Cơ hội cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn bước vào nền kinh tế số
Có thể chỉ ra thách thức kép mà thanh niên khó khăn đang đối mặt là rào cản về kinh tế, xã hội lẫn nhận thức giới, khiến họ càng khó tiếp cận với các chương trình đào tạo kỹ thuật số. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn mà còn là bước đi chiến lược để bảo đảm sự công bằng trong phát triển và tối ưu hóa nguồn nhân lực trẻ – yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đào tạo nghề cho thanh niên khó khăn là “chìa khóa” để Việt Nam chuyển đổi số bền vững và thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ. (Ảnh minh họa. Nguồn Bộ KHCN)
Đào tạo nghề cho thanh niên khó khăn
Một trong những minh chứng cho nỗ lực thu hẹp khoảng cách số và giới tính trong lĩnh vực công nghệ là dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam”, do tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Viện REACH thực hiện, với sự tài trợ từ Tập đoàn Lenovo thông qua chương trình TransforME Grant Round. Dự án được triển khai từ tháng 4/2024 đến tháng 3/2025, nhắm đến mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới, tiếp cận với các khóa học ngắn hạn trong lĩnh vực công nghệ, kết nối việc làm và nâng cao năng lực cá nhân.
Dù chỉ kéo dài trong một năm, nhưng dự án đã mang lại những kết quả ấn tượng: 207 thanh niên được tham gia các khóa học đào tạo nghề trong lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm thiết kế đồ họa 2D, thiết kế 3D và Digital Marketing; trong đó 42% là nữ – một con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh định kiến giới vẫn còn tồn tại trong ngành công nghệ. 85% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, cho thấy hiệu quả thực tiễn cao của chương trình. Ngoài ra, 213 thanh niên khác được đào tạo kỹ năng sống và bình đẳng giới, giúp họ tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động.
Không giống như con đường đại học truyền thống, đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực kỹ thuật số, đang trở thành một “lối đi nhanh” giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng tiếp cận việc làm ổn định và thu nhập bền vững. Tại Viện REACH, các khóa học chỉ kéo dài từ 3 đến 6 tháng nhưng được thiết kế bài bản, tích hợp cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng phỏng vấn… Đồng thời, nhờ vào mạng lưới doanh nghiệp đối tác rộng khắp, học viên được kết nối tuyển dụng ngay sau khi hoàn thành chương trình.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm – Viện trưởng Viện REACH: “Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển con người, đặc biệt là nhóm thanh niên yếu thế. Hơn 200 học viên từ dự án không chỉ có việc làm mà còn có tương lai tươi sáng hơn. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình này”.
Điều đáng nói là các học viên trong dự án không đơn thuần học để có việc làm, mà còn trưởng thành về nhận thức bản thân và vai trò xã hội. Bạn Lò Duyên Huyền - cựu học viên khóa Thiết kế đồ họa 2D xúc động chia sẻ: “Nhờ khóa học, em không chỉ có nghề ổn định mà còn biết yêu bản thân và tin vào chính mình. Em có thể tự lo cho cuộc sống và giúp mẹ đỡ vất vả. Mỗi sản phẩm em làm ra là một bước tiến trong hành trình trưởng thành”.
Thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mặc dù phụ nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 25%, nhưng họ vẫn chủ yếu đảm nhiệm các vị trí như thử nghiệm, marketing, bán hàng, hành chính và nhân sự, hơn là các vai trò kỹ thuật như phát triển phần mềm. Khoảng cách giới còn thể hiện rõ ở việc tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực công nghệ. Phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận các vị trí lãnh đạo, quản lý hay các công việc kỹ thuật cao cấp, mặc dù họ có thể có kỹ năng và trình độ tương đương hoặc thậm chí vượt trội so với nam giới.
Đây là rào cản tâm lý rất lớn đối với nữ thanh niên - đặc biệt là những người đến từ vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn. Dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam” đã không chỉ mang đến cơ hội đào tạo mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về bình đẳng giới. Bà Lê Quỳnh Lan - Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án đã vượt chỉ tiêu đề ra nhờ quyết tâm của Viện REACH và nỗ lực không mệt mỏi của các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ. Thành công của họ là minh chứng sống động để xóa bỏ định kiến xã hội, khẳng định nữ giới hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ”.
Hướng tới “một Việt Nam số công bằng, bao trùm và phát triển bền vững”
Dự án “Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam” là một trong nhiều mô hình có thể nhân rộng để thúc đẩy đào tạo nghề gắn với chuyển đổi số. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án này - như cách thiết kế khóa học ngắn hạn phù hợp với thực tế thị trường, cách lồng ghép kỹ năng mềm và nhận thức giới, hay cách kết nối với doanh nghiệp tuyển dụng - đều có thể được áp dụng tại các địa phương khác.
Hiện nay, theo thống kê từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH trước đây (nay là Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT), mỗi năm có hàng trăm nghìn thanh niên tốt nghiệp phổ thông nhưng không tiếp tục học đại học. Đây chính là nguồn lực tiềm năng để đào tạo nghề kỹ thuật số. Nếu có thêm nhiều chương trình hỗ trợ học phí, cung cấp thiết bị, kết nối việc làm như mô hình của REACH và Plan International, hàng chục ngàn thanh niên có thể “lật ngược tình thế”, vươn lên làm chủ công nghệ và xây dựng tương lai bền vững, hướng tới một Việt Nam số công bằng, bao trùm và phát triển bền vững - nơi không ai bị bỏ lại phía sau.