Cơ hội đưa khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường thành hiện thực

Tại Phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội sáng qua, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung rất khó, chưa từng có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đây cũng là cơ hội để đưa những khát vọng, những định hướng lớn về xây dựng nước Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường trong nửa đầu thế kỷ XXI thành hiện thực.

Phải khả thi, hiệu quả

Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Quy hoạch tổng thể quốc gia (sau đây gọi là Quy hoạch - PV) như một "người lính" đi mở đường, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Do vậy nhiệm vụ đặt ra đối với Quy hoạch này là phải khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá và phải giám sát, kiểm tra được quá trình thực hiện. Theo đó, việc xác định các nội dung của Quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng, chiến lược rõ ràng, cụ thể, không mâu thuẫn. Quy hoạch phải tổng hợp, có chọn lọc các định hướng để phát triển đất nước, không phải là tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

"Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể, mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu, các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Cho rằng, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đang đưa ra hai kịch bản tăng trưởng với những con số quá chi tiết, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn chứng: Kịch bản tăng trưởng thấp, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt bình quân 6,3%/năm cho cả giai đoạn 2021 - 2030 và 6,5%/năm cho giai đoạn 2031 - 2050. Việt Nam đạt nước có thu nhập cao vào năm 2045. Kịch bản cao (kịch bản phấn đấu), dự kiến, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7%/năm cho cả giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.

"Nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045, nước ta có mức thu nhập cao thì rõ ràng phải chọn phương án tăng trưởng cao, nhưng nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế - xã hội thời gian qua thì tính khả thi không cao. Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế việc phải điều chỉnh, vì vậy, không nên đưa những con số quá cụ thể", đại biểu Hà Sỹ Đồng nói. Trên tinh thần này, đại biểu đề xuất, để bảo đảm tính khả thi cao hơn thì Quy hoạch không cần quá nhiều con số chi tiết như GDP và thu nhập bình quân đầu người, mà cần đạt được tính khái quát cao hơn, ưu tiên các mục tiêu không gian phát triển quốc gia được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên kết vùng và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như quan điểm được nêu tại dự thảo Nghị quyết.

Khắc phục tình trạng cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính

Liên quan đến nội dung định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho biết, Báo cáo của Chính phủ mới đề cập đến định hướng và nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng những nội dung cụ thể trong liên kết vùng. Đại biểu đề nghị, cần xây dựng cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng, có cơ chế điều phối quản trị vùng, nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, làm rõ mối liên kết giữa các vùng với trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu quan điểm, phát triển vùng và liên kết vùng cần chú trọng tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương; nhất quán về quan điểm, tầm nhìn, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của từng vùng. Hiện trong dự thảo mới chỉ có chỉ tiêu về kinh tế phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia và quy hoạch vùng. Đại biểu đề nghị nên bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả, là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030; đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về liên kết nội vùng, liên kết giữa các vùng không chỉ về giao thông mà còn về phát triển công nghiệp, chế tạo, dịch vụ logistics, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số theo hướng phát huy tối đa các lợi thế vượt trội, đặc trưng của từng vùng, miền.

Lưu ý hạn chế trong liên kết vùng vừa qua là tình trạng cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính, tổ chức điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị, phải xác định rõ những hạn chế, yếu kém này để khắc phục, từ đó xây dựng cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng làm căn cứ cho những quy hoạch khác, bảo đảm phát triển mang tính bền vững, bao trùm.

Khó, phức tạp, chưa từng có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, các đại biểu khẳng định, đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về phát triển đất nước thành quốc gia hùng cường trong nửa đầu thế kỷ XXI thành hiện thực.

Phiên thảo luận sáng qua, đã có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 16 đại biểu Quốc hội chưa phát biểu do hết thời gian thảo luận về Quy hoạch. Các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn kinh nghiệm công tác của mình đã đóng góp tâm huyết, trách nhiệm nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch. Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và tại phiên thảo luận tổ, khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/co-hoi-dua-khat-vong-xay-dung-nuoc-viet-nam-hung-cuong-thanh-hien-thuc-i313621/