Có hay không nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị?
Sáng 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử tổ chức tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị với mục đích góp thêm tiếng nói bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc và vương triều Trần.
Tọa đàm khoa học được tổ chức là bởi, hơn 1 thập kỷ qua, trong giới sử học và dư luận xã hội đã xuất hiện các tranh cãi về việc có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?
Để làm rõ và trả lời cho các thắc mắc này, các nhà khoa học và con cháu hậu duệ họ Trần đã tập trung phân tích nhiều căn cứ và kết luận khoa học về nơi phát tích họ Trần, sự phát triển của dòng họ, làm sáng tỏ các vấn đề xung quanh nhân vật này.
Trước hết, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều khẳng định, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, triều đại nhà Trần đã được sử sách ghi danh, đánh giá là một trong những triều đại vô cùng hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên- Mông.
Hơn 800 năm qua, lịch sử vương triều Trần cũng đã được nhiều sử gia của các triều đại nghiên cứu, khai thác, ghi chép tương đối đầy đủ các sự kiện, thể hiện qua các tư liệu khảo cổ học, văn bia, sắc phong, thần tích, thần sắc, thần phả...
Tuy nhiên, trong số các danh nhân nhà Trần, có những trường hợp như Thái sư Trần Thủ Độ cho đến nay, cũng chỉ mới đề cập về sự nghiệp nhưng vẫn còn rất hạn chế, các bộ sử xưa cũng như các công trình nghiên cứu trong mấy thập niên gần đây vẫn chưa giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc, thân thế, thân phụ, thân mẫu của Trần Thủ Độ, đã tạo ra những khoảng trống về lịch sử.
Trước các nghi vấn: Nhân vật Trần Hoằng Nghị có liên quan đến vương triều Trần hay không; nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, hoàn toàn không thể có chuyện như vậy. Bởi hàng chục năm đi điền dã, nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ thấy nhân dân thờ thần biển, và trong các đạo sắc phong của vua hay nhắc tới Hoằng nghị đại vương. Tuy nhiên, từ Hoằng nghị đại vương trở thành Trần Hoằng Nghị và đưa Trần Hoằng Nghị trở thành cha của Trần Thủ Độ thì thật ngoài sức tưởng tượng.
Cũng theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, Trần Thủ Độ có cha nhưng vì sao Lê Văn Hưu khi chép Đại Việt sử ký toàn thư lại không dành nhiều thời lượng để nói gia thế của nhân vật này, có lẽ là có nhiều điều khó nói. Và khi lịch sử đã muốn che đi, không muốn kể cho con cháu sau này được biết thì khi đưa ra giả thuyết hoặc khẳng định sự thật lịch sử cần có căn cứ khoa học để chứng minh.
Ông Đặng Hùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Thực tế, không hề có nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại cuối thời Lý, đầu thời Trần và càng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, vì Trần Hoằng Nghị chỉ do một số nhà nghiên cứu dựng lên từ sự hư cấu Trang Nghị đại vương (thần Sấm được thờ ở làng Xuân La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình), dựa theo tư liệu điền dã và truyền khẩu, chưa được kiểm chứng bằng các văn bản khoa học”.
GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nhân vật Trần Hoằng Nghị được nhắc đến mới cách đây độ chục năm. Khi ấy, có người phản bác ngay lập tức, người hoài nghi. Điều đó cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội về nhân vật này. Và vì thế, nhân vật này có thật hay không cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Với mặt bằng nhận thức hiện nay, GS Vũ Minh Giang khẳng định, chưa có đủ căn cứ để đưa ra một nhân vật lịch sử mới và càng không có căn cứ để gắn với Trần Thủ Độ.
"Tuy nhiên, việc tôn thờ một nhân vật là quyền của mỗi cá nhân và gia đình. Anh yêu thích nhân vật ấy có thể đưa vào gia phả. Nhưng việc đề cao nhân vật trong gia đình rồi đưa ra bên ngoài, truyền bá thành một nhân vật lịch sử, đưa vào quốc sử, vào sách giáo khoa là chưa đủ căn cứ khoa học", GS Vũ Minh Giang nói.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/co-hay-khong-nhan-vat-lich-su-tran-hoang-nghi/823048.antd