Cơ hội bứt phá cho TP Hồ Chí Minh từ Trung tâm tài chính quốc tế

Sở hữu cơ chế đặc thù, vị trí chiến lược và khát vọng vươn tầm quốc tế, TP Hồ Chí Minh đang tăng tốc chuẩn bị vận hành Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) vào cuối năm 2025. Mô hình này không chỉ nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu mà còn định hình lại hệ sinh thái tài chính của Việt Nam.

Cơ chế đặc thù - nền móng cho trung tâm tài chính hiện đại

Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng TTTCQT là bước đi chiến lược nhằm dịch chuyển cơ cấu kinh tế và nâng cao vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu. Thành phố đã giao Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), đơn vị nhà nước đầu tư hạ tầng và tài chính, chủ trì xây dựng đề án và tham mưu chính sách liên quan.

TP Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng TTTCQT là bước đi chiến lược. Ảnh minh họa

TP Hồ Chí Minh đã xác định việc xây dựng TTTCQT là bước đi chiến lược. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng giám đốc HFIC cho biết, đề án TTTCQT sau hơn 4 năm triển khai đã được Quốc hội cụ thể hóa bằng Nghị quyết 222/2025/QH15. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất giúp TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình trung tâm tài chính theo thông lệ quốc tế.

“Nghị quyết không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị mà còn mở ra không gian pháp lý chuyên biệt, thúc đẩy thu hút đầu tư và xây dựng môi trường kinh doanh tài chính minh bạch”, ông Nguyễn Hồng Văn nhận định.

Một trong những điểm mấu chốt là chính sách thuế ưu đãi dài hạn: Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 30 năm cho các ngành ưu tiên cùng miễn và giảm thuế giai đoạn đầu. Các chuyên gia, nhân lực chất lượng cao làm việc tại TTTCQT được miễn thuế thu nhập cá nhân đến năm 2030.

Song song đó, cơ chế ngoại hối được mở rộng đáng kể. Các tổ chức tài chính trong trung tâm có thể huy động vốn quốc tế mà không cần xin phép, được phép niêm yết và lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế. Theo ông Nguyễn Hồng Văn, đây là mức độ tự do tài chính chưa từng có trong hệ thống hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị quyết còn cho phép áp dụng “sandbox tài chính” - mô hình thử nghiệm có kiểm soát với các sản phẩm mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Doanh nghiệp được miễn một số thủ tục hành chính và có thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu tuân thủ đúng quy trình thử nghiệm.

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, TTTCQT cần đặt mục tiêu phát triển hệ sinh thái tài chính mới thay vì chỉ tập trung ưu đãi thuế. “Các sản phẩm như tài sản số, trái phiếu xanh, huy động vốn cộng đồng, ví điện tử xuyên biên giới cần được ưu tiên phát triển để lan tỏa lợi ích đến nền kinh tế thực”, ông Tuấn cho biết; đồng thời nhấn mạnh việc ưu đãi phải đi kèm cam kết tạo giá trị gia tăng, tránh biến TTTCQT thành nơi chỉ nhận ưu đãi mà không có đóng góp thực chất.

Trung tâm được quy hoạch tại hai địa điểm là Quận 1 (cũ) và khu đô thị Thủ Thiêm.

Trung tâm được quy hoạch tại hai địa điểm là Quận 1 (cũ) và khu đô thị Thủ Thiêm.

Theo ông Tuấn, việc áp dụng đồng bộ cả cơ chế thuế, ngoại hối và thử nghiệm tài chính không chỉ giúp Việt Nam tạo ra môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư, mà còn tạo dư địa thể chế để phát triển các công cụ tài chính mới. Trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến sự vươn lên của các trung tâm như Singapore, Dubai hay Thượng Hải, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để định vị vai trò trung tâm tài chính gắn với chuỗi cung ứng và đầu tư toàn cầu.

Các chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng, TTTCQT không chỉ đóng vai trò là nơi huy động và phân phối vốn mà còn là không gian thử nghiệm và chuẩn hóa các sản phẩm, mô hình tài chính trong kỷ nguyên số. Việc phát triển những công cụ đầu tư mới, từ chứng khoán hóa tài sản đến quản lý quỹ số hóa, cũng sẽ giúp tăng độ sâu và tính minh bạch cho thị trường tài chính trong nước.

