Cơ hội đến dồn dập, có người yêu sau khi nâng mũi
Từng phải phẫu thuật để sửa lại do biến chứng thẩm mỹ nhưng Thảo My, Ngọc Nhi không hối hận. Họ cho rằng nhờ làm đẹp đã nhận được nhiều cơ hội tốt hơn và đây là sự đầu tư xứng đáng.
Hơn 4 năm trước, Phan Thảo My lúc này mới 20 tuổi, đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên. Với cô đây là một sự kiện lớn trong cuộc đời.
Nâng mũi từ năm 18 tuổi
"Từ khi còn học phổ thông, tôi đã suy nghĩ về việc sẽ nâng mũi. Tôi luôn để tóc mái ngố, đeo kính cận dày, da nhiều mụn đỏ cộng thêm chiếc mũi thấp, to bè khiến tôi rất tự ti", My tâm sự.
Lên đại học, dù đã năng nổ hoạt động ngoại khóa, chăm sóc ngoại hình, Thảo My vẫn luôn có cái nhìn tiêu cực với bản thân. Ở môi trường mới, cô được tiếp xúc với bạn bè từ khắp nơi, nỗi "sợ xấu" và thiếu tự tin lại càng tăng lên.
Tháng 3/2020, sau thời gian dài tìm hiểu, "ăn nằm" trong các hội nhóm làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, My quyết tâm "dao kéo' tại một bệnh viện tư ở Hà Nội. Cô chọn phương pháp nâng mũi sụn tự thân với giá 35 triệu đồng.
Thời gian sau làm mũi, Thảo My nhận được nhiều lời khen về ngoại hình, góc nghiêng sắc sảo hơn. Cô nàng dần tự tin hơn. Tuy nhiên, càng về sau, mũi My gom dáng, không cao như mong muốn, cô lại lên kế hoạch nâng mũi lần 2.
Tháng 2/2022, My tiếp tục chi 65 triệu đồng để làm mũi lần 2 tại một bệnh viện tư khác. Lần này, cô gái 22 tuổi quyết định nâng mũi bằng sụn nhân tạo để giữ dáng mũi lâu nhất có thể. Ngoài nâng mũi, Thảo My cũng tiêm filler để cân chỉnh gương mặt hơn so với trước đây.
Với My, lần thay đổi này không chỉ giúp ngoại hình thăng hạng mà còn mang lại nhiều cơ hội đến với cô. Nâng mũi khiến cô gái 24 tuổi tự tin trong giao tiếp, các mối quan hệ xung quanh vì thể được mở rộng, cuộc sống cũng dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, với My, ngoại hình chỉ là tấm vé ưu tiên. Từ ngày có ngoại hình dễ nhìn, cô có thêm áp lực phải rèn giũa bản thân trở thành phiên bản tốt hơn.
"Từ ngày làm mũi, cuộc sống tôi thuận lợi hơn hẳn, từ công việc đến tình cảm. Gần đây, trong quá trình ứng tuyển làm việc tại ngân hàng, mình may mắn khi nhờ ngoại hình mà đậu những vòng đầu tiên. Khi đi làm, mình cũng được nhiều đồng nghiệp giúp đỡ hơn", Thảo My thừa nhận.
Cũng trải qua 2 lần làm mũi như Thảo My, Ngọc Nhi (26 tuổi, TP.HCM) cho biết lần đầu tiên phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2021. Cô đã thực hiện nâng mũi sụn sinh học và cắt mí.
Từ một cô gái có đôi mắt lờ đờ, ngoại hình mờ nhạt, gương mặt Ngọc Nhi thay đổi rõ rệt với "cửa sổ tâm hồn" tinh anh, to tròn và sống mũi cao. "Đó cũng là lý do chồng hồi ấy để ý mình. Anh thừa nhận bị góc nghiêng của mình 'hớp hồn' trong lần gặp đầu tiên" cô chia sẻ.
