Cơ hội đưa mai vàng Bình Định vươn xa
Mai vàng Bình Định vừa được cấp Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Bản đồ vùng địa danh bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng gồm 7 huyện, thị xã, thành phố.
Ngày 3/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Mai vàng Bình Định” theo Quyết định số 19/QĐ-SHTT ngày 25/1/2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo Vietnam+, chỉ dẫn địa lý “Mai vàng Bình Định” có những tính chất, chất lượng đặc thù như đối với mai giảo, dấu hiệu phân biệt với các địa phương khác là có dáng long, hình chóp cành lá thưa hơn cúc (khối hình thóp, tán tứ diện); cụm rễ nổi u và màu sắc nâu đậm; thân khi nổi xù xì, u cóc, lồi sẹo, uốn lượn, hình tròn, xoắn ốc đi lên ngay từ gốc; các chi lá ngang, nhánh chủ thẳng đứng (nằm theo mặt phẳng, đều 4 hướng).
Tán chi dạng bánh, tán lá ngang (cành tán nằm ngang); màu đỏ tía trên đọt non hay lộc đỏ (dày mướt, hơi nhăn); lá xanh đậm, cứng cáp, răng cưa. Nụ hoa tròn nhọn đầu, to tròn-nhọn tròn, tròn dài, nhọn đầu; bông hoa tròn đều, nở rộng, vàng tươi, vàng sáng; hương nhẹ, mai hương thơm đậm dễ chịu; đài hoa xanh nhạt, vàng đậm. Cánh hoa vàng tươi, vàng nghệ; nhị hoa thân xanh nhạt, bao phấn màu vàng; nhụy hoa xanh nhạt…
Đối với cúc mai có dáng long, hình chóp, cành lá dày hơn mai giảo; ngọn và đầu cành lộc đỏ, mềm mướt; lá xanh đậm, dày tán hơn. Nụ hoa to tròn đầu, thon tròn, đỉnh tròn; nụ hoa tròn, cụm, cao dày, có tầng, lép; có màu vàng tươi, vàng đậm hơn mai giảo.
Đài hoa xanh nhạt, xanh vàng, nhạt hơn mai giảo; nhị hoa xanh nhạt, bao phấn nâu đậm (vàng nhạt hoặc đỏ nâu)…
Logo “Mai vàng Bình Định” có 3 màu chủ đạo: màu xanh biển và màu vàng nhạt, vàng và vàng đậm, phông chữ BÌNH ĐỊNH của logo là phông chữ kiểu UTM facebook K&T, màu xanh đậm. Bản đồ vùng địa danh bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng bao gồm 7 huyện, thị xã, thành phố: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trồng và kinh doanh sản phẩm cây mai vàng trên địa bàn huyện, thị xã và thành phố của tỉnh thực hiện các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Định.
Đồng thời, cung cấp thông tin về chỉ dẫn địa lý Bình Định cho cây mai vàng nhằm minh bạch hóa thông tin và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, uy tín cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện kiểm tra, khiếu nại về vi phạm sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Định trên thị trường.
Bình Định là địa phương có thổ nhưỡng và khí hậu khác biệt với các địa phương khác trong cả nước, rất thích hợp cho cây trồng nhiệt đới nói chung và cây mai vàng nói riêng.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, đặc trưng nổi trội của mai vàng Bình Định là phương pháp canh tác của người trồng mai cảnh ở tỉnh này hoàn toàn khác biệt so với mai cảnh trồng ở nhiều địa phương khác. Ví như mai ở miền Nam, hoặc gần nhất là mai cảnh của tỉnh láng giềng Phú Yên chủ yếu trồng để chơi hoa; cành, nhánh cây mai để phát triển tự nhiên chứ không được uốn, tạo dáng như mai cảnh trồng ở Bình Định.
Mai cảnh ở Bình Định được chủ nhà vườn chăm chút từ khi xuống giống. Cây mai được các nghệ nhân “thổi hồn” vào bộ đế (gốc mai) đến dáng, thế (cành, nhánh). Để có được những cây mai ưng ý, giờ làm việc của những hộ trồng mai ở Bình Định là từ 3-4h sáng đến 6-7h tối gồm các công đoạn tưới, nhọc công nhất là công đoạn tạo dáng.
Mỗi cây mai cảnh ở Bình Định là một tác phẩm nghệ thuật, được người trồng đầu tư không chỉ công sức mà cả trí tuệ vào đó. Ngoài chịu thương chịu khó, người trồng mai cảnh ở miền đất võ Bình Định còn phải có óc thẩm mỹ mới tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật chinh phục người tiêu dùng.
Đặc biệt, mai vàng Bình Định do sống trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên có sức sống rất mãnh liệt. Ngay cả da của cây mai Bình Định cũng khác với cây mai ở các vùng khác, sần sùi chứ không trơn láng như mai trồng ở miền Nam. Ngoài nét độc đáo của gốc mai; các chi, nhánh của cây mai cũng được tạo dáng, thế “tứ diện”; là các cành mai quây tròn, xòe đều, kín theo chiều kim đồng hồ. Còn mai của các địa phương khác cành nhánh cứ để phát triển tự nhiên, um tùm chứ không có dáng, thế như mai Bình Định. Kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân trồng mai cảnh ở Bình Định đã tạo ra sự khác biệt của cây mai, sự khác biệt này đã làm nên giá trị của từng tác phẩm mai vàng Bình Định.
Theo nghệ nhân Phan Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định), làng Háo Đức thuộc xã Nhơn An là nơi sản sinh ra cây mai vàng Bình Định. Vào năm 1980, cụ Đặng Văn Lang, một người dân trong xã ươm trồng cây mai vàng trong sân nhà để thưởng ngoạn. Cụ Lang chính là người khởi nguồn, hình thành nên làng nghề trồng mai cảnh Nhơn An; sau đó lan rộng ra các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ và 5 phường Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Đập Đá và Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) với hàng ngàn hộ dân tham gia, trồng hơn 2 triệu chậu mai các loại trên diện tích 145ha.
Từ giống mai 5 cánh khai thác ở các vùng núi, sau đó được các nghệ nhân Bình Định lai tạo ra mai giảo và cúc mai hiện nay. Sau quá trình cải tiến, hiện nay hình thức hoa mai của Bình Định đã có thay đổi, nhưng nguồn gốc, xuất xứ vẫn là giống mai bản địa. Đặc biệt, các nghệ nhân ở xã Nhơn An còn chọn những giống mai tốt làm cây đầu dòng để nhân giống và gìn giữ nguồn gen.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, lấy ví dụ từ trà Shan Tuyết ở miền núi phía Bắc để nêu viễn cảnh tươi sáng của mai vàng Bình Định sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Rằng, sau khi trà Shan Tuyết được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị tăng lên gấp mấy chục lần so với trước đó. Bởi lúc này trên thị trường không còn nhập nhằng giữa sản phẩm trà Shan Tuyết không có nguồn gốc và sản phẩm trà Shan Tuyết chính hiệu.
“Phạm vi chỉ dẫn địa lý của mai vàng Bình Định là toàn tỉnh. Trong thời gian tới đây, ngoài các địa phương trồng nhiều mai cảnh như thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát; những huyện, thị còn lại nếu đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chăm sóc từ ươm giống đến tạo dáng cho bộ đế và dáng, thế đến khi cây mai được 5 năm tuổi, thì cũng sẽ được mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý khi đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với báo Công Thương, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm "Mai vàng Bình Định" là một bước đột phá mở ra nhiều cơ hội cho người trồng mai trong tỉnh. Đây là hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ cao nhất cho các sản phẩm có tính đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương tính chủ động, nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhóm nghiên cứu với chính quyền và ngành chức năng thị xã An Nhơn trong việc chứng minh sự khác biệt của "Mai vàng Bình Định" so với mai trồng ở các địa phương khác, khẳng định "Mai vàng Bình Định" hội tụ những yếu tố đặc thù của địa phương để đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, ông Lâm Hải Giang cho rằng, xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý là quan trọng, nhưng mới chỉ là bước đầu. Để quản lý, phát huy giá trị chỉ dẫn địa lý trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Cục Sở hữu trí tuệ, triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì và phát triển thương hiệu "Mai vàng Bình Định", đưa thương hiệu này xứng đáng là thương hiệu mạnh của quốc gia.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-hoi-dua-mai-vang-binh-dinh-vuon-xa-a648864.html