Cơ hội M&A trong thời biến động
Nhiều nhà đầu tư vẫn tìm thấy cơ hội trong thời kỳ thị trường mua bán và sáp nhập rơi vào tình trạng trầm lắng.
M&A sụt giảm
Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu Global
data, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu thấp nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá 1,05 nghìn tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Thị trường M&A đang chậm lại, đặc biệt là các thương vụ giao dịch có giá trị lớn.
Trong bối cảnh đó, thị trường M&A Việt Nam cũng đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. “Các bên tham gia giao dịch M&A có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn”, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập do Báo Đầu tư tổ chức.
Nguyên nhân là do những lo ngại về tình trạng bất ổn chính trị trên toàn cầu, cùng nguy cơ về lạm phát cao, các ngân hàng tăng lãi suất… gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia.
Những yếu tố này tác động đến niềm tin, tạo tâm lý e dè trong các thương vụ M&A của chủ doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến giá trị các thương vụ sụt giảm 1/3 so với năm 2021, số lượng thương vụ cũng ít hơn.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch M&A đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021.
Giá trị giao dịch bình quân đối với một thương vụ đã giảm từ mốc 31 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 16 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022.
Số lượng các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ trong cùng kỳ năm trước.
Dưới góc nhìn về các ngành thì bất động sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng là những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các giao dịch M&A trong năm 2022.
Nếu như lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn trong ngắn hạn những vẫn thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư thì tiêu dùng lại đang được dự báo có nhiều triển vọng.
Lý do là người dân đang có xu hướng mở nhiều tài khoản, mua sắm, tham gia nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế… Do đó, ông Warrick Cleine nhận định, tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển và đây là thị trường hấp dẫn vốn M&A.
Doanh nghiệp Việt chủ động 'cuộc chơi' M&A trong đại dịch
Bên cạnh đó, sự nổi lên của mảng năng lượng tái tạo lại cho thấy tầm quan trọng của phát triển bền vững, điều này thu hút sự quan lớn của các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về phát tải ròng bằng 0 vào năm 2050, tạo đà rất lớn cho thị trường này phát triển. Dù năng lượng tái tạo có thách thức ở góc độ huy động vốn khi các doanh nghiệp chịu sự quản lý chặt chẽ, phải làm việc với nhiều cơ quan chức năng.
Tài chính, ngân hàng dù đã chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022 nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới lĩnh vực này.
Vẫn hấp dẫn
Thị trường hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền nên muốn bán tài sản để có thêm vốn. Nắm được yếu tố đó nên nhà đầu tư là bên mua có nhiều lựa chọn nên không vội vàng. Họ ưu tiên chất lượng hơn số lượng, vì thế kéo dài đàm phán để đảm bảo đạt được các điều khoản có lợi khiến thời gian chốt thương vụ dài hơn.
Với vai trò là đơn vị tư vấn, ông Bùi Ngọc Anh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Luật VILAF cho rằng thị trường đang trầm lắng nhưng sẽ khó rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau.
Nguyên nhân vì nhiều nhà đầu tư có tiền mặt xem giai đoạn biến động mạnh là cơ hội để mua các doanh nghiệp, dự án với mức định giá hấp dẫn. Hiện nhà đầu tư, đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đều đang rất bận rộn săn và chốt thương vụ.
Còn ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam nhìn nhận, thị trường Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ.
Độ tuổi trung bình Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi, tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt đây là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Điều này khiến các công ty Nhật Bản nhìn thấy điểm tích cực, tin tưởng tương lai. Khi các nhà đầu tư nước ngoài khác thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào.
Rủi ro sau những thương vụ M&A
Đồng quan điểm, ông Warrick Cleine cho rằng xu hướng giảm giá trị thương vụ từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc…, chủ yếu do đồng nội tệ của các nước này biến động nên khi đầu tư vào Việt Nam có thể đắt đỏ hơn, nhưng dài hạn, họ sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam.
Nhìn vĩ mô, Việt Nam đang có các lợi thế trong thu hút vốn. Bên cạnh đó thì Việt Nam cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhiều hơn dòng vốn M&A.
Phân tích kỹ hơn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Group nhận thấy Việt Nam đã có sự đa dạng của loại hình đầu tư, cũng như đa dạng các nhà đầu tư. Các công ty Việt Nam đã thích ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu số hóa đổi mới, sẽ tạo ra các cơ hội to lớn cho Việt Nam.
Tuy nhiên điều khiến ông Dominic Scriven lo lắng là trong 2 năm qua, có nhiều công chức, viên chức ở các quan nhà nước nghỉ việc. Lý do là hiện nay, tốc độ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh và cơ quan nhà nước cần bắt kịp để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trong đó có những lĩnh vực mới như số hóa, biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ…cần cơ quan quản lý nhà nước mạnh và chuẩn bị tốt.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/co-hoi-ma-trong-thoi-bien-dong-1669256617191.htm