Có hay không sự 'hồi sinh' của virus cổ xưa?
Có rất nhiều giả thuyết về những virus cổ xưa tồn tại dưới lớp băng vĩnh cửu hàng triệu năm tại vùng Bắc Cực. Chúng đang chực chờ một ngày sống dậy để gieo rắc những tai họa khủng khiếp cho con người như COVID-19, Ebola hay đậu mùa. Liệu điều ấy có thực sự xảy ra được không?
Đã từng có “quái vật” 300 thế kỷ sống lại
Vài năm trở lại đây, câu hỏi về việc Bắc Cực có thể “xanh” trở lại không đang xuất hiện thường trực khi các lớp băng vĩnh cửu đang dần tan chảy. Lớp băng vĩnh cửu này đã được phát triển và tồn tại từ hàng triệu năm trước đây, khi trái đất bước qua kỷ Eocen và Pliocen, khi voi ma mút, khủng long vẫn còn là bá chủ của thế giới. Lớp băng vĩnh cửu tan ra, hé lộ về một thời kỳ tiền sử mà con người không thể tin vào mắt mình. Vào năm 2021, các nhà khoa học người Nga đã cảnh báo về những virus cổ đại đang ngủ sâu dưới lớp băng vĩnh cửu đang “thức dậy” khi lớp băng tan ra với mức độ nhanh chóng. Nhà ngoại giao cấp cao Nikolay Korchunov tiết lộ rằng Nga đã đề xuất một dự án về an toàn sinh học lên Hội đồng Bắc Cực, một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 quốc gia có chủ quyền đối với đất liền trong Vòng Bắc Cực. Ông Korchunov từng là đại sứ tại Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao tại Hội đồng Bắc Cực. Ông Korchunov đã phát biểu rằng: “Nguy cơ khiến các loại virus và vi khuẩn cổ đại hồi sinh là rất lớn. Với lý do này, Nga đã khởi xướng một dự án an toàn sinh học trong Hội đồng Bắc Cực…”.
Thông tin này đã dấy lên nỗi lo trong lòng công dân trên toàn thế giới. Một câu hỏi được đặt ra, virus cổ đại có thực sự sẽ sống lại sau hàng triệu năm ngủ yên dưới lớp băng vĩnh cửu kia không? Liệu sẽ lại có một đại dịch COVID-19 lần thứ hai khiến thế giới “chao đảo” nữa không?
Đến ngày nay, nguồn gốc của virus vẫn đang chỉ là những giả thuyết. Chưa có một bằng chứng nào có thể khẳng định 100% nguồn gốc của virus xuất phát từ đâu. Đã có những giả thuyết về “Thoái hóa”, “Giả thuyết virus đầu tiên” (virus – first hypothesis) hay giả thuyết virus có nguồn gốc từ tế bào. Chưa có kết luận cuối cùng về vấn đề này. Tuy nhiên, có một điểm mà tất cả các nhà khoa học đều đồng ý, virus có nguồn gốc rất cổ xưa. Một ví dụ đó là bệnh dại
do virus gây ra, căn bệnh xuất hiện từ khoảng 2.300 năm trước Công nguyên và tồn tại đến tận ngày nay. Hay virus đậu mùa cũng được phát hiện trong mủ trên xác của Ramses V – một vị Pharaoh Ai Cập đã trị vì khoảng 3.200 năm trước đây.
Vào năm 2014, Giáo sư Jean – Michel Claveri tại Đại học Aix Marseille (Pháp) cùng đội của ông đã “hồi sinh” và phân tích thành công virus “Siberia cổ đại” có tuổi đời ít nhất 30.000 năm. Đây là một con “quái vật” được nhóm của ông tìm ra ở vùng băng giá từ vài năm trước. Ngay sau khi được làm ấm, loại virus đã ngủ yên suốt 300 thế kỷ đã sống lại.
