Cơ hội lớn để Việt Nam tạo 'kỳ tích' tăng trưởng

Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi chưa từng có để tạo nên 'kỳ tích' tăng trưởng nếu chúng ta thay đổi cách tiếp cận, phá bỏ 'vòng kim cô' về tư tưởng để thực hiện những đột phá mạnh mẽ, xoay chuyển tình thế, khơi thông các động lực tăng trưởng mới.

Toàn cảnh hội thảo tổ chức sáng 1/4/2025. Ảnh: PV

Toàn cảnh hội thảo tổ chức sáng 1/4/2025. Ảnh: PV

Đây là quan điểm được thảo luận tại Hội thảo khoa học: "Các động lực cho tăng trưởng cao, bền vững kinh tế Việt Nam năm 2025 và các năm tiếp theo”, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 1/4. Sẽ có "kỳ tích" khi có tầm nhìn chiến lược, quyết tâm mạnh mẽ

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, học giả nhận định mục tiêu tăng trưởng cao hai con số (từ 10% trở lên) một cách bền vững trong những năm tới đây là rất thách thức. Nhìn lại quá khứ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ ra trong 40 năm đổi mới, Việt Nam chưa từng tăng trưởng ở mức hai con số, cao nhất là 9,54% năm 1995 và sau đó là xu hướng giảm dần. Hiện tại, nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Kinh tế nhà nước chưa đóng được vai trò dẫn dắt, kinh tế tư nhân ốm yếu, chậm lớn. Cơ chế còn nặng “xin - cho”, thị trường kém phát triển.

Tháo bỏ điểm “nghẽn của nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư

“Phải thấm nhuần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và thể hiện tư duy mới trong soạn thảo, thẩm tra, thẩm định và thông qua các văn bản pháp luật; loại bỏ ngay trong quá trình soạn thảo các quy định không phù hợp với yêu cầu đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng không gian và kiến tạo cơ hội phát triển. Ưu tiên đập bỏ, tháo bỏ điểm “nghẽn của nghẽn” trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường và pháp luật về kinh doanh có điều kiện; quyết đoán (không chần chừ, do dự) bãi bỏ một số luật, bãi bỏ nhiều nội dung trong các luật có liên quan khác”, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, mặc dù giai đoạn vừa qua kinh tế Việt Nam đã phát triển khá thành công, đạt được mức tăng trưởng cao, nhưng tốc độ bình quân cũng chỉ khoảng 5,5 - 6%. Với thiết kế hiện nay của “cỗ máy kinh tế” Việt Nam, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, đặc biệt là hai con số trong những năm tới là rất khó.

Mặc dù vậy, “kỳ tích” hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta có thay đổi cách tiếp cận, tầm nhìn, phá bỏ “vòng kim cô” về tư tưởng để thực hiện những đột phá mạnh mẽ, xoay chuyển tình thế, khơi thông các động lực tăng trưởng mới.

Nêu ví dụ như dự án đường dây 500 KV mạch 3 đã được thực hiện “thần tốc” trong thời gian kỷ lục, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng đây là minh chứng không có gì là không thể, nếu chúng ta thực sự quyết tâm, nỗ lực.

Dù xuất phát điểm thấp, khát vọng cao, nhưng những thuận lợi của bối cảnh hiện nay chính là sự cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, từ trên xuống một cách triệt để, đáng tin cậy. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn khác với những lần cải cách trước đây. Sắp xếp bộ máy đang được thực hiện quyết liệt. Chúng ta cũng liên tục đón các “đại bàng” công nghệ lớn trên thế giới đến xây tổ, cho thấy triển vọng hội nhập sâu, khả năng Việt Nam có thể đứng trên vai các ông lớn để đi tắt đón đầu.

Cùng với đó, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thể hiện một tầm nhìn chiến lược, một bước đột phá kịp thời và mạnh mẽ. Các cơ chế, chính sách về khu thương mại tự do, trung tâm tài chính… đang được xúc tiến khẩn trương.

Và đặc biệt, sau 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân cuối cùng đã được xác định là động lực quan trọng nhất, để từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, mạnh mẽ, chắp cánh cho nền kinh tế Việt Nam.

Khơi dậy niềm tin về thời cơ mới cho khu vực kinh tế tư nhân

Bàn về giải pháp phát triển cho kinh tế tư nhân, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, đây đang là chủ đề hết sức nóng với niềm tin về một kỷ nguyên mới cho khu vực này khi đã được xác định là động lực quan trọng nhất. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhiều rào cản, song so với 30 - 40 năm trước, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển lớn. Đây là khu vực linh hoạt nhất, hiệu quả nhất, gắn bó với người dân nhất. Ở lĩnh vực nào tư nhân tham gia cũng đều có những bước chuyển tích cực, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét,

Nhìn từ kinh nghiệm của các nước từng có thời kỳ tương đồng, đại diện VCCI đề xuất 6 nhóm giải pháp đột phá cho khu vực này. Thứ nhất là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch pháp luật; khắc phục tình trạng chồng chéo pháp luật; có luật riêng cho hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ; có sandbox chính sách cho mô hình mới.

Thứ hai là phát triển thị trường vốn và tài chính. Theo đó, lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; lập quỹ quốc gia về khởi nghiệp; quỹ Pre-IPO; tạo thuận lợi cho môi trường gọi vốn, đặc biệt cho công nghệ…

Thứ ba, là chính sách riêng cho doanh nghiệp tư nhân nội địa. Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần thu hẹp khoảng cách ưu đãi giữa doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân cần được cam kết ổn định về pháp lý, tài chính, chính sách hỗ trợ dài hạn. Doanh nghiệp tư nhân trọng điểm cần được tạo “hành lang đỏ”.

Nhóm chính sách tiếp theo là hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường toàn cầu, thông qua việc khai thác các FTA, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu.

Cùng với đó là các chính sách về công nghệ và nhân lực. Chính phủ cần hỗ trợ về đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho các ngành công nghệ.

Trên tất cả, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), vấn đề mấu chốt để kinh tế tư nhân phát triển là phải tháo bỏ điểm nghẽn về thể chế. Bởi, ông cho rằng không thể thành công nếu cứ làm theo cách truyền thống là sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung.

Thay vào đó, phải quyết đoán, dứt khoát phá bỏ “điểm nghẽn thể chế”, nhanh chóng chuyển đổi hệ thống luật pháp luật hiện nay từ thiên về quản lý, không quản được thì cấm, năng lực đến đâu thì mở đến đó sang hệ thống pháp luật bảo đảm tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển… “Phải nhận thức rằng, chúng ta đang có cơ hội chưa bao giờ thuận lợi hơn để đập bỏ, tháo bỏ ”điểm nghẽn của điểm nghẽn”, ông nhấn mạnh.

Phát triển khoa học công nghệ là con đường nhanh nhất, bền vững nhất

Theo TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, con đường ngắn nhất, nhanh nhất, duy nhất, bền vững nhất để thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành quốc gia phát triển là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu bỏ qua giai đoạn hấp thụ, làm chủ công nghệ trong quá trình phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam khoảng 5,6%, trong đó 3,06% tăng trưởng do đầu tư; 3,29% do đổi mới công nghệ nhưng lại âm (-1,36%) do liên quan đến các vấn đề cải thiện hiệu suất.

Giai đoạn hấp thụ công nghệ bao gồm đổi mới công nghệ và cải thiện hiệu suất. Song, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào mua sắm dây chuyền thiết bị công nghệ mà chưa thực sự làm chủ và hấp thụ công nghệ bằng cách cải thiện trình độ nhân lực, đổi mới quy trình sản xuất và đổi mới sản phẩm dựa trên dây chuyền công nghệ mới. Chính vì vậy, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam đạt được vẫn chưa được như các quốc gia có mức tăng trưởng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. TFP của Việt Nam trong giai đoạn đó chỉ đạt khoảng 40%.

Từ bài học của các quốc gia không thành công trong vượt qua bẫy thu nhập trung bình, để đổi mới và hấp thụ công nghệ, khó khăn thách thức chính là “thung lũng chết” phải vượt qua. Theo đó, trong giai đoạn đổi mới, hấp thụ công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, thay đổi quy trình sản phẩm… sẽ lỗ, chưa thu được kết quả ngay lập tức. Điều này được ví như một “cái hố” cần phải mạnh dạn nhảy qua, thì mới chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-hoi-lon-de-viet-nam-tao-ky-tich-tang-truong-173677-173677.html