Cơ hội lớn cho các ngân hàng từ sản phẩm tài chính xanh
Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong cấp tín dụng là một trong những bước đi đầu về mặt chính sách thúc đẩy thực hành tiêu chuẩn ESG tại tổ chức tín dụng.
Những bước đi đầu tiên
Từ ngày 1/6 tới, Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực sau gần nửa năm ban hành. Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành dịch vụ tài chính Việt Nam" do PwC phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức mới đây, bà Đinh Hồng Hạnh - Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính của PwC Việt Nam đánh giá Thông tư 17 sẽ là động lực rất căn bản về mặt chính sách để nâng cao thực hành tiêu chuẩn về môi trường – xã hội và quản trị (ESG) tại các tổ chức tín dụng.
Văn bản pháp luật này hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án đầu tư phải thực hiện quản lý rủi ro về môi trường bao gồm các dự án quy định tại Phụ lục III, IV, V ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Trong đó, Thông tư 17 đã vạch ra nguyên tắc quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, cấu phần của thông tin quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và các nội dung tối thiểu khi tổ chức tín dụng xây dựng quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Cũng theo quy định, đối với các thỏa thuận cấp tín dụng ký kết trước ngày Thông tư có hiệu lực, tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng để thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng.
Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn ESG đã diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu các năm qua trên thế giới. Xu hướng áp dụng ESG ở Đông Nam Á và toàn cầu là các cơ quan quản lý và ngành xác định các tiêu chuẩn để quản lý rủi ro khí hậu. Tại Thái Lan, các nguyên tắc ESG đã được đưa vào quy tắc Trụ cột 2, có hiệu lực từ năm 2022 trở đi. Hay tại Indonesia, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đã ban hành quy định về việc thực hiện tài chính bền vững, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cũng đã ban hành hướng dẫn về rủi ro môi trường.
Dù những bước đi mở đường trong hoạt động chính sách từ việc quy định khung khổ pháp lý có phần chậm chân hơn nhiều quốc gia, cuộc khảo sát của PwC tại trên 51 đại diện từ ngành dịch vụ tài chính cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đang xem ESG là một hoạt động tuân thủ. Theo khảo sát, 65% tổ chức trong lĩnh vực ngành dịch vụ tài chính có lãnh đạo chuyên trách hoặc kiêm nhiệm mảng ESG. Đối với doanh nghiệp chưa có lãnh đạo rõ ràng về ESG, có 78% đã phân công một bộ phận để khởi động các sáng kiến ESG. Gần 1/3 tổ chức đặt ESG làm trọng tâm trong chiến lược kinh doanh và từ đó phát triển tư duy tích cực chủ động về ESG.
“Chúng ta chỉ mới đang ở bước đi đầu tiên của ngành ngân hàng đối với việc tiếp cận chuẩn mực về môi trường, xã hội và quản trị như một chuẩn mực hoạt động mới. Tuy vậy, điểm tích cực là các tổ chức tín dụng đang bắt đầu khá tích cực trong việc chuẩn bị về mặt dữ liệu cũng như việc nâng cao năng lực của tổ chức, thực hiện các chương trình đào tạo…”, Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam cũng nhấn mạnh.
Cơ hội vàng tạo ra sự đổi mới và khác biệt
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng phòng Cấp cao, Bộ phận Tư vấn ESG, PwC Việt Nam cho biết có 3 sản phẩm phổ biến nhất khi nói đến tài chính bền vững gồm trái phiếu xanh, các khoản cho vay gắn với bền vững (SLL) và tiền gửi gắn với ESG. Trong đó, sản phẩm trái phiếu xanh là nguồn vốn huy động tương tự kênh trái phiếu thông thường nhưng điểm đặc thù là tập trung giải ngân cho dự án xanh. Còn với sản phẩm cho vay gắn với bền vững (SLL), các món vay không được liên kết cụ thể với một dự án. Tuy nhiên, các chỉ tiêu tập trung vào tính bền vững đã được thống nhất dự kiến sẽ được đáp ứng trong suốt thời hạn của khoản vay. Đồng thời, các khoản vay mà một phần lãi suất có liên quan đến khả năng đáp ứng các mục tiêu bền vững của bên đi vay.
Trên thị trường toàn cầu, trái phiếu xanh đã chứng kiến những tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Sau mức tăng trưởng 100% năm 2021, khối lượng trái phiếu xanh ghi nhận mức giảm 16% năm 2022. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2023.
Ông Abhinav Mirsha, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản lý rủi ro, Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á cho biết khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi phát hành lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau châu Âu. Mặc dù khối lượng phát hành trên toàn cầu ghi nhận mức giảm mạnh vào năm 2022, trái phiếu xanh ở khu vực này vẫn giữ ổn định với mức giảm nhẹ 2.5% và tổng khối lượng là 120,83 tỷ USD.
Đối với các khoản cho vay gắn với bền vững (SLL), thị trường cũng chứng khiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo ông Abhinav Mirsha, thị trường trái phiếu và khoản vay liên kết bền vững (SLBs và SLLs) đã tăng trưởng nhanh chóng với sự hiện diện rộng rãi hơn trong các sản phẩm liên quan đến ngân hàng. Khối lượng năm 2021 tăng gấp 3 lần so với năm 2020, từ 8,6 tỷ USD lên 27,5 tỷ USD. Tại khu vực Đông Nam Á, các khoản cho vay tập trung chính ở Singapore với khối lượng SLB và SLL lớn nhất, chiếm tới 84,5% thị trường ASEAN.
Để hoạt động được, SLL yêu cầu ngân hàng thiết lập một số chỉ số bền vững đề đưa vào điều kiện của khoản vay và sau đó theo dõi liên tục. Việc theo dõi liên tục là cần thiết để quyết định xem lãi suất của khoản vay, có thể không đổi nhưng có thể tăng nếu các chỉ số ESG không được như kỳ vọng, hay “ưu đãi” hơn nếu các chỉ số ESG được cải thiện.
Tài chính bền vững có cơ hội lớn khi vốn đầu tư cho khí hậu mà Việt Nam có thể thu hút từ năm 2016 đến 2030 được kỳ vọng đạt tới 753 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư công và tư nhân của các quốc gia G7 để hỗ trợ Việt Nam giảm mức độ sử dụng than cũng lên tới 15,5 tỷ USD. Quỹ Anh Quốc cũng tuyên bố hỗ trợ để thúc đẩy Tài chính Xanh ở Đông Nam Á 134 triệu USD.
Vẫn còn nhiều thách thức lớn cho ngành dịch vụ tài chính liên quan đến vấn đề ESG như về chính sách (chưa có hướng dẫn và quy định của cơ quan quản lý về bộ phân loại tài chính bền vững) hay cả mặt kỹ thuật như việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu ESG, tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, cũng như quyết định chuyển chiến lược ESG vào hệ sinh thái của doanh nghiệp. Tuy vậy, cùng với thách thức khi bước vào lĩnh vực còn tương đối mới, theo bà Đinh Hồng Hạnh, đây lại là cơ hội vàng để tạo ra sự đổi mới và khác biệt.