Cơ hội cho Việt Nam từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden
Giới học giả Mỹ nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Lợi thế về khả năng tiếp cận các trung tâm đổi mới và công nghệ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam qua chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Tiếp cận nhiều hơn với đổi mới và công nghệ Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thúc đẩy tăng trưởng tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực là những điểm nổi bật trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, Giáo sư Chính sách công trường Đại học Harvard ông Thomas Patterson cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, và biến đổi khí hậu. Trong số những vấn đề này, vấn đề kinh tế là quan trọng nhất. Hoa Kỳ tìm cách tăng cường kết nối kinh tế với Việt Nam. Việt Nam cũng có phần trong mối liên hệ đó. Từ lịch sử và từ các nghiên cứu cho thấy, các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cũng có xu hướng gắn kết các quốc gia lại với nhau theo những cách khác. Việc tăng cường quan hệ kinh tế là vì lợi ích quốc gia của cả hai nước.
GS Thomas Patterson, người đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston, nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Lợi thế về khả năng tiếp cận nhiều hơn với các trung tâm đổi mới và công nghệ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam qua chuyến thăm này.
Điểm mạnh của Việt Nam là người Việt Nam rất cần cù và có tư cách tốt, đặc biệt người dân Việt Nam rất có tinh thần kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam là thị trường có mức lương thấp so với Hoa Kỳ, điều này rất hấp dẫn đối với các công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Sự kết hợp sức mạnh của hai nước có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Ông Patterson nhấn mạnh, yếu tố đủ điều kiện để hai nước hợp tác là chính sách của chính phủ Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ đã quen với việc hoạt động trong một hệ thống ít có các rào cản hành chính và luôn đổi mới. Những thay đổi trong chính sách kinh doanh của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy tác động của sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước về công nghệ và đổi mới.
Giáo sư khoa học dữ liệu máy tính trường Đại học MIT, Hoa Kỳ Alex Sandy Pentland nhận định Hoa Kỳ có nguồn trí tuệ chất xám dồi dào trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu trong khi Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và có nguồn nhân lực gồm các kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu.
Ông Pentland, người được Forbes vinh danh là một trong bảy nhà khoa học dữ liệu xuất sắc nhất thế giới, thành viên Hội đồng lãnh đạo Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo và Diễn đàn Toàn cầu Boston, cho rằng con đường thành công nhất là để các kỹ sư trẻ của Việt Nam dành thời gian làm việc tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến như MIT. Bằng cách đó, họ không chỉ có thể học được những phương pháp thực hành tốt nhất mà còn có thể học được những gì mà nhiều quốc gia khác đang làm, cũng như xây dựng mối quan hệ với các kỹ sư ở những quốc gia đó.
Từ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư
Chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Biden ghi nhận dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Mỹ, kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (25/7/2013 - 25/7/2023).
Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác toàn diện. Thỏa thuận này liệt kê các lĩnh vực hợp tác: chính trị và ngoại giao quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Trong cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3 năm nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng có dịp trao đổi trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Giáo sư người Úc Carl Thayer, một học giả am hiểu tình hình của Việt Nam, nhận xét, Chính quyền của Tổng thống Biden đặt mục tiêu xây dựng nền tảng cho quan hệ đối tác toàn diện kéo dài một thập kỷ. Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam để bắt đầu thảo luận về việc nâng cao năng lực song phương quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói chuyện qua điện thoại và đồng ý mở rộng quan hệ song phương.
Kể từ sau cuộc điện thoại đó, đã có 3 thành viên Nội các Hoa Kỳ sang Việt Nam đàm phán chi tiết – Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại diện Thương mại Katherine Tai.
“Các chuyến thăm của Tổng thống Obama và Biden minh họa cho sự tiếp tục lâu dài trong chính sách của Mỹ là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách pháp lý và kinh tế cần thiết để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu”, GS Thayer nhận xét.
Cũng trong cuộc điện đàm ngày 29/3 năm nay với Tổng thống Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng-an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Đồng thời, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực khác.
Tổng Bí thư đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực; cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.
Sau 28 năm kể từ khi chính thức xác lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức gần 140 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.
Qua 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.
Mỗi năm có từ 23.000 - 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Khách du lịch Mỹ duy trì ở tốp 5 về số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch.