Cơ hội lương cao cho sinh viên ngành vi mạch bán dẫn
Theo chương trình 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050' vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục đại học mà còn tạo ra cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập cao với người học lĩnh vực này.
Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tăng chỉ tiêu, mở bốn ngành học mới, trong đó có tới ba ngành liên quan tới công nghệ bán dẫn, gồm: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu và Khoa học dữ liệu.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho hay: “Thời gian tới, tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp về bán dẫn họ đến đầu tư cũng như khởi nghiệp tại Việt Nam. Cơ hội việc làm của các bạn cũng rất tốt và lương rất cao. Do đó cạnh tranh trong ngành bán dẫn sẽ tăng lên".
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở thêm 5 ngành mới thuộc các lĩnh vực ngoài sư phạm, đáng chú ý có Vật lý học, với chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật, cho thấy sức hút của ngành học này đối với các cơ sở giáo dục đại học.
TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết: “Khoa Vật lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong rất nhiều năm đều có hệ cử nhân sư phạm chất lượng cao. Đầu ra của các bạn sinh viên một mặt sẽ trở thành giáo viên phổ thông dạy môn Vật lý, đặc biệt là dạy ở các trường chuyên, huấn luyện đội tuyển học sinh giỏi. Có số lượng không ít các bạn sinh viên chất lượng cao học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ và hiện có rất nhiều người học lớp cử nhân sư phạm Vật lý chất lượng cao đang làm trong lĩnh vực bán dẫn và làm cho các phòng lab R&D, phòng lab nghiên cứu và phát triển của các công ty bán dẫn nổi tiếng trên thế giới".
Theo dự báo về nhu cầu nhân lực, nhân sự ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang đứng trước thời cơ có việc làm thu nhập cao, gần 1.000 USD/tháng cho sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, các thí sinh và gia đình cũng cần cân nhắc khi đăng ký xét tuyển đại học vào những ngành học này, không chỉ lựa chọn theo xu hướng mà nên căn cứ vào năng lực và sở thích.
Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn cầu với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc. Việt Nam còn là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Do đó, nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin, trong đó có thiết kế vi mạch bán dẫn chắc chắn vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới.