'Có Hội đồng trường nhưng thành viên đa số là người của hiệu trưởng'

Hiện tượng này là một trong những điểm nghẽn được bà Lưu Bích Ngọc nêu tại tọa đàm 'Tự chủ đại học - Cơ hội nào để phát triển?' do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/7.

Hơn 10 năm qua, tự chủ đại học được nhắc đến rất nhiều như một xu hướng tất yếu, một yêu cầu phát triển, thậm chí là một giải pháp để giáo dục đại học Việt Nam bắt nhịp với thế giới. Song đến nay, phần lớn các trường vẫn loay hoay bởi có quá nhiều vướng mắc, nhất là được trao một phần quyền, nhưng vẫn ràng buộc nhiều mặt. Tự chủ thực chất hay chỉ là hình thức vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuân.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Dương Tuân.

PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng việc triển khai tự chủ đại học chuyển biến chậm do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, xã hội và chính các cơ sở đại học thời gian qua đã hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. “Nhà nước ban hành chủ trương chính sách là tăng cường tự chủ đại học nhưng lại cắt đầu tư ngân sách, điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục phải tự lo”, bà Ngọc nói.

Nguyên nhân thứ hai theo bà Ngọc là tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền lực, điều hành, quản lý. “Các cơ sở đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa Hội đồng trường, Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường, dẫn đến không hiệu quả trong điều hành nội bộ”, bà Ngọc nói.

Điểm thứ ba là cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. “Khi tự chủ, cơ sở đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên giữa các luật này lại chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự ‘đâm ngang’ nhau. Tựu chung lại, sự thiếu đồng bộ về cơ chế đã khiến các cơ sở đại học ‘bó chân, bó tay’ khi thực hiện tự chủ”, bà Ngọc nói.

GS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, để thực hiện tự chủ thực chất, điều rất quan trọng là phải xác định rõ từ hai phía, đó là cơ quan quản lý được làm gì và phía nhà trường, đặc biệt là những người đứng đầu được phép làm gì. “Nếu chúng ta làm được như thế, tự chủ đại học mới đúng nghĩa và sẽ không còn cơ chế xin - cho trong điều kiện hiện nay”, ông Yêm nói.

GS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Dương Tuấn.

GS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP/Dương Tuấn.

Để thúc đẩy tự chủ đại học trong giai đoạn hiện nay, bà Ngọc cho rằng đây là bài toán khá khó. Theo bà, cần nghiên cứu lại cơ chế “tinh - gọn - mạnh” trong quản trị nhà trường ở các cơ sở giáo dục đại học công lập, bởi có rất nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ.

Đó là tính hình thức trong thiết kế và vai trò của Hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. “Mặc dù chúng ta thiết kế có hội đồng trường, nhưng số lượng thành viên trong hội đồng đa số vẫn là những ‘người của hiệu trưởng’. Đó là các vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà trường, của các khoa, phần lớn vẫn dưới sự điều hành của hiệu trưởng”, bà Ngọc nói.

Thứ hai, hội đồng trường có mời các doanh nghiệp, tập đoàn làm thành viên. Tuy nhiên với nhiệm vụ mang tính chất kiêm nhiệm, tính gắn kết đang thiếu để có thể đi sâu vào và có những hỗ trợ, tham mưu cho các quyết sách của hội đồng trường các cơ sở đại học công lập.

“Vì vậy, quyền lực lãnh đạo và quyền lực quản lý chưa được phân định rõ ràng giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Do đó, khiến giảm động lực đẩy mạnh tự chủ và đổi mới. Khúc mắc này cần được tháo gỡ”, bà Ngọc nói.

Ngoài ra, bà Ngọc cũng nhắc đến tính chồng chéo, thiếu hiệu quả khi thiết lập hội đồng trường giữa hội đồng đại học và hội đồng trường thành viên ở mô hình ĐH quốc gia, đại học vùng. “ĐH quốc gia, ĐH vùng là những đại học dẫn dắt nhưng trong cơ chế quản trị dường như đang có những điều thiếu hiệu quả khi có 2 cấp hội đồng. Đã đến lúc, cần phải suy xét xem có nên có một mô hình quản trị mới đối với tự chủ đại học hay không. Ví dụ có thể xem xét để cho các đại học công lập được tự chủ hoạt động theo mô hình quản trị tương tự như mô hình quản trị của doanh nghiệp hay tập đoàn", bà Ngọc nói.

GS Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, muốn đổi mới giáo dục đào tạo cũng phải có một quan niệm mới, tư duy mới về người thầy giáo. "Thầy giáo ngày nay không chỉ cần giỏi về dạy học, nghiên cứu khoa học mà còn phải giỏi về thực tiễn. Đội ngũ giảng viên không chỉ là kiêm chức, phải tham gia vào công tác quản lý, tổ chức giảng dạy. Những nơi dạy về kinh tế phải có sự tham gia của các nhà hoạt động kinh tế, các giám đốc doanh nghiệp dạy cho các em cách làm giàu. Thầy giáo không biết cách tự làm giàu cho mình thì không thể đi dạy người khác làm giàu được, đây là một thực tiễn", ông Yêm nói.

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-hoi-dong-truong-nhung-thanh-vien-da-so-la-nguoi-cua-hieu-truong-2420691.html