Cơ hội giải mã những bí ẩn của Mặt trăng
Việc Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga - 6 có thể mở ra cơ hội mới đối với những nỗ lực khoa học trong giải mã toàn bộ bí ẩn liên quan đến Mặt trăng.
Khi tàu vũ trụ Hằng Nga - 4 hạ cánh xuống miệng núi lửa Von Karman vào ngày 3-1-2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất “đặt chân” đến phía xa, hay còn gọi là vùng tối đầy bí ẩn của Mặt trăng. Giờ đây, quốc gia này đang thực hiện một sứ mệnh khác, với mục tiêu thu thập những mẫu đầu tiên tại vùng tối.
Ngày 3-5, tàu vũ trụ Hằng Nga - 6 đã được phóng từ trung tâm vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam, dự kiến dành 53 ngày khám phá lưu vực Nam Cực - Aitken - miệng núi lửa lớn nhất và lâu đời nhất trên Mặt trăng, trải dài gần 1/4 bề mặt với đường kính khoảng 2.500km và miệng hố va chạm sâu hơn 8km.
Các nhà khoa học kỳ vọng, việc đưa các mẫu vật về Trái đất sẽ giúp trả lời những câu hỏi về vùng tối đầy bí ẩn và xác nhận nguồn gốc của Mặt trăng.
Lý Xuân Lai, Phó Giám đốc Thiết kế của Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết: “Phía xa của Mặt trăng rất khác so với phía gần. Về cơ bản, khu vực này gồm lớp vỏ mặt trăng cổ đại và vùng cao nguyên với rất nhiều câu hỏi khoa học chờ giải đáp”.
Phía xa của Mặt trăng có vẻ tối theo quan điểm thông thường. Thực tế, khu vực này nhận được nhiều ánh sáng, trải qua ngày và đêm âm lịch giống như phía gần. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), một ngày âm lịch kéo dài hơn 29 ngày, trong khi đêm âm lịch dài khoảng 2 tuần. Ngoài ra, phía xa của Mặt trăng khó nghiên cứu hơn, dẫn đến biệt danh "vùng tối" đầy bí ẩn.
Năm 2019, rô bốt tự hành Ngọc Thố - 2 của Trung Quốc đã khám phá các trầm tích đá và bụi vụn rải rác trên miệng núi lửa Von Karman nằm trong lưu vực Nam Cực - Aitken.
Vào năm 1959, Liên Xô đã cử một tàu thăm dò bay qua phía xa của Mặt trăng và chụp được những hình ảnh đầu tiên về khu vực này.
“Chúng tôi thấy bán cầu này hoàn toàn khác: Không bị bao phủ bởi dòng dung nham núi lửa lớn, lỗ chỗ các miệng hố, lớp vỏ dày hơn”, CNN dẫn lời ông Noah Petro.
Nhà khoa học này cũng nhận định, việc thu thập các mẫu vật và đưa con người đến gần điểm chuyển tiếp giữa hai vùng Mặt trăng ở cực Nam thông qua Artemis III - sứ mệnh đưa con người lên Mặt trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972, “sẽ giúp kể câu chuyện đầy đủ hơn về lịch sử Mặt trăng”.
Mặc dù các nhà khoa học hiểu tại sao một mặt của Mặt trăng luôn hướng về Trái đất nhưng họ cũng không thể lý giải nguyên nhân khiến mặt này vĩnh viễn hướng về hành tinh của chúng ta.
Renu Malhotra, Khoa học Hành tinh tại Đại học Arizona (Mỹ) cho rằng, nguyên nhân có thể liên quan đến tính bất cân xứng giữa phía xa và phía gần của Mặt trăng nhưng bản chất của vấn đề này đến nay vẫn là câu hỏi lớn.
Một trong những câu hỏi cơ bản nhất mà các nhà khoa học cố gắng trả lời là sự hình thành của Mặt trăng. Lý thuyết phổ biến là một loại vật thể nào đó tác động đến Trái đất đã dẫn đến sự “ra đời” của Mặt trăng.
Các nhà khoa học cũng muốn tìm hiểu quá trình tạo nên lớp vỏ ban đầu của Mặt trăng. Theo CNN, dòng chảy núi lửa tạo ra những mảng tối trên Mặt trăng, trong khi những phần sáng hơn của bề mặt tượng trưng cho lớp vỏ nguyên thủy.
Giáo sư Renu Malhotra đánh giá, chuyến thám hiểm lưu vực Nam Cực - Aitken có thể là bước khởi đầu để giải đáp vô số bí ẩn về Mặt trăng. Trong khi các nhà nghiên cứu tin rằng họ có ý tưởng về thời điểm miệng núi lửa này hình thành, có thể từ 4,3 tỷ đến 4,4 tỷ năm trước, thì việc thu thập các mẫu đá có thể cung cấp thông tin chính xác về độ tuổi.
“Nếu xác định được tuổi của lưu vực Nam Cực - Aitken, chúng ta sẽ giải mã được mọi bí ẩn về lịch sử của Mặt trăng”, giáo sư Renu Malhotra nhận định.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-hoi-giai-ma-nhung-bi-an-cua-mat-trang-665379.html