Có hay không chuyện dỡ biển báo, dừng hoạt động tuyến buýt nhanh BRT?
Chiều nay (6/6), trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh dỡ biển báo làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT, nhiều bình luận cho rằng tuyến sắp dừng.
Chiều nay 6/6, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh thể hiện việc công nhân tháo dỡ biển báo làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT, nhiều bình luận cho rằng tuyến buýt này sẽ dừng hoạt động.
Nội dung bài viết không đề cập đến việc tuyến buýt nhanh BRT sẽ dừng hoạt động, tuy nhiên từ hình ảnh nhiều bình luận dưới bài viết lại đang được hiểu rằng việc tháo dỡ biển báo chứng tỏ tuyến buýt này sẽ sớm được "khai tử".
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định: "Không có chuyện dừng hoạt động tuyến buýt nhanh BRT. Các xe ở tuyến vẫn hoạt động bình thường".
Cũng theo vị này, đây là những hình ảnh cũ được chia sẻ lại, không có việc dỡ bỏ hay thay thế trong thời điểm này.
Trước đó vào khoảng giữa tháng 12/2023, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) đã triển khai dự án bổ sung, điều chỉnh biển báo phân làn đường trên tuyến buýt nhanh BRT.
Thay thế đinh phản quang hư hỏng trên tuyến đường, bố trí biển báo, cột cần vươn, thay thế biển báo không phù hợp theo quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT và một số hạng mục khác… nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 8 tỷ đồng và đã hoàn thành vào ngày 31/12/2023.
"Từ những hình ảnh trên mạng xã hội, tôi mong người dân không vội vã tin ngay, cần có sự kiểm chứng thông tin. Nếu dừng hoạt động theo quy định chúng tôi sẽ phải thông báo tới người dân", vị lãnh đạo này bày tỏ.
Tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, tương đương với 1.100 tỷ đồng. Tháng 12/2016, tuyến xe buýt dài 14,77km được đi vào hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ.
Ngày 15/4 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Tại buổi làm việc, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, do hạn chế hạ tầng, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11 trong tương lai.
Theo ông Tuấn, BRT là tiền để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1 và còn gặp nhiều hạn chế, bất cập.