Cơ hội mua sắm cuối năm

Ngày Black Friday ('thứ sáu đen tối' sau Lễ Tạ ơn năm nay rơi vào ngày 29-11) từ lâu đã trở thành dịp mua sắm lớn nhất trong năm tại Mỹ. Đối với các cộng đồng nhập cư, ngày này không chỉ là cơ hội để mua sắm 'giá hời' mà còn phản ánh sự hòa nhập vào văn hóa tiêu dùng Mỹ, thể hiện nét riêng trong cách chi tiêu.

Một khu mua sắm đông đúc ở Los Angeles, California (Mỹ). Ảnh: PHẠM THƯ

Một khu mua sắm đông đúc ở Los Angeles, California (Mỹ). Ảnh: PHẠM THƯ

Người Việt tại Mỹ thường tận dụng ngày Black Friday để mua sắm các sản phẩm gia dụng, thiết bị công nghệ, quần áo và quà tặng cho dịp lễ cuối năm. Nhiều gia đình xem đây là cơ hội tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt khi giá giảm mạnh lên đến 70-80%.

Chị Khánh Nguyễn (ở thành phố Portland, bang Oregon) cho biết, việc chuẩn bị danh mục mua sắm ngày Black Friday làm chị nhớ lại không khí mua sắm những dịp gần tết hồi còn ở Việt Nam. Dịp này, nhiều nhà sản xuất bung hết hàng tồn trong kho của cả năm nên mọi người có nhiều sự lựa chọn, nhất là với những hàng hóa mà cách đây vài tháng khi mới ra khó ai có thể với tới do giá cao.

Ngoài các mặt hàng phổ biến, người Việt còn hay tìm kiếm các sản phẩm như nồi cơm điện cao cấp, máy massage hoặc dụng cụ bếp chất lượng phục vụ cho những bữa tiệc lớn. Giờ cũng là lúc các bậc phụ huynh mua sắm đồ dùng học tập, laptop hoặc điện thoại di động cho con cái với mức giá ưu đãi.

Chị Huyền Celia (ở thành phố Houston, bang Texas) đã nhắm đến một số mẫu laptop mà hai con trai chị rất thích, chờ dịp Black Friday để “tậu” cho mỗi đứa một cái. Những người sống tại Mỹ lâu năm có nhiều kinh nghiệm mua sắm trong những ngày này. Họ thường dành thời gian khảo sát các trang web của những chuỗi cửa hàng lớn như Best Buy, Walmart, Target, Amazon… để so sánh giá cả và lên kế hoạch mua sắm chi tiết, tránh bị cuốn vào những món đồ không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, các chương trình giảm giá sớm trong dịp Cyber Monday (thứ hai sau Black Friday) cũng được tận dụng. Để tiết kiệm thời gian và đảm bảo săn được những món hàng tốt nhất, nhiều người Việt chọn đi mua sắm theo nhóm gia đình hoặc bạn bè.

Một người đứng xếp hàng trong khi người khác tìm kiếm sản phẩm. Anh Huy Trần (ở thành phố San Jose, bang California) đang đợi mua cho con gái vừa vào trung học chiếc điện thoại mới làm quà sinh nhật đúng dịp Black Friday. Anh cho biết đã cùng vợ lên kế hoạch “bố ráp” các siêu thị ngày Black Friday, cẩn thận tìm hiểu chất lượng sản phẩm và né các chiêu trò giảm giá ảo.

 Một khu mua sắm đông đúc ở Houston, Texas dịp cuối năm

Một khu mua sắm đông đúc ở Houston, Texas dịp cuối năm

Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong những năm qua mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen mới. Nhiều người Việt giờ đây cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm từ nhà, tránh phải xếp hàng dài hay chen lấn. Mặt khác, một thuận lợi cho người mua hàng, trong đó có người Việt, là chương trình khuyến mãi kéo dài.

Không còn gói gọn trong một ngày Black Friday, nhiều nhà bán lẻ khởi động chương trình giảm giá từ đầu tháng 11, thậm chí là tháng 10. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc săn hàng mà không cần chờ đợi đến cuối tháng 11. Đặc biệt, một bộ phận người Việt, nhất là thế hệ trẻ, ngày càng chú ý hơn đến giá trị bền vững của sản phẩm.

Họ ưu tiên mua những món hàng có chất lượng cao thay vì chỉ tập trung vào giá cả. Vì vậy, với họ Black Friday chỉ mang giá trị tương đối. Anh Trần Billy, 28 tuổi, kỹ thuật viên y khoa ở Los Angeles nói: “ Tôi không trông đợi nhiều vào các đợt giảm giá vì ưu tiên của tôi là vừa ý mình dù giá có hơi cao”.

Tinh thần năng động và sự linh hoạt trong cách chi tiêu giúp cộng đồng người Việt thích ứng và tận dụng tối đa dịp Black Friday. Sau khi mua sắm, các gia đình Việt thường tổ chức ăn uống hoặc chia sẻ thành quả mua sắm được với bạn bè, người thân. Có thể nói đây không chỉ là một ngày hội mua sắm mà đôi khi còn là cơ hội gắn kết mọi người lại với nhau.

PHẠM THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-hoi-mua-sam-cuoi-nam-post769744.html