Thẩm mỹ giúp tôi có cơ hội tốt về tình cảm và công việc. Tôi nghĩ đó là một sự đầu tư xứng đáng cho tương lai
Ngọc Nhi (26 tuổi, TP.HCM)
Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, mũi của Nhi bị nhiễm trùng, phải phẫu thuật tháo sụn.
"Tôi đã bật khóc khi nghe bác sĩ thông báo sụn bị tụt xuống phần đầu, mũi bị viêm nặng, không đảm bảo nâng mũi ngay. Trong 6 tháng chờ vết thương lành lại, tôi bị trầm cảm nhẹ. Từ một người hoạt bát, vui vẻ, tự tin, tôi dần ít nói, khép mình, công việc vì thế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ", cô gái trẻ tâm sự với Tri Thức - Znews.
Sau đó, Nhi xin nghỉ việc, gần như chỉ nhốt mình trong nhà và không gặp người lạ. Cuối năm 2022, cô nâng mũi lần 2. Rút kinh nghiệm, Nhi tìm hiểu rất kỹ trước khi lên bàn mổ. Sau nâng mũi, cô dần khôi phục được sự tự tin trước đó.
"Thẩm mỹ giúp tôi có cơ hội tốt về tình cảm và công việc. Tôi nghĩ đó là một sự đầu tư xứng đáng cho tương lai. Thế nhưng, từ sự cố thẩm mỹ, tôi cũng trưởng thành hơn. Tôi nên sống tích cực hơn, biết chấp nhận, chờ đợi và tìm hiểu thông tin trước khi quyết định làm gì đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe", Nhi bày tỏ.
Tìm hiểu kỹ để không hối hận
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ Hoàng Hồng, Phụ trách khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay hiện nay không hiếm những bạn trẻ có nhu cầu làm đẹp sớm, thậm chí khi mới 15-16 tuổi. Việc thẩm mỹ sớm sẽ không trở thành "thảm họa" nếu được chỉ định bởi chuyên gia nhiều kinh nghiệm và thực hiện ở cơ sở y tế uy tín.
Ông cho rằng một bác sĩ giỏi, chuyên môn tốt sẽ sẽ tư vấn cho bệnh nhân có nên can thiệp "dao kéo" hay không, thực hiện ở mức độ nào.
"Bệnh nhân được chỉ định đúng, hợp lý sẽ có kết quả tốt. Lựa chọn được đúng chuyên gia, phương pháp rất quan trọng. Bởi khi chỉ định sai, quá mức, hay bác sĩ không đúng chuyên ngành thực hiện sẽ có nhiều rủi ro, không hiệu quả', bác sĩ Hoàng Hồng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ phụ thuộc vào nhận thức và mức độ tìm hiểu thông tin mỗi người. Bác sĩ Hoàng Hồng cho hay ông từng chứng kiến một trường hợp làm trong ngành y, là bác sĩ, vẫn tin vào lời quảng cáo trên mạng, đến thẩm mỹ ở cơ sở không uy tín nên xảy ra biến chứng.
"Ngược lại, không ít bạn còn trẻ tuổi nhưng tìm hiểu rất kỹ lưỡng, phẫu thuật này gì, ai sẽ làm.... Tuy nhiên, ở những bệnh nhân nhỏ tuổi, đa số kiến thức còn hạn hẹp, chưa va chạm với thẩm mỹ nên rất dễ bị dụ dỗ đến những cơ sở làm đẹp không an toàn. Vì vậy, tỷ lệ người trẻ thẩm mỹ bị biến chứng cao hơn", bác sĩ Hồng chia sẻ thêm.
Theo ông, phẫu thuật thẩm mỹ không có quy định được thực hiện từ bao nhiêu tuổi nhưng nên áp dụng khi cơ thể đã ổn định, trên 18 tuổi, thể trạng tốt. Người thẩm mỹ cũng cần nhận thức được rõ bản thân thực sự mong muốn gì. Bác sĩ có chuyên môn tốt sẽ đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, chỉ làm khi có sự thay đổi tích cực cho người bệnh, tránh rủi ro hay hối hận về sau.