Cơ hội mới giữa thách thức
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bức tranh chung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 tuy không có nhiều điểm sáng nhưng cũng không quá ảm đạm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bức tranh chung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 tuy không có nhiều điểm sáng nhưng cũng không quá ảm đạm.
Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2020 giảm 0,17% so với tháng trước; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2-2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát... Đặc biệt, xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Vốn FDI thực hiện giảm 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%); lượng khách quốc tế trong tháng 2-2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ...
Nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 thời gian tới và khả năng khống chế dịch bệnh.
Tuy nhiên, những thành tựu to lớn đạt được trong năm 2019 là nền tảng quan trọng để nền kinh tế nước ta vượt qua những thách thức nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Nhất là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12-2, đang mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu, mà nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu quan trọng.
Tác động kép của Covid-19 và EVFTA sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...
Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được ngay như châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này; Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới.
Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường... cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Các doanh nghiệp của Việt Nam buộc phải nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng với tâm thế của doanh nghiệp thời hội nhập, mà không cần trông chờ vào bảo hộ Nhà nước.
Khai thác được tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, chúng ta hoàn toàn tin tưởng đạt được thắng lợi kép trong những tháng đầu năm 2020: Vừa phòng, chống thành công dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững mức tăng trưởng cao.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/co-hoi-moi-giua-thach-thuc/