Có hay không việc cây trồng chết do phân bón ở Sơn La?
Theo phản ánh của người dân trồng na tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, sau khi dùng phân bón hữu cơ của Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc (gọi tắt là Công ty Sông Lam) được ba tuần, toàn bộ vườn na Hoàng Hậu đang cho thu hoạch của gia đình có hiện tượng trổ vàng lá. Mặc dù đã tập trung cứu chữa cho vườn na, nhưng na vẫn bị chết...
Để tìm hiểu rõ nội dung phản ánh và xác định rõ nguyên nhân cây trồng chết do sử dụng phân bón hay do nguyên nhân nào khác, phóng viên Báo Nhân Dân đã tìm hiểu thực tế.
Theo phản ánh của người dân: Suốt từ tháng 6/2023 đến đầu tháng 3/2024, gia đình này có kiến nghị các nơi, có cán bộ của Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc trực tiếp xuống vườn nhiều lần, nhưng đến thời điểm phóng viên Báo Nhân Dân có mặt là vào đầu tháng 3/2024, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Phân bón không bán cho người dân
Tại cuộc làm việc với hộ gia đình bà Nguyễn Phương Liên, tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, được biết: Diện tích trồng 139 cây na Hoàng Hậu của gia đình bà Liên đã cho thu hoạch từ năm 2022 với sản lượng hơn ba tấn quả. Trước đó, gia đình bà Liên đều sử dụng loại phân bón cao cấp đang bán trên thị trường. Sang năm thứ tư, do nể nang mối quan hệ, bà Liên đã mua một tấn phân bón hữu cơ từ ông Triệu Trường Giang, nhân viên thị trường của Công ty Sông Lam.
Sau khi sử dụng phân được ba tuần thì toàn bộ diện tích cây na có hiện tượng trổ vàng lá và lá vàng dần từ trên ngọn. Gia đình bà Liên có báo thông tin này cho ông Triệu Trường Giang và được ông Giang cho biết là đang bận đi công tác, sẽ bố trí kỹ thuật ra xem xét...
Cũng do chờ giải quyết lâu, lo cây na sẽ chết hết, nên gia đình bà Liên đã chủ động mua và kết hợp nước với Gumic, Humic và Tritro để tưới cho cây na. Bà Nguyễn Phương Liên, kể lại: Cứ 5 ngày một lần, tôi và con gái lại tưới từ 15 đến 20 lít nước cho mỗi gốc na.
Đến tận đầu tháng 9/2023, mới có người của Công ty Sông Lam ra xem cây. Sau khi kiểm tra có kết luận là cây bị suy dinh dưỡng, rễ bị suy và đang có dấu hiệu ra rễ trắng. Cán bộ này có mang một bao phân, đất về để nghiên cứu là do phân hay không, nhưng sau đó bà Liên không thấy có phản hồi lại.
Đầu tháng 10/2023, anh Triệu Trường Giang và một cán bộ khác của Công ty Sông Lam lại ra vườn lấy mẫu và thêm một bao phân nữa về để nghiên cứu. Rồi sau đó lại không có phản hồi cho gia đình. Hiện, gia đình vẫn giữ một bao phân để làm mẫu.
Đưa chúng tôi ra khu trồng na của gia đình, bà Liên chia sẻ thêm: Để có cơ sở, gia đình không cứu chữa một số cây na bốn năm tuổi để so sánh với những cây đã tưới kết hợp Gumic, Humic và Tritro. Những cây na bốn năm tuổi không tưới kết hợp Gumic, Humic và Tritro đều đã chết khô.
Do quá bức xúc trước cách làm việc của cán bộ phía Công ty Sông Lam, nên gia đình đã có đơn gửi lên Chủ tịch, Giám đốc Công ty Sông Lam nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Sau đó, gia đình bà Liên có gửi đơn lên tỉnh, huyện Mai Sơn và đến ngày 9/11/2023, phía Công ty Sông Lam có mời đến làm việc và có đề nghị thí điểm lại vườn na bốn năm tuổi khác và cùng kết hợp với gia đình để khắc phục cây.
Thời điểm đó gia đình bà Liên không đồng ý tiếp tục thí điểm sử dụng loại phân đó cho vườn na, vì lúc đó diện tích trồng na đã được gia đình bà khắc phục và đang phát triển trở lại. Trong khi, toàn bộ hơn 200 gốc na tơ một năm tuổi đã chết, phải vay mượn mua cây giống về trồng mới. Vườn na của gia đình bà Liên chỉ cách cổng Công ty Sông Lam chưa đến 200m…
Tại cuộc làm việc với ông Phạm Quang Thắng, Trưởng Phòng Khoa học Kỹ thuật, Công ty Sông Lam, được biết: Phía Công ty Sông Lam không bán phân cho gia đình bà Nguyễn Phương Liên. Bà Liên không có hóa đơn, chứng từ mua phân của Công ty Sông Lam.
Đến tận tháng 11/2023, phía công ty mới nắm bắt được câu chuyện và gặp gỡ phía gia đình bà Liên. Hai bao phân mà bà Liên có nói phía ông Triệu Trường Giang và một số cán bộ khác của Công ty Sông Lam đến lấy từ nhà bà Liên về kiểm tra, cũng không có ai báo cáo và không biết đang ở đâu.
Số phân đó được sản xuất thử nghiệm không bán ra thị trường, chỉ hỗ trợ cho các mô hình và một số công nhân trong nhà máy. Tại các mô hình sử dụng đều không có vấn đề gì. Nếu mua phân của Công ty Sông Lam thì công ty đều cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn, theo dõi...
Nguyên nhân không phải do phân?
Đến ngày 25/3, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Sơn La có nhận được báo cáo số 163/BC-SNN ngày 18/3/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La về kết quả xác minh nội dung đơn kiến nghị của bà Nguyễn Phương Liên.
Theo nội dung báo cáo, phóng viên Báo Nhân Dân đã đến thực tế một số mô hình trồng cây ăn quả của những người dân tại Tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót, những hộ có nhiều kinh nghiệm trong trồng cây ăn quả với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, cùng thời điểm với nhà bà Liên sử dụng các loại phân hữu cơ của Công ty Sông Lam để bón cho cây ăn quả.
Tại khu vườn trồng na, ổi của gia đình ông Khổng Minh Hưng, mà theo báo cáo số 163 nêu là dùng phân hữu cơ không bị ảnh hưởng đến cây trồng, chúng tôi thấy khá nhiều cây na đã khô héo, thậm chí có cây đã chết vẫn đang ở vườn.
Một công nhân đang chăm sóc tại vườn gia đình ông Khổng Minh Hưng, chia sẻ: Năm 2023, toàn bộ diện tích trồng na, ổi ở đây đều dùng phân bón của Công ty Sông Lam, không dùng loại phân bón nào khác, không hiểu nguyên nhân gì mà nhiều cây na đã chết, năng suất cây ổi giảm sút…
Ông Khổng Minh Hưng, thông tin thêm: Những người làm nông nghiệp như chúng tôi rất vui khi tỉnh, huyện đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng được một công ty phân bón quy mô lớn tại địa bàn. Năm 2023, gia đình có mua gần 100 triệu tiền phân bón của Công ty Sông Lam. Về phân hữu cơ, gia đình chỉ bón cho hai hàng na, ổi để thử nghiệm, còn phân vô cơ thì bón hết cho toàn bộ diện tích còn lại.
Ông Khổng Minh Hưng nói thêm: "Như trước đây, doanh thu mỗi năm từ việc bán hoa quả của gia đình ông cũng được hơn 1 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến ban đầu được khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng vừa rồi thì không được vì năng suất giảm sút. Về nguyên nhân chết cây thì tôi không tranh luận. Năm nay, gia đình đã chuyển sang dùng các loại phân cao cấp khác".
Ông Đậu Duy Hòa, Tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót, cho biết: "Trước thông tin gia đình tôi có dùng phân hữu cơ của Công ty Sông Lam bón cho cây na và phát triển tốt, tôi khẳng định gia đình tôi không dùng phân hữu cơ của Công ty Sông Lam bón cho na, chỉ mua vô cơ về lót cho cây ngô. Gia đình tôi không thể đánh đổi gần 5.000 gốc na đang cho thu tiền tỷ với loại phân mình chưa biết rõ, nên gia đình vẫn dùng các loại phân cao cấp khác cho cây na".
Sau khi phóng viên Báo Nhân Dân xuống làm việc được hai ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã thành lập đoàn công tác cùng với lãnh đạo huyện Mai Sơn xuống làm việc với gia đình bà Nguyễn Phương Liên. Sau đó, đã ban hành báo cáo số 163/BC-SNN.
Báo cáo nêu rõ: Về nguồn gốc phân bón theo phản ánh là phân hữu cơ 1-30, mã phân bón 26107, sản xuất ngày 15/12/2022 do Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc sản xuất; thuộc lô phân bón sản xuất thử nghiệm không bán ra thị trường. Tổng khối lượng sản xuất thử nghiệm là 17 tấn, sau đó hỗ trợ cho các mô hình và một số công nhân trong nhà máy theo chính sách của Công đoàn Công ty Sông Lam. Trong đó, có một tấn phân được hỗ trợ cho ông Triệu Trường Giang, nhân viên thị trường Công ty Sông Lam và ông Giang giao cho bà Nguyễn Phương Liên sử dụng bón cho cây na.
Nội dung kết quả thống nhất trong báo cáo số 163 có nêu: "Không có cơ sở xác định phân bón hữu cơ 1-30, mã số 26107 do Công ty Sông Lam sản xuất mà gia đình bà Liên sử dụng không bảo đảm chất lượng làm ảnh hưởng đến cây na.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng vườn na của hộ bà Liên có hiện tượng vàng lá, rụng lá là do gia đình sử dụng phân bón không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, bón phân quá liều lượng quy định, dẫn đến cây na bị ngộ độc".
"Quá trình xác minh hiện số lượng phân còn một bao 25kg do bà Liên lưu lại không đủ dung lượng mẫu để xác minh lấy mẫu thử nghiệm đánh giá chất lượng một tấn phân bón mà bà Liên đã sử dụng…"(!?)
Dư luận đang đặt câu hỏi: Phân bón người dân dùng được khẳng định là của Công ty Sông Lam. Tuy nhiên, không thể lấy lý do là cán bộ được phát phân tự ý bán ra ngoài không thông báo cho công ty để thoái thác trách nhiệm. Trong khi người dân đã nhiều lần gọi điện thoại, gửi đơn kiến nghị tới tỉnh, huyện và công ty, nhưng không đón nhận được sự hỗ trợ nào cho đến khi cơ quan báo chí vào cuộc, mà người dân tự phải lo cứu chữa cho cây trồng trước nguy cơ cây trồng chết hàng loạt.
Trước sự việc trên, người làm nông nghiệp ở Sơn La mong muốn các cơ quan chuyên môn, Công ty Sông Lam cần phải có câu trả lời rõ ràng hơn, có trách nhiệm hơn với sự việc như vậy…!