Cơ hội bứt phá dịp cuối năm
Mùa kinh doanh cuối năm được coi là thời điểm vàng của ngành ngân hàng, nhiều nhà băng sẽ tận dụng sự sôi động của thị trường để bứt tốc, cải thiện kết quả kinh doanh.
Theo kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng hơn năm trước, huy động vốn đến cuối năm tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2018.
“Trái ngọt” từ dịch chuyển dư nợ
Tính đến cuối tháng 10, hầu hết các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Tổng thể bức tranh lợi nhuận mang màu sắc tươi sáng, trong đó nhiều nhà băng đạt đỉnh cao lợi nhuận.
Dẫn đầu vẫn là “ông lớn” Vietcombank với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019.
Tiếp đến là Agribank với lợi nhuận trước thuế khoảng 9.700 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm.
Techcombank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh cho thấy ngân hàng này tiếp tục đến gần tới mục tiêu năm 2019, với lợi nhuận trước thuế 8,9 nghìn tỷ đồng. VietinBank đạt lợi nhuận trước thuế 8.456 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, MB đạt lợi nhuận 9 tháng 7.616 tỷ đồng, VPBank ghi nhận mức 7.199 tỷ đồng. ACB có lợi nhuận đạt 5.561 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. HDBank tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ, với lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng vượt 3.400 tỷ đồng. VIB có lợi nhuận 9 tháng đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng tới 28%...
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả lợi nhuận hiện nay có cả một quá trình chuẩn bị trước đó. Phân tích từ báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng trên có thể thấy tăng trưởng lợi nhuận cao có phần đóng góp lớn từ tín dụng bán lẻ, tăng tỷ trọng thu phi tín dụng, cơ cấu lại tài sản theo các phân khúc sinh lời.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục bứt phá trong quý IV
Quý IV là thời điểm vàng
Chẳng hạn, trường hợp của VietinBank đã tạo một bất ngờ cho thị trường khi tín dụng 9 tháng qua tăng chưa đến 4%, nhưng nhờ sự dịch chuyển rõ rệt dư nợ sang bán lẻ, tăng thu từ nguồn phi tín dụng đã giúp ngân hàng này hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận năm. Trước đó, trong năm 2018, vị trí xếp hạng lợi nhuận của VietinBank chỉ đứng thứ 7, bị sụt giảm lợi nhuận do khoản lỗ hơn 800 tỷ đồng trong quý IV/2018.
Các chuyên gia và lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng dù nhiều nhà băng đang đạt đỉnh cao lợi nhuận, song mức độ gia tăng vẫn chưa dừng lại, mà dự kiến còn mạnh hơn ở cao điểm quý IV.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cao điểm quan trọng nhất nằm ở quý IV, bởi hoạt động ngân hàng có yếu tố mùa vụ chi phối.
“Thật khó để yêu cầu khách hàng rải đều nhu cầu, giao dịch ra các tháng, các quý trong năm để ngân hàng có một bảng cân đối thể hiện tốc độ tăng trưởng đẹp từng quý. Nhiều nguồn thu của ngân hàng có đặc điểm mùa vụ”, ông Quốc Anh giải thích.
Tổng cục Thống kê mới đây công bố số liệu tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 8,4%, khá thấp so với mục tiêu đề ra là 14% cho năm nay và cũng thấp hơn mức tăng 9,52% của cùng kỳ năm 2018. Như vậy, dư địa để các ngân hàng đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế sẽ còn rất lớn.
Thực tế, mùa kinh doanh cuối năm là lúc nhu cầu vốn của khách hàng gia tăng nhiều nhất để chuẩn bị cho dịp Tết đến. Đáp ứng nhu cầu và cũng là cơ hội bứt phá, các ngân hàng thương mại đang tăng tốc tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp tăng khả năng sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường hàng hóa.
Cụ thể, ngay từ đầu quý IV cho đến nay đã có thêm một số nhà băng được NHNN cấp chứng nhận đạt chuẩn Basel II nên có thể được cấp thêm hạn mức tín dụng, đồng thời các ngân hàng cũng gia tăng huy động vốn. Những ngân hàng có room tín dụng đã cạn, không được NHNN nới thêm sẽ tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ để gia tăng lợi nhuận.
Từ những nhận định trên, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng quý cuối năm là thời điểm vàng để thị trường nói chung và các ngân hàng nói riêng nhanh chóng cán đích tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của năm.
Kết quả cuộc điều tra của NHNN cũng cho thấy 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4 - 29,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều” (cao hơn so với tỷ lệ 20-27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).
Dự kiến đến cuối năm 2019, 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% TCTD kỳ vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/co-hoi-but-pha-dip-cuoi-nam-314866.html