Có hay không một nền văn hóa Mỹ? [Kỳ 4]
Nhà hoạt động xã hội Barbara B. Bird chia sẻ về nền văn hóa Mỹ.
Nhiều điều tôi không thích ở người nước tôi dường như là những cái thái quá của những điều tôi ưa chuộng
Nhà hoạt động xã hội Barbara B. Bird
…Khi tôi nghĩ về cái tôi thích ở Mỹ, điều trước tiên đến trong đầu óc tôi là hình dáng của nó. Có lẽ do kích thước và vị trí địa lý, nó bao gồm những vùng từ nhiệt đới đến Bắc Băng Dương, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, một số sông, hồ, núi và đồng bằng lớn nhất thế giới.
Tôi yêu cái yên tĩnh của những thành phố và làng mạc nho nhỏ, cái hừng hực và sống động của những thành phố lớn (như New York, Chicago và Los Angeles). Nước tôi là một nước trẻ, không bị những truyền thống lâu đời ràng buộc, cho nên tha hồ thể nghiệm những cái mới, có sáng kiến mọi thứ, công nghiệp, kinh doanh, thức ăn, âm nhạc…
Đây là đất nước đánh giá cao cá nhân, không có hàng rào cứng nhắc ngăn cách giai cấp, con người theo sáng kiến lao động cần cù có thể chuyển từ nghèo xác nghèo xơ sang giàu nứt đố đổ vách. Đây là đất nước yêu chuộng tự do và công lý. Đa số người cảm thấy an tâm được nói, được viết và được nghĩ tùy theo ý thích. Đa số người cảm thấy được pháp luật bảo vệ. Mỹ không phải là một nước thuần nhất.
Tôi thích ở Philadelphia, nơi tôi được sống sát cánh với những người thuộc nhiều chủng tộc và dân tộc khác nhau. Tôi thích bạn bè có thể gần gũi nhau như trong một gia đình mà mỗi người lại có thể hành động độc lập đối với gia đình mình. Tôi thích đất nước tôi uyển chuyển về mặt xã hội và địa lý, có nhiều vùng khác nhau, nhưng người ta có thể di chuyển từ vùng nọ sang vùng kia; có những người sống nhiều nơi trong đời.
Nhiều điều tôi không thích ở nước Mỹ dường như là thái quá của chính những điều tôi ưa chuộng. Mỹ vốn xuất phát là một nước đi tiên phong. Tây tiến, lập nghiệp trong hoang vu. Chúng tôi khai quốc bằng một cuộc cách mạng chống chủ nghĩa thực dân áp bức. Những sự kiện ấy kết hợp với chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Sự thiếu chủ nghĩa cổ điển, sự tin tưởng vào tự do mà Điển chương về quyền lợi (Bill of Rights) bảo đảm, dẫn đến sự chấp nhận bạo lực khi dân chúng tôi tìm cách chiếm đoạt đất hoang, thú vật của người da đỏ vốn là thổ dân ở đây trước. Điều này khiến cho người ta đặt ưu tiên vào cá nhân hơn là gia đình hoặc cộng đồng trong khi di chuyển để cắm những địa bàn di dân, nhiều khi ở những miền hẻo lánh. Chúng tôi đã đưa điều ấy tới chỗ cực đoan.
Tôi lấy làm buồn vì sự tan vỡ của gia đình và cộng đồng Mỹ. Tôi kinh tởm bạo lực trong nền văn hóa của chúng tôi. Ấy là tôi đặc biệt nghĩ đến một số sự kiện lịch sử như sự phá hủy văn hóa và các dân tộc thổ dân ở Mỹ, sự bóc lột nô lệ da đen châu Phi trong khi xây dựng nền kinh tế quốc gia, việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, việc can thiệp vào Việt Nam.
Tôi cũng nghĩ đến bạo lực trong phim và vô tuyến Mỹ, trên đường phố và trong các gia đình. Tôi cũng không thích là trong khi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, một số công dân của chúng tôi, đặc biệt những người da màu, lại cảm thấy không được bình đẳng và được hưởng công lý ít hơn.
Tôi thật hoang mang vì tính hung hãn và huyênh hoang mà chính sách đối ngoại của chúng tôi nhiều lúc phô bày ra. Đó là một thái độ “ta đây” có tính chất “niên thiếu”, có thể hiểu được ở một quốc gia còn niên thiếu, nhưng nếu nó kết hợp với một tiềm lực quân sự và kinh tế hùng mạnh thì có thể rất nguy hiểm. Để kết luận, tuy nước chúng tôi không hoàn hảo, có nhiều khuyết nhược điểm, tôi vẫn cho đó là một nước gắn bó với tự do, công lý và bình đẳng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-hay-khong-mot-nen-van-hoa-my-ky-4-256223.html