Cơ hội có khép lại nếu thí sinh chọn ngành không yêu thích?
Trước những biến đổi, phát triển của khoa học công nghệ như hiện nay nếu không linh hoạt, thích ứng sinh viên rất khó tìm chỗ đứng trong thị trường lao động.
Học ngành gì, trường nào, ra trường làm nghề gì là những câu hỏi mà mỗi mùa tuyển sinh đến thu hút nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm. Trước biến đổi không ngừng của thị trường lao động, việc tìm cho mình hướng đi để thích ứng với hoàn cảnh là điều không dễ dàng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn chọn nghề cho các em chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng học lực và sở thích là những căn cứ ưu tiên khi đặt nguyện vọng xét tuyển.
“Các em tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm hiểu những công việc cụ thể sau khi ra trường để từ đó có lựa chọn phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là đam mê, hiểu được bản thân muốn học đại học hay học nghề, tính toán khả năng mình có học được đại học không, tính toán kinh phí, tránh trường hợp đỗ những không theo học, không muốn học sẽ rất thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội”, ông Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ.
Trao đổi với
Người Đưa Tin
, ông Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hà Nội cho biết qua các buổi tư vấn hướng nghiệp nhiều học sinh khá băn khoăn với việc lựa chọn nghề, thậm chí nhiều em lo lắng nếu đã chọn lựa cẩn thận, nghiêm túc như vậy rồi mà vào học mới nhận ra mình chọn sai hoặc ra trường lại phải đi làm trái ngành thì phải sao?
Trước câu hỏi này, ông Ngọc đánh giá: “Lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn công việc để theo đuổi học tập, phấn đấu và cống hiến là vô cùng quan trọng. Chưa tính đến về thu nhập và những vấn đề khác, trung bình mỗi người đều phải làm việc tới 20-30 năm trước khi nghỉ hưu, mỗi ngày làm việc lại tối thiểu 8 tiếng, nên công việc chiếm một phần rất lớn của cuộc đời. Bạn không thể hạnh phúc nếu gắn bó lâu dài với một thứ bạn không phù hợp hay ghét bỏ”.
Thêm vào đó, việc học sinh chọn làm nghề gì, trở thành người như thế nào cũng sẽ quyết định định vị của chính các em ở xã hội trong tương lai. Vì vậy, chuyên gia cho rằng điều dễ hiểu lựa chọn ngành nghề và trường đại học để theo đuổi là quyết định cần phải cẩn thận, nghiêm túc, lý trí khi lựa chọn nó và hết mình với điều đó.
“Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng đi theo một đường thẳng như ta muốn. Cho dù học sinh và gia đình có cẩn thận tới đâu thì trên con đường đã vạch ra ấy vẫn có những trắc trở, khó khăn. Việc thấy thấy chán nản, mọi thứ khác với tưởng tượng ban đầu là chuyện hoàn toàn bình thường”, ông Vũ Khắc Ngọc bày tỏ.
Điều quan trọng nhất là phải xây dựng cho mình một thái độ sống tích cực và bản lĩnh để vượt qua khó khăn và nếu không vượt qua được thì sẵn sàng mở lòng mình để đón nhận cơ hội khác khi nó tới.
Cùng với đó chuyên gia lưu ý, hiện nay do công nghệ đang làm cho thế giới thay đổi rất nhanh và khó tưởng tượng được. Chính bản thân người học nên có sự thích ứng, sẵn sàng để nắm bắt cơ hội thì dù học ngành gì cũng không nên quá lo lắng.