Có GV không đồng tình vì giảm thu nhập nhưng Thông tư 29 sẽ giúp GD tốt lên

Theo tôi, những nội dung được quy định trong Thông tư 29 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thận trọng, nội dung rõ ràng, hợp tình, hợp lý.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025.

Thông tư 29 có những nội dung mới được chú ý và quan tâm rất lớn trong đó như: Tiếp tục cấm dạy thêm ở tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật; thể dục thể thao; rèn luyện kĩ năng sống); dạy thêm trong nhà trường không thu phí; không được dạy thu tiền học sinh chính khóa,…

Theo tôi, những nội dung được quy định trong Thông tư 29 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thận trọng, nội dung rõ ràng, hợp tình, hợp lý và quan trọng là khi triển khai sẽ giải quyết được 5 vấn đề cơ bản tồn tại của học thêm thời gian qua, khi vận hành sẽ giúp giáo dục tốt lên.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Thứ nhất, giải quyết bất bình đẳng giữa các học sinh

Thông tư 29 quy định đối với học sinh tiểu học không cho phép dạy thêm kể cả thu tiền và không thu tiền (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống), đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông thì không cho dạy thêm thu tiền với học sinh đang dạy chính khóa dù ở hộ kinh doanh hay trung tâm dạy thêm. Điều này được cho là rất phù hợp, vì dạy thêm thu tiền thu nhập cao hơn lương dạy chính khóa nên người dạy có thể dùng chiêu trò dạy không hết mình trên lớp, o ép học sinh,…dẫn đến mất bình đẳng giữa các đối tượng học sinh với nhau. Các em đóng tiền học thêm thì được học đầy đủ, được đối xử tốt hơn, người không học thì bị đối xử bất công,…

Việc quy định dạy thêm trong nhà trường không thu tiền cũng được cho là quy định mới, nhân văn, giúp các em học sinh không đạt, giỏi, ôn luyện thi,…được học miễn phí, được đối xử như nhau.

Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, các em có thể học ở trung tâm dạy thêm nhưng không được học với giáo viên chính khóa cũng là giải pháp mới hay, phù hợp. Việc dạy thêm thu tiền được đưa ra khỏi môi trường giáo dục, học sinh đăng ký học thêm tại trung tâm với giáo viên mình yêu thích mà không phải o ép. Các em học tốt thì có thể không cần học thêm, không cần tốn tiền mà vẫn được đối xử công bằng.

Quan trọng là chấm dứt việc giáo viên dạy tàng tàng trên lớp để kéo học sinh dạy thêm thu tiền. Giáo viên phải dạy chất lượng ở lớp chính khóa để tạo thương hiệu nếu muốn học sinh lớp khác tự nguyện đăng ký học thêm nếu có nhu cầu.

Thứ hai, giải quyết bất bình đẳng giữa các giáo viên

Thông tư 29, quy định việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền, là trách nhiệm của giáo viên là quy định mới để tăng tính trách nhiệm của từng giáo viên, làm cho học sinh tiến bộ, phát triển tốt là nhiệm vụ.

Không còn dạy thêm học sinh tiểu học, dạy học sinh chính khóa, không dạy học sinh thu tiền trong nhà trường sẽ làm giáo viên bình đẳng hơn, phấn đấu trong công việc, không còn việc giữa các giáo viên, dạy thêm trong nhà trường có người thu nhập từ dạy thêm hàng chục triệu, người không có đồng nào.

Các giáo viên khi không còn dạy thêm nhiều, đương nhiên sẽ có sức khỏe tốt và có nhiều thời gian nghiên cứu bài, sẽ khiến giáo dục phát triển tốt hơn, dạy hết mình, yêu thương học sinh như nhau.

Thực tế hiện nay, giáo viên một số môn như Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn…dạy thêm trong và ngoài nhà trường có thu nhập từ dạy thêm hàng chục triệu mỗi tháng, còn giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý,…lại không có thêm đồng nào thu nhập từ dạy thêm, tạo ra một sự bất bình đẳng, trong khi các giáo viên trên được đào tạo từ trường sư phạm như nhau, quá trình học vất vả như nhau,…

Bên cạnh đó, giáo viên khi học sư phạm được miễn phí học phí (hiện nay có thêm hỗ trợ chi phí học tập), khi giảng dạy được nhận lương, còn có thêm phụ cấp ưu đãi, thâm niên,…ưu đãi về thời gian làm việc (dạy theo tiết), ưu đãi về thời gian nghỉ ngơi (nghỉ hè) nhiều hơn các công chức, viên chức khác, nhưng có thể dạy 1 buổi, dùng buổi còn lại dạy thêm thu tiền là không hợp lý.

Ai cũng có quyền làm thêm kiếm thêm thu nhập nhưng phải hợp pháp và công bằng, mọi công chức, viên chức khác làm thêm phải thực hiện ngoài giờ hành chính, giáo viên không thể có ưu đãi, đặc quyền lấy giờ hành chính để dạy thêm thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng được.

Hiện tại, lương, thu nhập của giáo viên đã cải thiện nên nếu lấy lý do thu nhập thấp để dạy thêm, theo người viết là không hợp lý.

Thứ ba, học sinh phát huy được tính tự học, tự lập

Thông tư 29 là cơ hội lớn để học sinh phát huy tính tự lập, tự học hạn chế học thêm.

Học sinh tiểu học không học thêm do đã học 2 buổi ở trường là quá hợp lý. Các em lứa tuổi còn nhỏ, chương trình mới thiết kế chủ yếu ở mức nhận biết, nếu giáo viên dạy nhiệt tình, trách nhiệm thì học sinh chỉ cần học trên trường đủ 2 buổi là đã đảm bảo yêu cầu cần đạt, không cần phải học thêm.

Ngoài giờ học, học sinh rèn phẩm chất, trải nghiệm, vui chơi,…phát triển trí lực và thể lực hài hòa, các em còn chậm thì sẽ phải nỗ lực phấn đấu, tự học và phát triển ổn định.

Nếu còn để tình trạng, giáo viên sáng dạy trên lớp, chiều kéo học sinh học thêm thu tiền sẽ dẫn đến vô số hệ lụy, bất cập, phân biệt học sinh này và học sinh khác,… Rõ ràng, thực hiện nghiêm Thông tư 29 sẽ giúp giáo dục phát triển tốt hơn, học sinh tự học và tự lập tốt hơn.

Thứ tư, xây dựng được hình ảnh giáo viên mẫu mực, trách nhiệm

Thông tư 29 được đánh giá tiến bộ, nhân văn được phần lớn giáo viên, phụ huynh ủng hộ. Quy định được triển khai và có hiệu lực sẽ xây dựng được hình ảnh người giáo viên mẫu mực, chuẩn mực, có trách nhiệm, hết lòng với học sinh.

Chứng kiến bất cập dạy thêm hàng chục năm qua, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 đúng và trúng, kịp thời. Có thể, việc thực hiện nghiêm quy định sẽ khiến nhiều giáo viên từng có thu nhập cao từ dạy thêm phản ứng tuy nhiên xét về lợi ích của học sinh, tác động tích cực tới môi trường giáo dục lâu dài, Thông tư 29 có hệ thống quy định tiến bộ.

Thông điệp được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6/2. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quy định về dạy thêm, học thêm được đưa ra nhằm giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành giáo dục. [2]

Người viết là một giáo viên trung học cơ sở hết sức ủng hộ quan điểm này, đã đến lúc làm cho hình ảnh giáo viên tốt hơn, có giá trị cao hơn, xứng đáng với nghề mà cả xã hội gọi là thầy, gọi là nghề cao quý.

Thứ năm, giảm gánh nặng tài chính, công sức cho phụ huynh

Đây là nội dung quan trọng trong quy định của Thông tư 29 được đánh giá là nhân văn, phù hợp. Phụ huynh không phải tốn quá nhiều tiền cho con em học thêm, không tốn công sức đưa rước, tìm chỗ học thêm cho con em của họ.

Những lo lắng khi phụ huynh không có chỗ gửi con, giữ con dần dần sẽ có cách giải quyết, học sinh sẽ phải tự lập, ý thức hơn.

Những quy định đúng và trúng được ban hành nhưng khi đụng đến quyền lợi sẽ có một số phản ánh trái chiều, nhưng tôi tin khi triển khai và xử lý nghiêm vi phạm dạy thêm theo Thông tư 29 sẽ giúp hoạt động dạy và học đi vào thực chất hơn, có lợi cho giáo dục.

Thông tư 29 được ban hành vào thời điểm này là kịp thời, đúng đắn, hợp lòng dân, mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương sẽ xử lý nghiêm giáo viên cố tình vi phạm quy định để giúp việc dạy và học của giáo viên, học sinh ngày càng tốt lên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/thu-truong-gd-dt-quy-dinh-day-them-hoc-them-de-bao-ve-su-ton-nghiem-nha-giao-2369114.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-gv-khong-dong-tinh-vi-giam-thu-nhap-nhung-thong-tu-29-se-giup-gd-tot-len-post249028.gd