Cô giúp việc khóc nghẹn ngày về quê ăn Tết
Tôi làm giúp việc nhiều năm, đổi nhiều nơi nhưng có lẽ gia đình hiện tại là nơi tôi gắn bó và dành tình cảm yêu thương nhiều nhất.
Nhiều năm lấy chồng nhưng không có con, tôi sống trong sự cô đơn, chưa từng cảm nhận niềm vui được gọi bằng “mẹ”, bằng “bà.” Vì thế công việc dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc và đưa đón cháu nhỏ 4 tuổi hiện tại đã đánh thức tình yêu trong tôi, đánh thức khát khao được làm mẹ, làm bà nhiều năm trời.
Suốt mấy năm qua, tôi chăm sóc cháu như thể cháu ngoại của mình. Tiếng “bà ơi” của cháu, đôi bàn tay bé nhỏ luôn nắm tay bà đã khiến tôi cảm thấy mình thực sự đang sống trong một gia đình hạnh phúc.
Cô chủ cũng rất tốt với tôi, coi tôi như người ruột thịt trong nhà. Dù tôi có làm sai, cô chủ cũng không dùng lời lẽ khó chịu để nói, mà góp ý rất nhẹ nhàng.
Sau mấy năm gắn bó, tình cảm bà cháu khăng khít thì có lẽ Tết này là cái Tết buồn nhất của tôi. Chồng tôi ngoài 60 tuổi, đang ốm ở quê. Không con cái, ông chỉ dựa vào một mình tôi nên lần này, tôi phải xin phép cô chủ được về quê sớm.
Khi thu dọn đồ đạc chuẩn bị về quê, cháu gái chạy ra gọi: “Bà ơi, bà đừng đi, bà ở lại ăn Tết với cháu nhé!”.
Tiếng gọi ấy khiến tôi đau xé lòng. Cháu ôm lấy tôi, òa khóc khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi cũng rưng rưng ôm cháu vào lòng. Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự cảm nhận được tình cảm chân thành từ một đứa trẻ. Cháu chỉ là một cô bé 4 tuổi, ngây thơ nhưng tình cảm dành cho tôi là thật.
Tôi cũng yêu thương cháu như cháu ruột của mình. Những ngày bên cháu, tôi quên đi nỗi cô đơn, quên đi những thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi chăm sóc cháu chu đáo, yêu thương cháu không chỉ vì công việc mà là tình cảm chân thành trong tim tôi.
Biết tôi về quê sớm chăm sóc chồng ốm đau, cô chủ biếu tôi 2 tháng lương. Cầm số tiền ấy tôi rất xúc động. Tôi hẹn sau Tết sẽ trở lại, tiếp tục chăm sóc cháu.
Hôm đó, tôi chủ động đưa cháu đi chợ sau khi đón từ trường về. Tôi mua tặng cháu một bộ đồ, một đôi dép và chiếc bờm rất xinh làm quà Tết. Về nhà, cháu liên tục khoe với bố mẹ rằng được bà tặng quà. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của cháu, tôi vô cùng vui mừng.
Đáp lại tấm lòng của tôi, cô chủ cũng gửi một túi quà lớn để tôi mang về thắp hương, còn dặn tôi giữ sức khỏe, chăm sóc ông chu đáo.
Lúc đưa tôi ra bến xe, cả nhà đứng vẫy tay chào. Cháu bé gọi “bà ơi” liên tục khiến tôi nghẹn ngào, cảm thấy đó thực sự là gia đình của mình. Có lúc tủi thân, tôi trách số phận tại sao không cho tôi được sống cuộc đời như bao người, có con cái, có được hạnh phúc trọn vẹn.
Mới về được mấy hôm, cô chủ và cháu liên tục gọi điện nói chuyện, hỏi han tình hình của ông và tôi. Tôi vui mừng kể những chuyện ở quê và hẹn gia đình cháu hôm nào đó về quê ăn Tết, chơi với ông bà.
Được cháu gọi “bà,” được làm việc trong một gia đình tử tế, đó chính là niềm hạnh phúc của người giúp việc như chúng tôi và đó cũng là may mắn của người phụ nữ thiệt thòi như tôi. Người ta sợ giúp việc bỏ về quê, không lên nữa sau Tết nhưng chính tôi lại là người sợ mất đi công việc ấy, vì tôi thực sự rất yêu đứa cháu gái nhỏ này.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-giup-viec-khoc-nghen-ngay-ve-que-an-tet-2362328.html