Cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' thúc đẩy bình đẳng giới

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động tín dụng, tiếp cận với nguồn vốn, nhiều địa phương trên cả nước đã có cách làm, mô hình đa dạng và hiệu quả. Đây là những 'kênh' tuyên truyền trực tiếp chuyển tải hiệu quả những thông tin, kiến thức về làm kinh tế, khoa học kỹ thuật và nâng cao hiểu biết về luật pháp giúp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có nhiều cơ hội cải thiện và nâng cao đời sống…

Đa dạng cách tiếp cận thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Lồng ghép giới trong công tác tuyên truyền được tỉnh Lào Cai quan tâm chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân. Làm tốt việc này cần nhiều sự quan tâm đối với cán bộ làm công tác bình đẳng giới.

Hằng năm, Lào Cai tổ chức tập huấn về công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ cho hơn 500 đại biểu cộng tác viên, tình nguyện viên, trưởng thôn bản, cán bộ làm công tác lao động-thương binh-xã hội cấp xã và cộng tác viên, tình nguyện viên, trưởng thôn, bản; Ban quản lý mô hình “ Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng”...

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc với 25 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 66,2% trong đó nữ chiếm 31,77%, với 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố với 152 xã, phường, thị trấn.

Đến nay, Lào Cai đã xây dựng được 105 mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 30 mô hình Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; 32 mô hình Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và 32 mô hình câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, 20 mô hình hương ước, quy ước gắn với bảo vệ rừng, thực hiện nếp sống văn minh và xây dựng nông thôn mới. Các mô hình trên đều bảo đảm thực hiện mục tiêu nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Một tiết mục dự thi tại chương trình “Giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2024 do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức. (Ảnh: VÂN ANH)

Một tiết mục dự thi tại chương trình “Giao lưu sáng kiến truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2024 do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức. (Ảnh: VÂN ANH)

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Đắk Lắk có 519 thôn, buôn, 54 xã đặc biệt khó khăn thuộc 14 huyện, thị xã, tổ chức 155 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, thành lập được 298 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, 37 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 37 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, thành lập 8 tổ/nhóm sinh kế, tổ hợp tác...

Đến nay, các mô hình tại điểm chỉ đạo đã đi vào vận hành, hoạt động cơ bản nền nếp, là những nhân tố quan trọng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em.

Các địa phương trên cả nước duy trì được 7.623/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, với sự tham gia của 61.685 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản/ấp/buôn.

Tổ truyền thông không chỉ mang đến những thông tin, kiến thức; mà còn là kênh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những vấn đề đặt ra liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái phản ánh đến cấp Hội phụ nữ và chính quyền.

Theo Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi không ngừng được hoàn thiện, ưu tiên bố trí huy động nguồn lực để thực hiện và đã được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội...

Đề cập tới việc thực hiện 4 gói chính hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có đánh giá: Hầu hết các tỉnh đã phối hợp với trạm y tế rà soát lập danh sách số phụ nữ đang mang thai, sinh con tại cơ sở y tế; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn khảo sát, hướng dẫn chi gói chính sách hỗ trợ bà mẹ cho đội ngũ cán bộ Hội, trạm y tế, chi hội trưởng phụ nữ, cán bộ y tế thôn bản; tổ chức các hoạt động truyền thông về kiến thức làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... 8/10 tỉnh đã chi triển khai gói chính sách đến bà mẹ, tiêu biểu là Hà Giang (hỗ trợ 1.596 bà mẹ đi khám thai và sinh con tại cơ sở y tế), Gia Lai (hỗ trợ 361 bà mẹ đi khám thai, sinh con tại trạm y tế).

Ra mắt tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Nà Lẩy, Khuổi Bẻ thuộc xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THANH LOAN)

Ra mắt tổ truyền thông cộng đồng tại thôn Nà Lẩy, Khuổi Bẻ thuộc xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: THANH LOAN)

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, phụ nữ dân tộc thiểu số có gần 7,1 triệu người, chiếm 49,9% người dân tộc thiểu số.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nhằm thúc đẩy, nâng cao địa vị người phụ nữ và phát huy vai trò của họ trong gia đình và xã hội nhờ các chính sách phát triển chung của Nhà nước và các chính sách đặc thù riêng (như chính sách cho phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con đúng kế hoạch, chính sách hỗ trợ bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số...).

Tỷ lệ biết đọc biết viết chữ phổ thông: 75,1% phụ nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết tiếng phổ thông; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%; Gần 80% phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia lực lượng lao động, trong đó gần 9% được đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ...

Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế: Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số (10-49 tuổi) khi mang thai đến cơ sở y tế thăm khám đạt 88,0%.

“Rào cản” phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận và phát triển

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía tây của tỉnh Hà Giang, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và còn rất nhiều khó khăn. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của 13 dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Dao, H'Mông, Cờ Lao, La Chí... với 14.242 hộ, 68.707 người trong đó, nữ 33.581 người chiếm 48,88% dân số toàn huyện, nghề nghiệp chủ yếu làm nông nghiệp.

Trong năm 2022 và 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì đã thành lập 93 Tổ truyền thông cộng đồng, 22 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với mức hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng cho mỗi tổ, mỗi câu lạc bộ.

Các hoạt động này với mong muốn vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đồng thời trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em.

Đoàn giám sát quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Phước kiểm tra thực tế hộ dân thụ hưởng chính sách tại thôn Đăk Son, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. (Ảnh: KIỀU THANH)

Đoàn giám sát quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Phước kiểm tra thực tế hộ dân thụ hưởng chính sách tại thôn Đăk Son, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập. (Ảnh: KIỀU THANH)

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” có hình thức tuyên truyền chưa phong phú, việc thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ, nhân dân còn hạn chế. Nguyên nhân một phần do thiếu kinh phí mua văn phòng phẩm, vật dụng hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền...

Còn tại Sóc Trăng, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy có đổi mới về hình thức và nội dung tuyên truyền so với trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu thực tế. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên một số ít do chưa hiểu biết về đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán và không nói được tiếng dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động.

Ghi nhận từ Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú chưa đồng đều.

Trên thực tế, cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú còn nhiều khó khăn. Quy mô học sinh vượt quá điều kiện về cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, dẫn đến tình trạng thiếu phòng học, phòng nội trú.

Nhiều trường thiếu khuôn viên, sân chơi bãi tập, các phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, thư viện, công trình phụ trợ (nhà vệ sinh, hệ thống cấp, thoát nước...), ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh nội trú, bán trú.

Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: DẦN THƯƠNG)

Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: DẦN THƯƠNG)

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác ở nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú chưa có đủ kinh nghiệm cần thiết trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù.

Cụ thể như: Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức hoạt động nội trú, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số... Học sinh dân tộc thiểu số ở nhiều vùng, miền còn rất hạn chế về ngôn ngữ tiếng Việt, là rào cản không nhỏ cho các trường trong việc tuyên truyền giáo dục học sinh.

Trong một hội thảo về thúc đẩy bình đẳng giới do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đánh giá, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

Các chính sách dân tộc trong thời gian vẫn cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của phụ nữ dân tộc thiểu số như: nâng cao tỷ lệ biết chữ của phụ nữ dân tộc thiểu số, cải thiện dịch vụ y tế và giúp phụ nữ dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng; tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số; có cơ chế thích hợp để khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, việc làm có trả công...

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở 51 tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số; livestreams giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tổ nhóm sinh kế do phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất và làm mẫu 2 hội chợ “Giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”…

Tuy nhiên, các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu vùng xa, đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí còn hạn chế.

Việc triển khai thực hiện lồng ghép giới được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt như in ấn tài liệu cấp phát tài liệu (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay...) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tổ chức tuyên truyền trên các báo đài…

Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Sóc Trăng hướng tới việc kết hợp phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, nhất là vai trò của các vị Archa, Ban Quản trị chùa phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín và thành viên các hội đoàn người Hoa để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, sẽ nâng cao hiệu quả; xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt là tranh thủ và phát huy tốt hơn vai trò của Hội đoàn người Hoa, các vị sư sãi, nhân sĩ trí thức và Ban Quản trị các chùa phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín công tác tuyên truyền, vận động để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Một lớp học xóa mù chữ ở bản U Ní Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. (Ảnh: THÚY HỒNG)

Một lớp học xóa mù chữ ở bản U Ní Chải, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. (Ảnh: THÚY HỒNG)

Mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ vùng dân tộc thiểu số... Để tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới khu vực này, một số giải pháp cần phải đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, tiếp tục tăng cường, kiên trì đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Nhấn mạnh của các chuyên gia Bộ Giáo dục và Đào tạo là tăng cường các giải pháp truyền thông, hướng dẫn các nhà trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt là các trường Phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tuyên truyền với địa phương, cha mẹ học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số các kiến thức về giới và bình đẳng giới nhằm loại bỏ các hủ tục lạc hậu liên quan đến vấn đề giới và phụ nữ dân tộc thiểu số, giảm thiểu tình trạng nghỉ học giữa chừng của học sinh nữ dân tộc thiểu số trong lứa tuổi trung học cơ sở và giai đoạn chuyển cấp.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai Chương trình nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình Giáo dục phổ thông và “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” nhằm cải thiện đáng kể khả năng sử dụng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh dân tộc thiểu số.

Điều cần thiết nữa là có các chính sách đặc thù để hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ nói riêng nhằm giúp họ có thêm nguồn lực, tri thức để dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm; Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật về nông nghiệp ở những vùng này, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng dân tộc thiểu số có việc làm và nâng cao thu nhập tại chỗ…

HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-hoi-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-thay-doi-nep-nghi-cach-lam-thuc-day-binh-dang-gioi-post819798.html