Cơ hội để Lâm Đồng trở thành đối tác nông nghiệp của Singapore và Malaysia (Bài 1)

TIN LIÊN QUAN

Cơ hội để Lâm Đồng trở thành đối tác nông nghiệp của Singapore và Malaysia (Bài 2)
Cơ hội để Lâm Đồng trở thành đối tác nông nghiệp của Singapore và Malaysia (Bài 3)

(LĐ online) - Không đơn thuần và bị giới hạn trong một chủ đề của cuộc hội thảo. Lâm Đồng Province - The Land of Kindness (Lâm Đồng - Vùng đất an lành) được nhấn mạnh như là một thương hiệu, một lời khẳng định trong việc giới thiệu và thúc đẩy các mặt hàng, sản phẩm thế mạnh của vùng đất này với các bạn hàng của thị trường Singapore và Malaysia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại.

Bài 1: Mang thế mạnh để chào mời

Được tổ chức bởi Vụ Thị trường Châu Á Châu Phi (Bộ Công thương), Sở Công thương Lâm Đồng, Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Singapore cũng như đại diện của Công ty Rakan Asia (công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử); Công ty Winner Greenland (công ty lớn nhất được phép nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm nông sản Việt nam tại Malaysia) và quản lý của Sàn Giao dịch Singapore, Hội thảo trực tuyến với chủ đề Lâm Đồng Province - The Land of Kindness như một vòng tròn kết nối, xóa bỏ đi những rào cản đem đến nhiều cơ hội cho nông sản Lâm Đồng đến với hai thị trường tương đối “khó tính” là Singapore và Malaysia. Ngược lại, đây cũng là thời điểm để những nhà đầu tư của hai nước nói trên có thể tìm thấy một vùng nguyên liệu an toàn về chất lượng sản phẩm, phong phú về chủng loại nông sản để tìm kiếm cơ hội kết nối đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Với khí hậu ôn đới, Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại hoa làm nên thương hiệu

Với khí hậu ôn đới, Đà Lạt nổi tiếng với nhiều loại hoa làm nên thương hiệu

Có cả những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi. Bởi Singapore là một trong những thị trường đòi hỏi khắt khe nhất trên thế giới về chất lượng sản phẩm hàng hóa; còn Malaysia lại là thị trường đòi hỏi phải có chứng nhận Halal (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi Giáo). Không những thế, Malaysia và Singapore cũng là hai nước không giới hạn khu vực hay quốc gia để nhập khẩu, nên sức cạnh tranh là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp Lâm Đồng đang sản xuất và chế biến nông sản có được cơ hội trở thành bạn hàng tin cậy của hai thị trường này. Đó là sự gần gũi về văn hóa, về địa lý, về khoảng cách thời gian vận chuyển và đặc biệt là sự tương đồng không có nhiều cách biệt về ẩm thực.

Với những người dân địa phương hoặc nhiều vùng miền của Việt Nam, Lâm Đồng là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại đặc sản nông nghiệp. Nơi đây, là vùng cung cấp chè, cà phê lớn nhất, nhì Việt Nam, đồng thời cũng là vùng canh tác rau, hoa và các loài cây đặc hữu có tiếng khác với diện tích lớn nhất của khu vực phía Nam. Không những thế, với kiểu khí hậu ôn đới và cảnh quan đặc thù, TP Đà Lạt (thủ phủ của Lâm Đồng) còn là điểm đến thu hút mọi bước chân của du khách trong và ngoài nước. Chưa nhiều, nhưng ở thời điểm hiện tại, một số sản phẩm có xuất xứ từ Đà Lạt - Lâm Đồng cũng đã được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Malaysia và Singapore.

