Giả shipper để lừa đảo

Lợi dụng việc ngày càng có nhiều người dân mua hàng qua mạng, đặt và nhận hàng qua dịch vụ chuyển hàng nhanh thông qua đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper), các đối tượng lừa đảo đã nảy sinh chiêu thức nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng giả mạo các trang web, công văn của các đơn vị dịch vụ giao hàng để lừa đảo người dân.

Các đối tượng giả mạo các trang web, công văn của các đơn vị dịch vụ giao hàng để lừa đảo người dân.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, thời gian qua, thông qua công tác điều tra và phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, lực lượng công an đã ghi nhận một số vụ việc người dân bị các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chiêu lừa mới

Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo đã lập ra hội nhóm mang tên “Giao hàng tiết kiệm” để đánh lừa người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Đã có những người thiếu cảnh giác “sập bẫy”, nhưng cũng có người kịp thời nhận ra chiêu thức lừa đảo của các đối tượng để dừng lại, tránh mất tài sản.

Anh N.H.T. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), cho biết vào ngày 26-7, anh nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là shipper đang giao đơn hàng có giá trị hơn 100 ngàn đồng cho anh này.

Do anh T. không ở nhà nên đã hẹn lại với nhân viên này vào thời điểm khác mới nhận hàng. Tuy nhiên, người này đã thúc giục anh T. nhận hàng nếu không nhân viên này sẽ không đạt chỉ tiêu theo quy định.

Hình ảnh các tin nhắn lừa đảo được các đối tượng tung ra để lừa nạn nhân “sập bẫy”. Ảnh: C.T.V

Hình ảnh các tin nhắn lừa đảo được các đối tượng tung ra để lừa nạn nhân “sập bẫy”. Ảnh: C.T.V

Do trước đó từng đặt đơn hàng giá trị tương tự qua mạng, anh T. không nghi ngờ mà chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu của nhân viên nói trên. Sau khi chuyển tiền, anh T. nhận được tin nhắn từ người giao hàng trên báo là đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên “Giao hàng tiết kiệm”. Nếu anh T. đã chuyển tiền vào tài khoản này thì “Trung tâm giao hàng” sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng sẽ tự động trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của anh T. Trong trường hợp tài khoản không có tiền sẽ chuyển thành nợ xấu.

Để giải quyết vấn đề này, người này gửi cho anh T. một đường link, giới thiệu là trang Facebook của “Trung tâm vận chuyển” để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên.

Chưa dừng lại đó, đối tượng này còn liên tục gọi điện thúc giục anh T. truy cập vào đường link mà người này cung cấp để nhắn tin hủy đăng ký. Lo sợ bị trừ tiền nên anh T. đã truy cập đường link và nhắn tin theo hướng dẫn, đăng nhập app ngân hàng, nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự), giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.

Nghi ngờ đây là chiêu thức lừa đảo nên anh T. đã kiểm tra trang Facebook mà đối tượng cung cấp và liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại thì phát hiện mình bị lừa.

Tương tự, mới đây, chị H.T. (ngụ thành phố Biên Hòa) trình báo, có đối tượng giả danh shipper yêu cầu chuyển tiền hàng vào tài khoản để nhận hàng. Nghĩ là chỗ dịch vụ chuyển hàng nên chị T. đã chuyển hơn 100 ngàn đồng cho đối tượng này.

Sau đó, có người thông báo chị đã chuyển nhầm vào tài khoản của “dịch vụ giao hàng tiết kiệm”. Nếu chị T. không hủy bỏ thì sẽ trở thành hội viên của trung tâm này và hệ thống sẽ kích hoạt dịch vụ trừ tiền tự động hàng tháng 3,5 triệu đồng.

Theo hướng dẫn, chị T. phải đóng khoản tiền hơn 3 triệu đồng vào tài khoản của trung tâm này để xác minh, xử lý việc hủy bỏ hội viên. Số tiền đó sẽ được hoàn trả lại khi xác minh xong. Không dừng lại đó, các đối tượng còn đe dọa chị T., nếu không hủy bỏ thì gói khấu trừ hàng tháng sẽ được kích hoạt và tự động trừ tiền của chị này. Tuy nhiên, chị T. nghi đây là chiêu thức lừa đảo nên dừng lại các hoạt động giao dịch.

Cẩn trọng khi nhận hàng và chuyển tiền

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh, đây là hình thức lừa đảo mới. Thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (live stream) trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng sẽ thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng, từ đó giả danh shipper giao hàng để lừa đảo.

Chiêu thức của các đối tượng là gọi điện thông báo cho nạn nhân có đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản (thường là những khoản tiền ít, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng) cho “nhân viên giao hàng”. Trên cơ sở đó tạo ra kịch bản “chuyển tiền nhầm” vào tài khoản của các “công ty, trung tâm chuyển hàng nhanh” rồi biến khách hàng thành hội viên của dịch vụ “giao hàng tiết kiệm” và tiếp tục kịch bản lừa đảo.

Các đối tượng sẽ “bồi” thêm rằng: nếu người dân không hủy hội viên của các dịch vụ này có thể bị khấu trừ tự động tiền hàng tháng vào tài khoản. Từ đó, các đối tượng tiếp tục hướng dẫn người dân làm các thao tác để hủy dịch vụ này.

Theo cơ quan công an, mục đích của các đối tượng đưa người dân đăng nhập vào các app, thực hiện các giao dịch theo hướng dẫn của chúng để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng này cũng chiếm luôn số tiền thanh toán tiền hàng của các nạn nhân.

Trước thực trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn mới của các đối tượng.

Để tránh “sập bẫy”, người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng công an nơi gần nhất.

Tại địa bàn thành phố Biên Hòa, thời gian qua, lực lượng công an đã tiếp nhận không ít các trường hợp tương tự.

Đại úy Phan Hoàng Sử, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Biên Hòa, cho biết để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo giả danh công ty giao hàng nhanh, người dân cần xác minh chính xác thông tin những đơn hàng trước khi nhận, dù là những đơn hàng có giá trị thấp. Đặc biệt, người dân phải biết không có việc “khấu trừ tự động” từ các đơn vị cung cấp dịch vụ “giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm”. Đây chỉ là chiêu thức của các đối tượng lừa đảo đặt ra để hù dọa người dân.

Trong trường hợp phát hiện có các dấu hiệu lừa đảo người dân có thể liên hệ trực ban hình sự Công an thành phố Biên Hòa qua số điện thoại: 02513825098 hoặc theo số điện thoại của đại úy Phan Hoàng Sử: 0834606060 để được hướng dẫn hỗ trợ.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202409/gia-shipper-de-lua-dao-673339c/