'Cơ hội hai chiều' cho doanh nghiệp Anh và Việt Nam khi Anh gia nhập CPTPP

Việc Anh gia nhập CPTPP mở ra 'cửa ngõ' cho doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới và đẩy mạnh 'dòng vốn đầu tư' từ Vương quốc Anh vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, y tế, giáo dục…

Hội thảo "Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Điều doanh nghiệp cần biết về thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công & di chuyển thể nhân" do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM

Hội thảo "Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Điều doanh nghiệp cần biết về thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công & di chuyển thể nhân" do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM

Vừa qua tại TP.HCM, đã diễn ra hội thảo "Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Điều doanh nghiệp cần biết về thương mại dịch vụ, đầu tư, mua sắm công & di chuyển thể nhân" do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức.

Bà Alexsandra Smith, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM

Bà Alexsandra Smith, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM

Phát biểu tại hội thảo, bà Alexsandra Smith, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM, đã chia sẻ những lợi ích mà Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho nền kinh tế hai quốc gia trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, đặc biệt là công nghệ.

THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ VÀO CÔNG NGHỆ VÀ CÁC LĨNH VỰC MỚI NỔI

Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số. Theo báo cáo từ Google, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng 31% vào năm 2025. Thêm vào đó, Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu nhân viên trong ngành công nghệ thông tin, tạo ra một nguồn lực dồi dào cho các doanh nghiệp công nghệ quốc tế.

Theo bà Alexsandra Smith, CPTPP là một hiệp định toàn diện bao gồm những điều khoản mạnh mẽ để tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ, thúc đẩy “dòng chảy đầu tư” và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Một trong những điểm nhấn của CPTPP là các điều khoản về thương mại số, thương mại điện tử và dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, mở ra cơ hội cho các công ty công nghệ Anh gia nhập vào nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Trong khi đó, Vương Quốc Anh cũng là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu dịch vụ tài chính, với giá trị xuất khẩu lên tới gần 89 tỷ bảng Anh trong năm 2022. Hiện tại, Anh đang hỗ trợ Việt Nam thiết kế các trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Từ đó, các lĩnh vực khác như giáo dục và y tế cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là thông qua các cơ hội hợp tác trong “lĩnh vực mới nổi” như FinTech, EdTech, và HealthTech.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nhận định trong giai đoạn đầu phát triển, các quốc gia chủ yếu tập trung vào thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, dịch vụ, đặc biệt ngành có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GDP, trong khi Việt Nam và khu vực lân cận lại chưa chú trọng vào lĩnh vực này.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Chính vì thế, CPTPP đang mở ra những “cơ hội 2 chiều” cho các doanh nghiệp Việt Nam và Anh. Cụ thể, tạo điều kiện cho việc thành lập các cơ sở giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ y tế, tài chính của Anh tại Việt Nam. Đồng thời, các cam kết về tiếp cận thị trường, dịch vụ và đầu tư, cũng như khuôn khổ pháp lý sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự hợp tác dài hạn giữa hai quốc gia. Từ đó, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế, kết nối với các thị trường quốc tế.

CPTPP MANG LẠI LỢI ÍCH KINH TẾ CHO VIỆT NAM

Theo bà Olivia Herford, Trưởng Ban thực thi CPTPP, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, CPTPP không thay thế hiệp định thương mại tự do song phương mà Vương quốc Anh đã ký kết trước đó với Việt Nam mà chỉ bổ sung thêm các điều khoản mới, mang lại nhiều lựa chọn về thương mại, đồng thời giảm chi phí và thủ tục hành chính.

Bà Olivia Herford, Trưởng Ban thực thi CPTPP, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh

Bà Olivia Herford, Trưởng Ban thực thi CPTPP, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh

Thứ nhất, lần đầu tiên các quy định về chữ ký điện tử và dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới được đưa vào trong một hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Điều này giúp thúc đẩy nhanh chóng các giao dịch và giảm bớt các thủ tục hành chính, đồng thời bảo vệ các sản phẩm số và quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến.

Thứ hai, về nhập cảnh tạm thời. CPTPP mở rộng thời gian lưu trú cho các chuyên gia và nhà cung cấp dịch vụ, cũng như cho phép họ mang theo gia đình, tạo điều kiện thuận lợi hơn khi làm việc tại Việt Nam. Ví dụ nếu như trước đây thời gian lưu trú chỉ từ 6 tháng thì hiện tại đã có thể kéo dài tới 3 năm.

