'Cò' học bằng lái xe tung 'chiêu' mới: Làm gì để không 'sập bẫy'?

'Cò' học lái xe ô tô là những người làm công việc môi giới, tiếp thị các khóa học lái để ăn hoa hồng của trung tâm đào tạo.

Thay vì đóng tiền cho môi giới, người có nhu cầu học lái xe nên tới tận các trung tâm uy tín để được tư vấn, hỗ trợ.

Thay vì đóng tiền cho môi giới, người có nhu cầu học lái xe nên tới tận các trung tâm uy tín để được tư vấn, hỗ trợ.

Gần đây xuất hiện tình trạng “cò” môi giới bằng lái xe lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Những lời quảng cáo “có cánh”

Hiện nay, nhu cầu đăng ký học và sát hạch lái xe tăng cao. Thế nhưng, thay vì tìm đến các địa chỉ, trung tâm đào tạo uy tín để đăng ký thì một số người dân do nhẹ dạ cả tin nên đã đóng tiền qua môi giới. Hậu quả là họ không được ghi danh ở trung tâm nào và mất nhiều thời gian đòi lại số tiền đã đóng.

Chị Lê Thị Thùy T. (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong những nạn nhân “sập bẫy” của môi giới học lái xe. Chị T. bức xúc kể, trên một hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm học lái xe, một người đàn ông tên H. đã tiếp cận chị để giới thiệu về khóa học lái.

Do không tìm hiểu kỹ thông tin, chị T. đã tin tưởng nộp 17 triệu đồng cho H. Người đàn ông này khẳng định số tiền 17 triệu đồng đã bao gồm tiền hồ sơ, học lý thuyết, thực hành trên sân và đường trường. Môi giới khẳng định, trung tâm cần thời gian xếp lớp cho học viên từ 1 - 2 tháng.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng chờ đợi, chị T. vẫn không thấy ai liên hệ đi học. Liên hệ với người đàn ông tên H., chị T. bàng hoàng khi tài khoản này đã không còn tồn tại. Tìm đến trung tâm đào tạo lái xe tại quận Thanh Xuân để hỏi, chị T. nhận được câu trả lời rằng trung tâm chưa tiếp nhận hồ sơ của chị.

Vào năm 2020, cũng thông qua mạng xã hội, chị Trần Thị L. (28 tuổi, quận Nam Từ Liêm) đăng ký học lái xe qua một văn phòng. Theo quảng cáo, bằng lái xe hạng B2 trọn gói chỉ 3,5 triệu đồng. Khi đóng xong khoản phí trên, học được một buổi thì chị L. mới biết đó chỉ là phí ban đầu.

Liên hệ theo số điện thoại được quảng cáo, chị L. được biết giá 3,5 triệu đồng chỉ áp dụng đối với những người đã biết lái xe ô tô và chỉ cần học thêm 2 giờ thực hành để ôn luyện trước khi thi. Còn đối với người mới học thì giá là 5,3 triệu đồng.

Số tiền đó chỉ là phí đào tạo cơ bản, ngoài ra còn phải đóng thêm gần 2 triệu đồng lệ phí thi và nhiều loại phí tập xe và thuê xe (lên đến khoảng 10 triệu đồng chứ không như thông tin quảng cáo ban đầu). Chị L. không khiếu nại vì biết đã tin vào…. công ty “ma”.

“Ban đầu họ rất nhiệt tình, hỗ trợ tôi đến tận nơi để thu tiền. Khi tiền đã về túi họ, mọi việc trở nên khác hẳn. Tôi phải chạy theo ý sắp xếp của họ. Mọi chi phí phát sinh thêm rất nhiều, thế nhưng người học lại không được học đàng hoàng. Sau hơn 6 tháng, tôi chấp nhận mất trắng khoản tiền đó và tìm hiểu những nơi uy tín để đăng ký học lại”, chị L. ngậm ngùi kể.

“Mật ngọt chết ruồi”

Ông Bùi Hoàng Tùng (42 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), giảng viên tại Trung tâm Đào tạo & Sát hạch lái xe thuộc Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều trung tâm, văn phòng rởm, mượn danh trung tâm thật, chất lượng để chiêu sinh học viên, thu tiền rồi… lặn mất tăm. Là một người trực tiếp tham gia giảng dạy, ông Tùng từng được học viên chia sẻ rất nhiều trải nghiệm “dở khóc dở cười” khi đăng ký học lái xe.

“Các môi giới thường ‘vẽ’ ra những viễn cảnh ‘không tưởng’ để lừa những người nhẹ dạ cả tin. Những lời cam kết thường được môi giới đưa ra là học trọn gói với giá rẻ chỉ từ 7 - 8 triệu đồng; khẳng định 100% đỗ các phần thi lý thuyết, mô phỏng, sa hình, đường trường; được học không giới hạn đến khi đỗ; miễn phí trải nghiệm xe gắn thiết bị chip trong khi thực tế học viên sẽ phải đóng từ 200 - 300 nghìn đồng (tùy sân) khi có nhu cầu tập xe gắn thiết bị chip”, ông Tùng chia sẻ.

Thậm chí, ông Tùng cho biết nhiều môi giới còn trắng trợn lừa đảo rằng, không cần khám sức khỏe, công ty môi giới sẽ hỗ trợ làm giả giấy tờ, thi hộ. Vì vậy rất nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” của đối tượng lừa đảo. Nhiều học viên rơi vào tình cảnh mất tiền, mất thời gian để mua… sự bực mình.

Theo ông Tùng, kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe của Sở GTVT Hà Nội rất nghiêm túc, có hệ thống máy chấm điểm, camera giám sát nên không thể có chuyện “bao đỗ”, gian lận. Vì vậy, thay vì đóng tiền cho môi giới, học viên có nhu cầu học lái xe nên tới các trung tâm uy tín để được tư vấn, hỗ trợ tuyển sinh nhanh chóng và đảm bảo, tránh mất tiền oan.

“Khi khách hàng là học viên đến đăng ký thì phải hỏi cho thật rõ điều kiện học kể cả thời gian được sát hạch. Thời gian chi tiết thì còn phụ thuộc Sở GTVT, nhưng khoảng tháng nào thì vẫn có thể cung cấp cho học viên. Học viên nên kiểm tra những điều này. Những nơi nào hứa xong mà không làm đúng quy định là mạo danh, rất nguy hiểm”, ông Tùng chia sẻ.

Trong quá trình đào tạo bằng lái, học viên nên xác định học tập và thực hành nghiêm túc, không nên có các hành vi gian lận chỉ để có được tấm bằng. Bởi đó là cách đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và trách nhiệm với xã hội khi tham gia giao thông.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoc-bang-lai-xe-tung-chieu-moi-lam-gi-de-khong-sap-bay-post693969.html