Cần bước đột phá để vận hành đường sắt tốc độ cao
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản toàn diện ngành đường sắt. Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã nghiên cứu tổ chức mô hình, bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ mới về quản lý, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt đầu tư mới theo quy hoạch.
Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt trên 7 triệu lượt hành khách, tăng 14% so với kế hoạch và cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt 7,1% kế hoạch và 11,4% cùng kỳ. Trong bối cảnh khó khăn của năm 2024, đặc biệt là cơn bão số 3, sự cố sạt lở đất, một số vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan lĩnh vực đường sắt chưa được giải quyết triệt để, nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, đột phá, ngành đường sắt đã tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian tới, ngành đường sắt cần có đề án cụ thể nâng tỷ lệ nội địa hóa, nhất là về đầu máy, toa xe để dần chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng cao, thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt.
Về kế hoạch năm 2025, Tổng công ty Đường sắt phấn đấu bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Để chuẩn bị cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận hành, Tổng công ty chủ động chuẩn bị các nội dung để tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì tuyến đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt xây dựng mới theo quy hoạch. Trước mắt, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu các cơ chế chính sách để báo cáo cấp thẩm quyền, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt và Đề án cơ cấu Tổng công ty phù hợp với tình hình mới.
Công nghiệp đường sắt đã có một bước tiến mạnh mẽ trong năm 2024, trong đó có sự liên kết với những doanh nghiệp ngoài ngành, các doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cấp các toa xe, đoàn tàu mới, phục vụ hành khách.
Bên cạnh chuẩn bị mọi mặt về công nghệ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho công nghiệp đường sắt, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai.