Cơ hội lớn cho học sinh giỏi Giáo dục công dân

Năm 2024, Giáo dục công dân tiếp tục là môn có điểm trung bình cao nhất tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

Học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Lan Anh

Do vậy, nhiều thí sinh có xu hướng chọn môn này để xét tuyển đại học.

Môn học thú vị

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Phan Thành Đạt - học sinh Trường THPT Minh Quang (Hà Nội) đạt điểm tuyệt đối môn Giáo dục công dân (GDCD). Cùng với kết quả thi tốt các môn Ngữ văn và Địa lý, Đạt đăng ký xét tuyển khối C20, ngành Sư phạm Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đạt chia sẻ, ngay từ khi là học sinh THCS, em đã yêu thích học môn GDCD. Đây là môn học quan trọng, không chỉ cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản về các giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống, mà còn hình thành và phát triển tình cảm, niềm tin, hành vi và thói quen phù hợp.

Nói về bí quyết để học giỏi môn GDCD, Đạt cho rằng, với bất cứ môn học nào, muốn học tốt trước tiên phải có niềm đam mê. Bên cạnh đó, sắp xếp thời gian các môn học hợp lý, đến lớp tập trung lắng nghe giảng, nắm bắt kiến thức giảng dạy của thầy cô, về nhà ôn tập kỹ bài đã học.

Cùng đó, em tìm tòi và đọc thêm sách, luyện nhiều dạng bài tập tham khảo trên mạng để quen và tăng độ khó, từ đó, tích lũy, mở rộng thêm kiến thức. Dành thêm 15 - 30 phút mỗi ngày để đọc sách, em thấy hứng thú và nhận ra kiến thức môn GDCD liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày và chủ động khám phá sự thú vị của môn học này.

Trong khi đó, Nguyễn Hồng Hạnh - học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) lại cho rằng GDCD là môn học thú vị, dễ đạt điểm cao nên em có chiến lược đầu tư cho môn học này ngay từ năm lớp 10. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đạt điểm 9,25 môn GDCD và dùng môn học này để xét tuyển đại học.

Hạnh cho biết, GDCD là môn học có nội dung về đạo đức, pháp luật và những kiến thức xoay quanh cuộc sống, việc liên hệ với ví dụ thực tế giúp em hiểu lý thuyết và ghi nhớ lâu hơn. Ví dụ, khi học về đạo đức, em có thể áp dụng ngay bằng cách chia sẻ và giúp đỡ bạn bè. Hoặc về pháp luật, áp dụng những kiến thức về Luật Giao thông để tham gia giao thông hằng ngày.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Trường THPT Ngô Quyền (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, trong Chương trình GDPT mới, môn GDCD có vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành nhân cách, chuẩn mực đạo đức cho học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Những năm gần đây, nhiều thí sinh có xu hướng đầu tư học môn GDCD để dễ dàng vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT và có điểm cao khi xét tuyển đại học. Nhiều trường đại học có tổ hợp xét tuyển bằng GDCD nên học sinh cũng hào hứng học hơn. Nếu đặt mục tiêu phấn đấu để vào đại học, các em nên nắm chắc kiến thức, đặc biệt là nội dung để làm những câu hỏi dạng phân hóa.

 Nhiều thí sinh chọn GDCD làm môn xét tuyển ĐH, CĐ. Ảnh: Lan Anh

Nhiều thí sinh chọn GDCD làm môn xét tuyển ĐH, CĐ. Ảnh: Lan Anh

Cơ hội việc làm rộng mở

Giáo dục công dân ngày càng có vị trí quan trọng từ khi chính thức được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017. Nhiều trường đại học, cao đẳng lấy điểm thi tốt nghiệp, học tập môn Giáo dục công dân làm điểm xét tuyển trong tuyển sinh cho nhiều ngành nghề. Cùng với đó, cơ hội việc làm rộng mở khi theo học môn học này.

Từ năm 2017, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa Giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển đại học. Một số ngành sử dụng kết quả môn thi Giáo dục công dân vào tổ hợp xét tuyển như Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) với tổ hợp Toán - Văn - GDCD (C14) và Văn - Sử - GDCD (C19).

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế có nhiều ngành tuyển sinh bằng tổ hợp các môn Văn, Sử, GDCD (C19) và Văn, Địa, GDCD (C20) như: Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục Chính trị, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Giáo dục pháp luật, Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng an ninh, Tâm lý học giáo dục...

Tương tự, Đại học Huế sử dụng tổ hợp Toán - Sinh - GDCD (B04) để xét tuyển nhiều ngành của Trường Đại học Nông lâm thuộc nhóm trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao như: Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật, Nông học, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan.

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xét tuyển nhiều ngành thuộc tổ hợp Văn, Sử, Giáo dục công dân (C19) như Quản lý di sản, Báo chí, Luật. Trường Đại học Thành Đô sử dụng tổ hợp Toán - Hóa - GDCD (A11) để xét tuyển vào ngành dược học, cấp bằng dược sĩ...

TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô cho rằng: Việc các trường xét tuyển tổ hợp có môn GDCD là hợp lý vì đây là môn học quan trọng, góp phần giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Thế hệ sinh viên hiện nay bên cạnh chuyên môn giỏi, rất cần có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh.

Theo ông Phạm Như Nghệ - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hiện nhóm ngành đào tạo giáo viên được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Số lượng giáo viên giảng dạy ngành Giáo dục công dân tại nước ta hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, nhất là trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chính vì thế, đây là lựa chọn thích hợp đối với những bạn trẻ mong muốn có một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Phạm Như Nghệ, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các trường học từ cấp THCS đến THPT hiện rất thiếu nên các bạn sinh viên ra trường được chào đón và có nhiều cơ hội lựa chọn nơi làm việc. Hơn nữa, ngoài các trường công lập, các bạn có thể dạy tại trường tư thục, trường quốc tế với mức lương cao hơn.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-lon-cho-hoc-sinh-gioi-giao-duc-cong-dan-post697006.html