Theo Giáo sư Claveri, có rất nhiều loại virus cổ đại đã ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của voi ma mút và người Neanderthal – một giống người khác với loài người hiện của chúng ta hiện nay (Sapiens). Theo vị Giáo sư người Pháp, dưới lớp băng vĩnh cửu kia vẫn còn những virus đã xuất hiện trong thời kỳ hiện đại như bệnh than, bệnh đậu mùa, bệnh dại…
Bằng chứng, vào năm 2005 các nhà khoa học đã tái tạo lại thành công virus đã gây ra dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918) tại Mỹ, chỉ nhờ thi thể của một người đàn ông được chôn cất tại Alanska lạnh giá. Vào năm 2016, có trường hợp được ghi nhận, một cậu bé mười hai tuổi đã chết vì bệnh than sau khi trở về từ bán đảo Yamal của Siberia. Cậu không hề tiếp xúc với bất kì con người hay động vật hoang dã nào chứa bệnh than tại đó. Rất có khả năng những virus này tồn tại trong bong bóng carbon nằm sâu dưới lớp băng vĩnh cửu. Trong một tảng băng ở vùng Trung Á, cũng đã phát hiện hơn 30 chủng virus mới lạ hoàn toàn đối với các nhà khoa học. Đặc điểm của virus cũng khác vi khuẩn, chúng phụ thuộc vào tế bào vật chủ kí sinh và sinh sản, bám vào các DNA và phá vỡ các mô protein, chứ không tự sinh sản như vi khuẩn.
Virus cổ xưa thực sự có khả năng trỗi dậy?
Điều này thật khó để đưa ra kết luận, bởi vì thế giới này luôn có những điều bất ngờ mà chúng ta chẳng thể khám phá được hết. Chẳng ai nghĩ sẽ có một đại dịch HIV cướp đi hàng triệu sinh mạng của con người vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Hay năm 2020, COVID-19 xuất hiện và chỉ sau vài tháng ngắn ngủi đã làm đảo lộn cuộc sống của cả thế giới. Tuy nhiên, có một vài bằng chứng sau đây, sẽ giúp mọi người cảm thấy an toàn hơn.
Theo một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những virus cổ đại, như virus Siberia 30.000 năm tuổi được Giáo sư người Pháp Claveri và nhóm của ông tìm ra, chính bản thân ông cũng đã nói rằng: “Những virus cổ đại như trên chỉ có thể tấn công các sinh vật đơn bào”. Tất nhiên, Giáo sư Jean – Michel Claveri cũng cho rằng “trước đây, có thể nó đã tấn công những sinh vật ở chuỗi thức ăn cao hơn”. Rất may, loài động vật đơn bào là những loài như tảo, trùng lông… Còn phần lớn, những người bị lây bệnh như cậu bé mười hai tuổi trở về từ Siberia hay phát hiện được thi thể 300 người Yakurtan mắc bệnh đậu mùa. Tất cả đều là những virus mà ở thời kì hiện đại đã được biết đến, cũng đã từng trải qua đại dịch khủng khiếp và tìm ra vaccine để chữa trị nó.
Thứ hai, việc có virus thời kỳ nguyên thủy là rất khó. Virus sẽ có DNA, RNA và lớp vỏ protein, chúng bắt buộc cần kí sinh để phát triển. Chính vì vậy, lớp băng Bắc Cực tan ra, đòi hỏi phải có những sinh vật khi sống đã mang mầm mống hoặc đã chết vì bệnh dịch do virus gây ra mới có thể truyền nhiễm được. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh dịch bệnh bùng phát của con người đã được chứng minh là có từ sau cuộc Cách mạng nông nghiệp khoảng 12.000 năm trước. Điều này được nhà nghiên cứu lịch sử Yuval Noah Harari viết ra trong cuốn “Sapiens” (Lược sử loài người). Trước đó, con người thường là dân du cư, không có một chỗ ở cố định do nguồn lương thực, thực phẩm thường xuyên được thay đổi. Vì vậy, thấy khả năng nhiễm bệnh của họ gần như rất thấp. Sau Cách mạng nông nghiệp, khi con người thuần hóa vật nuôi, họ mới dễ dàng bị mắc các bệnh từ động vật. Đó là lí do rất khó có những căn bệnh do virus gây ra vào thời kì này.