Một trong những thay đổi lớn nhất theo chiều hướng tích cực của Lâm Đồng trong những năm vừa qua chính là hạ tầng giao thông. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cũng như mở rộng những cung đường quan trọng đã giúp cho Lâm Đồng kết nối được đến nhiều điểm mối quan trọng của khu vực phía Nam và các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Đường bộ nối liền trực tiếp với Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Điều này đã giúp cho Lâm Đồng chỉ còn cách cảng Cam Ranh 100 km; cảng Thị Vải, cảng Cái Mép (Bình Dương) và cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) 300 km. Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương cũng là điểm đến của nhiều hãng bay thương mại trong nước với nhiều điểm đến khác nhau trong và ngoài nước.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đặc biệt là hệ thống cao tốc giúp Lâm Đồng kết nối được đến nhiều điểm mối quan trọng của khu vực phía Nam và các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước

Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đặc biệt là hệ thống cao tốc giúp Lâm Đồng kết nối được đến nhiều điểm mối quan trọng của khu vực phía Nam và các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước

Theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng: “Lâm Đồng luôn sẵn lòng rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, những doanh nhân Singapore, Malaysia đến tìm kiếm cơ hội và hợp tác giao thương. Ngành công thương Lâm Đồng cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các đối tác của hai nước Singapore, Malaysia, qua đó trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản - thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối chính của hai nước”.

Trong lộ trình phát triển của mình, Lâm Đồng cũng là địa phương luôn mong muốn nhu cầu kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, nhà ở công nhân. Đặc biệt, là xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản mà Lâm Đồng có thế mạnh (với vùng nguyên liệu dồi dào và lực lượng lao động trẻ có trình độ) như rau, củ quả, chè, cà phê, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng và dệt may...

Không dừng lại ở đó, hiện tại, Lâm Đồng cũng đang cần có những nhu cầu hợp tác về thương mại như tìm kiếm nhà nhập khẩu, phân phối tại Singapore và Malaysia. Tìm kiếm đối tác để hợp tác liên doanh cùng kinh doanh, vận hành, quản lý, đầu tư cho dự án doanh nghiệp tại Việt Nam; tìm kiếm nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vốn, giống cây trồng, giống vật nuôi, giải pháp bảo quản, giải pháp chế biến. Ngoài ra, các nhu cầu về hợp tác thương mại khác như nhượng quyền, cấp phép, mua bán sáp nhập, nghiên cứu triển khai cũng được Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.

Lâm Đồng đứng thứ hai về sản xuất cà phê; trong đó, đặc biệt là các dòng cà phê đặc sản

Lâm Đồng đứng thứ hai về sản xuất cà phê; trong đó, đặc biệt là các dòng cà phê đặc sản

Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng khẳng định: “Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất chè, rau, hoa chất lượng cao; đứng thứ hai về sản xuất cà phê; chiếm tỷ trọng đáng kể về các sản phẩm như dâu tằm tơ, hạt điều. Lâm Đồng cũng là nơi có thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, sản xuất công nghiệp phát triển theo đúng định hướng, tập trung triển khai các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản”.

Theo bà Đỗ Phương Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi (Bộ Công thương) thì nông sản Lâm Đồng hoàn toàn có lợi thế khi xâm nhập thị trường Singapore và Malaysia với các mặt hàng tiềm năng như rau, quả (chanh leo, quả bơ, dứa, hạt điều, trà và cà phê), cũng như các mặt hàng thực phẩm chế biến như sữa, nước ép trái cây; thực phẩm thay thế (thịt từ thực vật, đồ chay); thực phẩm chức năng (trà thảo dược, thuốc bắc); thức ăn chế biến sẵn (đồ hộp, đóng gói, đồ ăn liền) và nhóm nguyên liệu trung gian để chế biến sâu thực phẩm (bột ớt, bột bắp, bột mì) cùng với đó là nhóm sản phẩm có chứng chỉ Halal (thực phẩm và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi giáo).

(Còn tiếp)

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202110/co-hoi-de-lam-dong-tro-thanh-doi-tac-nong-nghiep-cua-singapore-va-malaysia-bai-1-3086265/