Ba trụ cột cho vận hành trung tâm tài chính

Để vận hành TTTCQT hiệu quả, TP Hồ Chí Minh xác định ba trụ cột then chốt: Hạ tầng, nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế. Theo đó, trung tâm được quy hoạch tại hai địa điểm là Quận 1 (cũ) và khu đô thị Thủ Thiêm, với tổng diện tích 783ha. Trong đó, khu lõi 9,2ha tại Thủ Thiêm sẽ triển khai đầu tiên, là nơi đặt các cơ quan quản lý, sàn giao dịch và văn phòng đại diện các định chế tài chính lớn.

Tổng vốn đầu tư cho TTTCQT dự kiến khoảng 172.000 tỷ đồng, riêng khu lõi cần khoảng 16.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm đầu. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ phần xây dựng hạ tầng công quyền, phần còn lại huy động từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà, Thành phố đang ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại: Phủ sóng 5G, nâng cấp giao thông, điện, viễn thông và chiếu sáng thông minh cho Thủ Thiêm. Bởi nơi đây không đơn thuần là một dự án, mà là định hướng phát triển dài hạn của TP Hồ Chí Minh, với kỳ vọng trở thành cửa ngõ tài chính khu vực Đông Nam Á.

Ngoài hạ tầng cứng, TP Hồ Chí Minh cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng số. Trung tâm điều hành thông minh và các hệ thống máy chủ, kho dữ liệu lớn đang được triển khai tại Công viên phần mềm số 2, phục vụ các giao dịch tài chính số, phân tích thị trường và ứng dụng AI trong lĩnh vực định giá, quản trị rủi ro.

Thành phố đang ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho TTTCQT. Ảnh minh họa

Thành phố đang ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại cho TTTCQT. Ảnh minh họa

Nguồn nhân lực là ưu tiên tiếp theo. Thành phố đã lên kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên trách quản lý và vận hành TTTCQT. Năm chương trình đào tạo chuẩn quốc tế sẽ triển khai từ năm 2025, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại doanh nghiệp. Các ngành học mới như Fintech, blockchain, dữ liệu lớn, tài chính quốc tế cũng đang được phát triển mạnh tại các trường đại học và viện nghiên cứu.

Về hợp tác quốc tế, TP Hồ Chí Minh đã chủ động thiết lập quan hệ với nhiều trung tâm tài chính lớn, đặc biệt là Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan. Thống đốc AIFC, ông Renat Bekturov khẳng định, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với TP Hồ Chí Minh, từ việc xây dựng khung pháp lý theo Common Law, thiết lập mô hình hành chính một cửa đến vận hành tòa án tài chính độc lập.

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, mô hình của AIFC là minh chứng cho khả năng tạo lập niềm tin nhà đầu tư thông qua thể chế minh bạch, cơ chế tài phán độc lập và trọng tài viên quốc tế uy tín. “TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể áp dụng mô hình này để xây dựng Trung tâm trọng tài tài chính quốc tế, một mắt xích quan trọng của TTTCQT”, ông Vũ nói.

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng nhìn nhận, hệ sinh thái tài chính của Việt Nam hiện còn thiếu các trụ cột như giao dịch phái sinh hàng hóa, tài sản số, sản phẩm tài chính xanh và mô hình gọi vốn sáng tạo. TTTCQT là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện những khoảng trống này, hướng đến một thị trường tài chính đa dạng, hiệu quả và có chiều sâu.

Hiện nay, Thành phố cũng đang phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư và định chế tài chính lớn để xây dựng bộ tiêu chí hoạt động minh bạch, tiêu chuẩn hóa mô hình quản trị trong TTTCQT. Mục tiêu là tạo ra một môi trường tài chính chuyên nghiệp, nơi các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu có thể yên tâm giao dịch, giải quyết tranh chấp và thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong khung pháp lý rõ ràng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thúc đẩy cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị quản lý nhà nước và tổ chức tài chính, nhằm tăng khả năng giám sát rủi ro và bảo đảm an ninh thông tin trong TTTCQT. Đây là nền tảng cần thiết để xây dựng một trung tâm tài chính có tính chống chịu cao, thích ứng với biến động thị trường khu vực và toàn cầu.

Hải Yên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/co-hoi-but-pha-cho-tp-ho-chi-minh-tu-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-20250722140433427.htm