Cơ hội hợp tác mới giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Armenia
Với nền tảng chung về trách nhiệm giải trình công và quản trị tài chính công, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa (UBKT) Armenia sẽ xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền chặt, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng kiểm toán quốc tế.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: CTV
Đây là kỳ vọng của ông Trần Minh Khương - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm và làm việc tại UBKT Armenia, ngày 04/4. Buổi làm việc nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Ông Atom Janjughazyan - Chủ tịch UBKT Armenia cùng Tổng thư ký, đại diện các đơn vị trực thuộc UBKT Armenia và đại diện Quốc hội Armenia, Bộ Ngoại giao Armenia tiếp Đoàn.
Cùng dự có Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KTNN Việt Nam) Lăng Trịnh Mai Hương.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBKT Armenia Atom Janjughazyan vui mừng chào đón Đoàn công tác đã tới thăm UBKT Armenia. "Đây là cuộc họp song phương chính thức đầu tiên, đặt nền móng cho mối quan hệ lâu dài và bền vững, cùng nhau phát triển, góp phần xây dựng vị thế cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao" - Chủ tịch UBKT Armenia cho biết.
Chia sẻ về UBKT Armenia, ông Atom Janjughazyan cho biết, UBKT là một cơ quan nhà nước độc lập, thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực tài chính công, sở hữu công, kiểm toán về tính hợp pháp, hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước và ngân sách cộng đồng, các khoản vay và tín dụng nhận được, cũng như tài sản do nhà nước và cộng đồng sở hữu; có quyền tiến hành thanh tra các pháp nhân chỉ trong những trường hợp được quy định bằng luật, hoạt động dựa trên kế hoạch hành động do chính cơ quan này phê duyệt và báo cáo Quốc hội hằng năm.
UBKT Armenia được thành lập vào năm 1996, tiền thân là một Ủy ban Kiểm soát trực thuộc Quốc hội Cộng hòa Armenia. Địa vị pháp lý của UNKT Armenia được quy định tại Hiến pháp Cộng hòa Armenia năm 2015 đã đặt nền tảng, củng cố tính độc lập và vai trò của UBKT Armenia trong giám sát việc sử dụng các nguồn lực công, đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả trong quản lý tài chính công.
Năm 2018, khi Luật về UBKT có hiệu lực, UBKT Armenia mới thực sự được thành lập, hệ thống kiểm toán nhà nước đầy đủ được triển khai tại Cộng hòa Armenia. Việc củng cố UBKT với tư cách là cơ quan kiểm toán tối cao của Cộng hòa Armenia được thực hiện thông qua các sửa đổi pháp lý, có hiệu lực từ tháng 6/2024.
Theo Chủ tịch UBKT Armenia, việc sửa đổi pháp luật vào giữa năm 2024 là dấu mốc rất quan trọng, đảm bảo sự hài hòa giữa khung pháp lý với các Tuyên bố Lima và Mexico của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Sự sửa đổi này đảm bảo tính độc lập cao của UBKT về tài chính, tổ chức và hoạt động. Nhiệm vụ của UBKT đã trở nên toàn diện hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn để phục vụ lợi ích công thông qua chức năng kiểm toán.

Chủ tịch UBKT Armenia Atom Janjughazyan vui mừng chào đón Đoàn công tác tới thăm UBKT Armenia. Ảnh: CTV
Về hợp tác quốc tế, hiện nay, UBKT Armenia là thành viên của INTOSAI, Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) và tham gia nhiều nhóm công tác của các tổ chức này như Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (WGEA), Nhóm công tác về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và các chỉ số phát triển bền vững chính (WGSDG-KSDI), Nhóm công tác về kiểm toán mua sắm công (WGPPA), Nhóm công tác về kiểm toán công nghệ thông tin (ITWG)...
UNKT Armenia đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với các cơ quan kiểm toán tối cao như: Nga, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Pháp... Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan kiểm toán tối cao của Nga, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan nhằm trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn thông qua các cuộc kiểm toán chung.
Bày tỏ vui mừng khi được đến thăm Armenia – đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú và mối quan hệ truyền thống, hữu nghị với Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cảm ơn Lãnh đạo KTNN Armenia cùng các đồng nghiệp đã dành thời gian tiếp đón Đoàn trong chuyến công tác quan trọng này đồng thời khẳng định KTNN Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác và ủng hộ KTNN Armenia trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương trong thời gian tới.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương khẳng định KTNN Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác và ủng hộ UBKT Armenia trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương. Ảnh: CTV
Thông tin về KTNN Việt Nam, ông Trần Minh Khương cho biết, sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, bộ máy hoạt động của KTNN gồm 32 đơn vị,với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động.
KTNN Việt Nam là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp trong các tổ chức kiểm toán quốc tế. Cụ thể: KTNN Việt Nam là 1 trong 4 thành viên sáng lập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI), là Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược của ASEANSAI trong nhiều nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, KTNN vừa hoàn thành vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 và trở thành ủy viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027.
"Trong thời gian tới, KTNN tiếp tục là thành viên có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện các cam kết, thỏa thuận đa phương và hoàn thành nhiệm vụ là Ủy viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam cho biết.
Theo ông Trần Minh Khương, trách nhiệm và sự phối hợp giữa Quốc hội và KTNN được thể hiện trong Luật Ngân sách và Luật KTNN. KTNN đã thực hiện đầy đủ các chức năng Luật định như: Trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương; cho ý kiến về chủ trương đầu tư các Dự án quan trong quốc gia trước khi Quốc hội thông qua; tham gia trong các hoạt động liên quan đến hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; chú trọng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, ngân sách các Bộ, ngành trung ương để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN bao gồm 43 chuẩn mực theo hướng tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAI, đồng thời, ban hành và thường xuyên bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh các quy trình, hướng dẫn kiểm toán các lĩnh vực; đổi mới xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) hằng năm và KHKT trung hạn.

Ông Trần Minh Khương - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam - tặng quà cho Chủ tịch UBKT Armenia. Ảnh: CTV
Chia sẻ về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cho biết, qua hoạt động kiểm toán, KTNN Việt Nam đã có nhiều kiến nghị liên quan đến xử lý tài chính, hoàn thiện cơ chế, chính sách còn bất cập, bên cạnh đó cũng đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị kiểm điểm, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng các nguồn lực công. Các kiến nghị của KTNN cơ bản đều được các cơ quan/đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương đề xuất thúc đẩy hợp tác song phương giữa KTNN Việt Nam và KTNN Armenia thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn công tác giữa hai cơ quan nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp kiểm toán mới, đào tạo nâng cao năng lực kiểm toán viên và cải thiện quản trị tài chính công. Đồng thời, xem xét khả năng xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực kiểm toán mà hai bên cùng quan tâm.
Trên phương diện đa phương, hai bên sẽ thể hiệnsự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương (INTOSAI và các nhóm công tác của INTOSAI, ASOSAI) để gia tăng giá trị và lợi ích của mỗi bên và của các tổ chức nói chung.
"Buổi làm việc hôm nay đã đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa KTNN Việt Nam và KTNN Armenia. Tôi tin tưởng rằng, với vai trò truyền thống của của các cơ quan kiểm toán tối cao nhằm thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình ở khu vực công, KTNN Việt Nam và KTNN Armenia sẽ xây dựng được mối quan hệ hợp tác bền chặt, cùng nhau đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của cộng đồng kiểm toán quốc tế" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương khẳng định.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai Bên đã cùng nhau chia sẻ các nội dung chuyên môn liên quan đến việc thực hiện kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán hằng năm, các ưu tiên kiểm toán hiện nay cũng như việc theo dõi thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.../.