Cơ hội cơ sở giáo dục đại học nâng mức tự chủ

Một số cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn...

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt là Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ ngày 6/12/2024, một số cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn.

Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến giảm 35 đến 40% các ban, phòng và 15% biên chế. Trường ĐH Ngoại Ngữ dự kiến sắp xếp tinh gọn giảm 44% đầu mối đơn vị. Trước đó, từ 2015 đến 2024, ĐH Quốc gia TPHCM tiến hành cắt giảm 3 đầu mối quản lý, chiếm tỷ lệ 10% tinh giảm bộ máy.

Giai đoạn 2025 - 2030, đại học này dự kiến tiếp tục giảm 36% đầu mối quản lý bên trong; giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách Nhà nước xuống còn 8%. Ngoài hai đại học quốc gia, hiện một số đại học công lập khác dần bắt tay vào việc sắp xếp tinh gọn đầu mối, nhân sự để tiến tới tự chủ tài chính theo yêu cầu.

Tự chủ tài chính là nội dung quan trọng trong tự chủ đại học. Mặc dù Luật Giáo dục đại học 2018 cho phép nhưng đến nay, số cơ sở đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính còn khá khiêm tốn. Một số đại học lớn, làm tốt công tác tự chủ cũng chưa phủ kín được tỷ lệ tự chủ tài chính. Như Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phải đặt mục tiêu tự chủ 100% chi thường xuyên từ năm 2026.

Còn Đại học Quốc gia TPHCM đến năm 2024 chỉ mới có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (34%), phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%.

Theo phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD&ĐT, đến hết năm 2025 có 24 cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên, 11 cơ sở giáo dục đại học khác tiếp tục duy trì loại hình trường tự chủ.

Có nhiều lý do khiến các cơ sở giáo dục đại học khó khăn trong tự chủ tài chính. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thu các trường còn hạn chế, đa số từ học phí, trong khi chi phí, đặc biệt khoản chi cho bộ máy nhân sự lại quá cao.

Muốn bài toán tài chính hiệu quả, tinh gọn bộ máy là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, bởi nếu không thu gọn đầu mối, tiết kiệm nhân sự, nguồn thu phải dành phần lớn chi trả thu nhập cho viên chức, người lao động, còn lại quá ít cho đầu tư phát triển.

Xác định là nhiệm vụ quan trọng nhưng thời gian qua, công tác tinh gọn bộ máy, nhân sự ở các trường diễn ra không hề dễ dàng, vì đụng đến biên chế là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Một số nơi còn tâm lý dựa vào “bầu sữa” ngân sách, để đội ngũ được bao cấp ngày nào hay ngày ấy. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách hậu sắp xếp, tinh giản chưa thỏa đáng, còn khiến người trong cuộc tâm tư.

Kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ mới đây đề nghị các học viện, đại học, trường đại học đến năm 2025 phải tự bảo đảm chi thường xuyên; đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh nhiệm vụ rõ ràng và lộ trình cụ thể nói trên, Chính phủ cũng lưu ý các đơn vị đề xuất chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ viên chức, đảm bảo quá trình thực thi hiệu quả. Đây được xem là cơ hội để các trường đại học có điều kiện thực hiện mạnh mẽ hơn việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiến đến tự chủ ở mức cao hơn.

Gia Khánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-co-so-giao-duc-dai-hoc-nang-muc-tu-chu-post714674.html