Có hay không sự cố môi trường sau vụ cháy Nhà máy Rạng Đông?
3 ngày sau vụ cháy, mỗi cơ quan chức năng đưa ra một kết luận khác nhau về hậu quả khiến người dân vô cùng hoang mang, lo sợ. Và việc có hay không ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy…thì vẫn đang chờ câu trả lời…
18h18 ngày 28/8
Lửa và khói đen bao trùm khu xưởng gần 6000m2 của công ty cổ phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông trên con phố Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sau hơn 6 tiếng tích cực chữa cháy, ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn.
Người dân: “Lửa cháy to lắm, sợ lắm. bùng lên phát là nó đã bao trùm rồi cả khu rồi.”
Người dân: “Khủng khiếp, không ai kịp làm gì, cứ thế bồng con mà chạy ra ngoài thôi.”
UBND phường Hạ Đình khi chiều 29/8 có thông báo, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe, an toàn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khuyến nghị của phường Hạ Đình là cần thiết, đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT: “Tôi đánh giá việc khuyến cáo của UBND phường như vậy là kịp thời khi mà việc cháy như vậy chắc chắn sẽ gây ô nhiễm..”
Tuy nhiên chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân đã thu hồi khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình, với lý do “văn bản này được ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Thay vào đó, quận này thông báo đã lấy mẫu nước thải, nước sinh hoạt, không khí, bụi, đất phân tích, đánh giá chất lượng môi trường và đều cho kết quả bình thường.
Chiều ngày 30/8, Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông có thông cáo cho biết, trong vụ cháy vừa qua, số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng tới môi trường ước tính hư hỏng như sau: 480.000 bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ Compact, thiệt hại khoảng 150 tỷ đồngTrong thông cáo, Rạng Đông khẳng định, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam (một loại chất thường được sử dụng để hàn, có chứa dung dịch thủy ngân-PV) thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016. Ngoài ra, công ty cũng cho biết, các vật tư - nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều an toàn với sức khỏe con người kể cả khi cháy. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia chất amalga này vẫn có 50% thành phần thủy ngân trong đó. Và khi bị nung nóng, khí này vẫn thoát ra môi trường bên ngoài.
Ngày 31/8, Bộ TN&MT đã ra thông báo khuyến cáo người dân như văn bản của UBND phường Hạ Đình. Tương tự việc lập lờ việc có chất nguy hại như thủy ngân, lưu huỳnh, chì hay không thì các bên lại tránh không đề cập đến.
Trong khi đó các bác sĩ thuộc khoa chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra viện đã cử cán bộ xuống thu thập thông tin cũng như các hóa chất bị cháy để có khuyến cáo người dân, tuy nhiên các bên liên quan lại tránh né, không cung cấp, đồng thời cũng khuyến cáonhững người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe là: những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy… những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đáng kể khác.
Bác sĩ Hoàng Trung Nguyên – Trưởng Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: “Chúng tôi có xuống để xác nhận nhưng các bên hình như đều đang bận nên không cung cấp cho chúng tôi. Nếu là Thủy Ngân thì cực kỳ độc.”
Bác Sĩ Hoàng Trung Nguyên Nguyên đồng thời cũng khuyến cáo những người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe là: những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy… những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đáng kể khác.
Vậy, thực chất có hay không việc ô nhiễm môi trường, nhiễm độc hóa chất sau cháy này? theo các chuyên gia, các bên liên quan cần nhanh chóng công bố kết quả để từ đó có khuyến cáo người dân được kịp thời.
Bà Trần Thị Tươi – Phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội: “Lo sợ chứ họ khuyến cáo thực phẩm rau cỏ nước non mang lên, mình cẩn thận ra ngoài hay trong nhà đeo khẩu trang đỡ thôi chứ triệt để sau ấy được, giờ chuyển đi đâu, cả nhà giờ chuyển về quê rồi mẹ ở đây trông nhà trông cửa.”
Bà Nguyễn Thị Mùi – Thanh Xuân, Hà Nội: “Rất lo sợ về bệnh tật, các cấp ngành xem kết luận vụ việc rồi giải quyết chế độ, chính sách cho người dân bị ô nhiễm. Từ hôm qua đầu đau mắt đau, suốt từ sáng nhỏ thuốc rất khó thở đau đầu.”
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục trưởng tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT: “Bộ TN&MT cần nhanh chóng đưa ra kết luận về vụ việc cũng nhưu công bố các chỉ số phân tích. Từ đó có những khuyến cáo để người dân yên tâm.”
Và trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra những kết luận cuối cùng, thì người dân xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông vẫn đang sống trong tình trạng hoang mang, lo sợ. Rất nhiều gia đình cũng đã phải tạm thời rời bỏ nhà đến nơi khác.
Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/co-hay-khong-su-co-moi-truong-sau-vu-chay-nha-may-rang-dong