Thứ ba, CPTPP bảo vệ quyền lợi và đảm bảo việc đối xử công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bao gồm các quy định về dòng vốn tự do, cơ chế giải quyết tranh chấp, tạo sự minh bạch và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Tất cả những quy định về thuế quan ưu đãi và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu trong CPTPP đã được cập nhật tại trang web great.gov.uk.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), để đạt được kết quả đáp ứng đúng kì vọng của doanh nghiệp hai bên thì cần có một chữ “duyên”.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

“Cái duyên tôi muốn nói đến là trong trao đổi quan hệ giữa Việt Nam và Anh, may mắn trong số 3 FTA thế hệ mới của Việt Nam (EVFTA, CPTPP, UKVFTA), có tới hai FTA thế hệ mới có cam kết ở mức độ cao nhất mà Việt Nam đang thiết lập quan hệ thương mại với Vương quốc Anh. Hai FTA này tuy có cách tiếp cận khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau", ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định.

Ông Ngô Chung Khanh lấy ví dụ như hiệp định CPTPP, trong thương mại dịch vụ và đầu tư thường có cách tiếp cận chọn/bỏ mang tính minh bạch trong hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư. Còn đối với Hiệp định UKVFTA cũng là cách tiếp cận chọn/cho nhưng sẽ đi sâu vào những lĩnh vực mà Anh có thế mạnh. Trong đàm phán nếu kết hợp hai FTA này sẽ mang lại tiềm năng lớn về kinh doanh và đầu tư tại thị trường của nhau cho nhà cung cấp dịch vụ của Anh lẫn Việt Nam.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA DOANH NGHIỆP ANH-VIỆT

Tại phiên thảo luận, Luật sư Đào Văn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển Doanh nghiệp (VINASME), đã chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường quốc tế.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 940.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là SMEs. Tuy Anh là quốc gia đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 6,2 tỷ USD, trong khi Anh là một trong năm quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới. Đặc biệt, số lượng các dự án đầu tư từ Việt Nam sang Anh còn khiêm tốn với chỉ 15 dự án trị giá 37 triệu USD, cho thấy dư địa hợp tác giữa hai quốc gia vẫn còn rất lớn.

Với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Anh, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hạn chế về khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp như kiểm toán, tư vấn pháp lý và các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn về khí thải carbon của Anh.

Thứ hai, khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa và sử dụng lao động. Nguyên nhân là do thiếu thói quen trong việc sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính, pháp lý khiến các doanh nghiệp SMEs Việt Nam dễ gặp rủi ro khi xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực y tế và công nghệ khó khăn trong cơ chế cấp phép và kiểm tra nghiêm ngặt của Anh. Về vấn đề này, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cần cải cách chính sách để thúc đẩy môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác quốc tế.

Đồng thời, thông qua các hiệp định như CPTPP, các doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp từ Anh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.

Về phía Anh, sẽ có thuận lợi từ Luật đất đai 2024 của Việt Nam, cho phép người nước ngoài sở hữu đất và nhà ở, cũng như nhận chuyển nhượng đất để làm trang trại. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Anh và kiều bào nước ngoài đầu tư và sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam là "cửa ngõ" giúp Anh tiếp cận thị trường ASEAN, với lợi thế không bị ảnh hưởng bởi thuế quan từ Mỹ, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Anh đầu tư vào khu vực.

Một điểm sáng khác được đưa ra trong phiên thảo luận là sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực giáo dục. CPTPP tạo cơ hội nâng cao kỹ năng và chuyển giao công nghệ trong giáo dục giữa hai quốc gia. Nếu như các cơ sở giáo dục Anh đã đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy đào tạo nghề và giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp giáo dục Việt nhận thấy cơ hội hợp tác lớn, đặc biệt trong việc phát triển chương trình đào tạo quốc tế.

Tuy nhiên, đại diện các tổ chức giáo dục cho rằng cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để tạo ra cơ hội hợp tác rõ ràng và dễ dàng tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến từ Anh.

Hội thảo đã làm rõ những cơ hội và thách thức trong quan hệ kinh tế Việt Nam-Anh, mở ra triển vọng hợp tác mạnh mẽ hơn trong tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và đầu tư thông qua CPTPP.

Như Quỳnh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-hoi-hai-chieu-cho-doanh-nghiep-anh-va-viet-nam-khi-anh-gia-nhap-cptpp.htm