Cuối cùng, Giáo sư Jean – Michel Claveri nói rằng virus từng là hiểm họa của người Neanderthal và voi ma mút. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại một vấn đề, con người thời nguyên thủy không sinh sống tại Bắc Cực. Công cụ thô sơ, khả năng chế tạo áo rét không tốt. Vì vậy, Homo Sapiens sống ở vùng nhiệt đới cụ thể là Java – Indonesia. Còn Neaderthal sống ở vùng châu Âu và Tây Á và họ thích nghi rất tốt đối với khí hậu lạnh giá nơi đây. Khoảng 10.000 năm trước đây, giống người của chúng ta bắt đầu đổ bộ đến vùng Bắc – Mỹ, loài voi ma mút dần tuyệt chủng và tồn tại sau khoảng 4.000 năm nữa rồi biến mất hoàn toàn. Không có một dữ liệu nào được tìm thấy trong thời kì này nói về những đại dịch thảm họa hay voi ma mút chết hàng loạt vì bệnh dịch. Các bộ hài cốt đều minh chứng cho cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc người hoặc sự xâm lược, tàn sát của con người với các loài động vật khác.
Vậy khả năng những loài virus cổ xưa và lạ thường đối với người hiện tại của chúng ta chưa hẳn đã là nguy hiểm. Việc tạo ra các dịch bệnh đáng sợ trên những bộ phim truyền hình là chưa có cơ sở chuẩn xác. Còn những virus xuất hiện trong thời kỳ cổ đại ở các nền văn minh Ai Cập, Hy – La,… chúng ta có khả năng kiểm chứng và phòng tránh được.
Hiểm họa gì ẩn dưới những lớp băng vĩnh cửu?
Virus vẫn có thể nằm ẩn sâu dưới lớp băng, đó là điều hoàn toàn có thể. Không phải những virus cổ đại mà ta chưa biết tên, hiện tại vẫn có những loại nguy hiểm như đậu mùa, than, bệnh dại… ngủ sâu dưới trong những sinh vật đã chết dưới những tảng băng. Theo Báo cáo Bắc Cực năm 2018 suy đoán rằng "các bệnh như bệnh cúm Tây Ban Nha, bệnh đậu mùa hoặc bệnh dịch hạch đã bị “xóa sổ” có thể bị giữ lại trong lớp băng vĩnh cửu". Nguyễn Hương Ly (sinh viên năm cuối Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Virus không thể sinh sôi trong các vật chủ đã chết, nhưng chúng vẫn ở đó, khi có điều kiện sẽ thức dậy”.
Điều đáng sợ hơn virus chính là lượng lớn khí carbon, metan ở dưới lớp băng vĩnh cửu đang chực chờ thoát ra. Khí carbon dioxide là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính, làm thủng tầng ozon bao quanh trái đất, khiến cho tia tử ngoại mạnh lên. Một nhà nghiên cứu sinh vật cổ khác thuộc Đại học Wasington (Mỹ) chứng minh đã từng có đợt diệt chủng diễn ra trong một đợt nóng lên toàn cầu vào 252 triệu năm trước giết chết 96% sinh vật biển, 70% động vật có xương sống ở trên mặt đất. Việc băng tan giải phóng lượng thủy ngân cực lớn trong nước, khiến cho các sinh vật uống phải nguồn nước nhiễm thủy ngân gây ung thư hoặc tệ hơn chết ngay lập tức. Ngoài ra, lượng lớn khí metan cũng sẽ được giải phóng, đây là loại chất gây hiệu ứng nhà kính gấp 20 lần carbon dioxide (C02). Hiện tại, tàu nghiên cứu Nga Viện sĩ Lavrentiev đã tiến hành khảo sát trên phạm vi 10.000 dặm vuông mặt biển, ngoài khơi bờ biển Đông Siberi và đã triển khai các dụng cụ để giám sát hơn 100 "đài phun nước" có cấu trúc giống như ngọn đuốc; với các chùm bong bóng khí mê tan đang sủi bọt trong những cột nước này, vốn đang phát thải trực tiếp vào khí quyển từ sâu dưới đáy biển.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/co-hay-khong-su-hoi-sinh-cua-virus-co-xua-post450698.html