Cơ hội học lên đại học rộng mở với học sinh trường nghề
Một tín hiệu vui cho các học sinh học nghề là giờ đây cơ hội học lên của các em đã được rộng mở khi cơ quan quản lý nhà nước và một số đơn vị đang thúc đẩy quá trình kết nối giúp học sinh trường nghề học liên thông lên đại học.
Thí điểm liên thông đại học và học nghề và doanh nghiệp
Mới đây, tại hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức, các bên đã đi đến thống nhất, ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo lao động kỹ thuật, công nghệ.
Nhóm ngành kỹ thuật cao đang được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều (ngành công nghệ sửa chữa ô tô - Cao đẳng Cơ điện Hà Nội). Ảnh: Minh Anh
Ông Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, tầm nhìn của trường là đẩy mạnh giảng dạy các ngành kỹ thuật - công nghệ. Vì vậy, thời gian tới, ĐHQGHN ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, với mục tiêu 25% quy mô sinh viên các ngành này.
"Xu hướng thị trường lao động rất cần nhân lực các ngành kỹ thuật - công nghệ. Nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế. Vì vậy ĐHQGHN mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ" - ông Quân nói.
Từ nhận định trên các bên đã thống nhất chương trình hợp tác, đặt mục tiêu triển khai thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Khi tham gia quá trình đào tạo này các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Ông Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết, hiện nay quy mô sinh viên đại học chính quy các ngành này tại ĐHQGHN chiếm 22%. Đặc thù đào tạo các ngành liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại ĐHQGHN là điều phối nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách; chương trình đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm dùng chung.
Giai đoạn tới trường sẽ tiếp tục thực hiện tự chủ đại học, thực hiện đầu tư nhiều hơn cho các ngành kỹ thuật nhằm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới về nguồn lực chất lượng cao.
Liên kết đào tạo nhân lực đáp ứng cách mạng 4.0
Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ.
"Việc đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cũng đã chia sẻ về định hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư; hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và nước ngoài; trao đổi giảng viên, chuyên gia quốc tế…
Hiện nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012 - 2015 (Đề án 371), từ năm 2014 đến nay, Bộ LĐTBXH đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và Đức (12 nghề từ Úc, 22 nghề từ Đức).
Vừa qua Khoa Quốc tế (ĐHQGHN) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 3 trường cao đẳng thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức. Đây là bước khởi đầu trong quá trình hợp tác giáo dục đại học với giáo dục nghề nghiệp.
Ông Lê Đình Kha - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cao Thắng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập xu hướng đào tạo liên thông giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học là rất cần thiết nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động cũng như nhu cầu học tập suốt đời của các cá nhân.
Để nâng cao hiệu quả, ông Lê Đình Kha cho rằng cần đa dạng hóa hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy; các trường đại học nên công bố lộ trình tăng học phí; cần có đội ngũ hỗ trợ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người học và tư vấn hỗ trợ kịp thời nhằm hỗ trợ người học duy trì mục tiêu học tập; vận động doanh nghiệp hỗ trợ người học trong quá trình tham gia học liên thông.
Báo cáo về thị trường lao động ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, nhu cầu nhân lực của các ngành công nghiệp trọng yếu và ngành kinh tế dịch vụ chiếm trên 80% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó các ngành kĩ thuật - công nghệ chiếm tỷ trọng lớn và nằm trong "top" có nhu cầu cao nhất. Ví dụ như: trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy; xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Blockchain, Robot…