự thảo cá nhân người viết xin có thêm một số góp ý để cơ quan soạn thảo xem xét.
Lương giáo viên tốt nghiệp loại giỏi thấp hơn lương giáo viên tốt nghiệp loại trung bình khi thực hiện lương mới?
Chuyển xếp lương mới khi thực hiện chùm Thông tư 01-04, với bậc trung học phổ thông, về cơ bản hệ số lương, hạng giáo viên không có gì thay đổi so với trước đây.
Còn trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.
Bạn đọc Hà Thị H. (đề nghị không nêu tên), từ thực tế của con gái ruột mình, đang dạy trung học phổ thông, chia sẻ với người viết: “3 người đều cùng học một trường đại học sư phạm, cùng môn dạy tiếng Anh, cùng ra trường một năm. Cả 3 cùng dự tuyển vào dạy trung học phổ thông.
Cô A. bằng tốt nghiệp loại Giỏi nên trúng tuyển vào giáo viên trung học phổ thông, bổ nhiệm giáo viên hạng III.
Cô B. và cô C. tiếp tục dự tuyển giáo viên trung học cơ sở, cô B. có bằng tốt nghiệp loại Khá trúng tuyển vào giáo viên trung học cơ sở, được bổ nhiệm hạng II.
Cô C. có bằng tốt nghiệp loại Trung bình, trúng tuyển vào giáo viên tiểu học, được bổ nhiệm hạng II.
Sau 10 năm, cả ba cô có cùng hệ số lương 3.33, khi thực hiện lương mới theo chùm thông tư 01-04, cô B., cô C., được giữ hạng II, và có hệ số lương 4.0.
Còn cô A. dù tốt nghiệp đại học loại giỏi, khi thực hiện lương mới theo thông tư 04, hệ số lương không thay đổi, như vậy, giáo viên tốt nghiệp loại giỏi lương thấp hơn giáo viên tốt nghiệp loại trung bình, loại khá, khi thực hiện lương mới, quá thiệt thòi, vô lí quá”.
Từ thông tin trên, người viết có tìm hiểu các quy định liên quan.
Theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II: có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học hoặc đại học sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II.
Theo Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng II: Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở; Có đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng II.
Thông tư 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đều không quy định thời gian giữ hạng III trước khi bổ nhiệm hạng II, nên ngay khi tuyển dụng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, chỉ cần có bằng đại học và các chứng chỉ theo yêu cầu, địa phương đã bổ nhiệm hạng II.
Khi thực hiện lương mới theo thông tư 02-03, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được giữ nguyên hạng II. Đồng nghĩa với cô giáo B., C. nêu trên vẫn giữ hạng II, do đang có hệ số lương 3.33 sẽ chuyển sang hệ số lương 4.0.
Bảng chuyển đổi lương giáo viên hạng II cũ khi thực hiện theo thông tư 03:
Còn cô giáo A. dù tốt nghiệp loại giỏi, dạy trung học phổ thông, khi thực hiện lương mới theo thông tư 04, giữ nguyên hạng III, hệ số lương không đổi, vẫn là 3.33.
Từ thực tế trên, ta thấy rõ bất cập: giáo viên tốt nghiệp loại giỏi dạy trung học phổ thông, có cùng thâm niên, nhưng có lương thấp hơn giáo viên tốt nghiệp loại trung bình dạy tiểu học, tốt nghiệp loại khá dạy trung học cơ sở, khi thực hiện lương mới theo chùm Thông tư 01-04.
Để giáo viên trung học phổ thông có hệ số lương 3.33 chuyển sang thành 4.0, giáo viên phải có hạng II, nhưng để có thể thăng hạng II, giáo viên trung học phổ thông cần 9 năm giữ hạng III, nên rất khó có giáo viên nào thăng hạng II được sau 9 năm.
Để động viên, khuyến khích giáo viên phấn đấu, nên chăng trong thông tư 01-04 sửa đổi, Bộ nên bỏ quy định thời gian giữ hạng thấp trước khi thăng lên hạng cao hơn.
Vẫn biết, bất cứ một chính sách nào cũng khó có công bằng tuyệt đối với tất cả mọi đối tượng. Người viết chỉ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi ban hành văn bản về chế độ lương, phụ cấp, cần tham khảo ý kiến của giáo viên cơ sở trên nhiều kênh thông tin khác nhau.
Bên cạnh đó, khi Bộ đã công khai dự thảo văn bản, giáo viên cần mạnh dạn đóng góp ý kiến, vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân vừa góp phần đưa văn bản pháp luật của ngành đi vào cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
-Thông tư 21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT;
-Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT