Cơ hội nâng tầm thương hiệu làng nghề Hà Nội: Kinh nghiệm từ 'Thành phố khảm' Madaba

'Thành phố khảm' Madaba (Vương quốc Hashemite Jordan, thường được gọi tắt là Jordan) nổi tiếng với những bức tranh khảm đẹp nhất và lâu đời bậc nhất thế giới.

Nằm cách thủ đô Amman hơn 30km, ý nghĩa tôn giáo của Madaba cùng với các tác phẩm nghệ thuật lịch sử khiến nơi đây trở thành điểm đến hoàn hảo cho những trải nghiệm văn hóa và nghệ thuật. Năm 2016, Madaba được Hội đồng Thủ công thế giới (WCC-International) công nhận là Thành phố thủ công mỹ nghệ thế giới về tranh khảm.

Kỹ thuật khảm tranh cổ xưa vẫn được bảo tồn ở Madaba.

Kỹ thuật khảm tranh cổ xưa vẫn được bảo tồn ở Madaba.

Bức tranh khảm vô giá

Madaba nổi tiếng với những bức tranh khảm Byzantine và Umayyad tuyệt đẹp có niên đại từ hàng nghìn năm trước. Đặc biệt nhất, nơi đây lưu giữ bản đồ khảm tráng lệ và lâu đời nhất còn sót lại của Đất Thánh (Madaba là một thị trấn quan trọng trong lịch sử Kitô giáo), được phát hiện trên sàn của một nhà thờ Byzantine ở thành phố vào năm 1884. Bản đồ bao gồm hơn một triệu mảnh đá sống động và đầy màu sắc, mô tả những ngọn đồi, thung lũng và làng mạc của Jerusalem, được sáng tạo vào thế kỷ VI. Các chi tiết đầy đủ, thể hiện sống động và tự nhiên hình ảnh của nhiều đồ vật, nhà thờ... đã cho thấy tài năng, nghệ thuật độc đáo của người nghệ nhân tạo nên bức tranh khảm này.

Giá trị phi thường của tấm bản đồ đã không được công nhận cho đến khi thủ thư của tộc trưởng Chính thống Hy Lạp ở Jerusalem, Fr Kleopas Koikylides, đến thăm nhà thờ vào năm 1896. Báo cáo của ông về tấm bản đồ đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến ngôi làng bụi bặm Madaba. Đến giữa thế kỷ XIX, bức tranh khảm bị hư hỏng nặng nề. Việc phục hồi và bảo tồn được thực hiện bởi các nhà khảo cổ Herbert Donner và Heinz Cüppers vào năm 1965.

Cái tên Madaba xuất hiện trong nhiều tài liệu lịch sử và tôn giáo. Khu định cư sớm nhất trong thành phố có niên đại từ Thời kỳ đồ đồng sớm (khoảng năm 2000 - 1500 trước CN), theo kết quả khai quật khảo cổ học được tiến hành tại Tell Madaba. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở Madaba đã góp phần phát hiện ra hàng trăm bức tranh khảm. Việc bảo vệ, phục hồi và bảo dưỡng những bức tranh khảm cổ đã trở nên quan trọng đối với cả người dân và chính quyền địa phương, dẫn đến sự hồi sinh của nghề thủ công khảm. Nghề thủ công khảm là một trong những nguồn lực kinh tế chính của Madaba, đã tạo ra 800 cơ hội việc làm với khoảng 150 xưởng thủ công.

Thành phố Madaba đã thành lập Viện Nghệ thuật và Phục chế tranh khảm Madaba - học viện duy nhất ở Trung Đông chuyên về giảng dạy các kỹ thuật sản xuất và bảo tồn tranh khảm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, tranh khảm đã trở thành một động lực kinh tế quan trọng và là cơ sở cho các thỏa thuận và dự án kết nghĩa với các thành phố trên khắp thế giới.

Thành phố tranh khảm

Năm 2016, Madaba đã được Hội đồng Thủ công Thế giới trao tặng danh hiệu "Thành phố tranh khảm". Theo Bộ Du lịch và Cổ vật Jordan, "danh hiệu này mang lại cho Madaba giá trị gia tăng như một điểm đến du lịch", bên cạnh di sản về các nhà thờ lịch sử và các địa điểm quan trọng khác trong tuyến du lịch tôn giáo. Danh hiệu này cũng giúp thị trấn có được "vị thế tiên tiến" trên bản đồ du lịch thế giới về nghề thủ công và tranh ghép. Từ đó đến nay, vương quốc Jordan đã phối hợp với WCC-International để tổ chức các triển lãm quốc tế về thủ công mỹ nghệ và tranh ghép ở Madaba nhằm nâng cao nhận thức về nghệ thuật cổ và những nỗ lực của quốc gia nhằm bảo tồn di sản này.

Những người làm tranh khảm hiện đại của Madaba vẫn duy trì truyền thống sản xuất tranh khảm bằng các kỹ thuật sản xuất cổ xưa, chẳng hạn như cắt thủ công các viên đá. Họ cũng nổi tiếng với việc tạo ra loại hình khảm đặc biệt được tạo thành từ những viên đá, thủy tinh và gạch men cực nhỏ, khó có thể quan sát bằng mắt thường.

Hiện tại, có hơn 150 xưởng sản xuất khảm ở vùng Madaba. Các xưởng này nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Cục Cổ vật Jordan và Bộ Du lịch và Cổ vật để bảo tồn truyền thống sản xuất khảm và đảm bảo rằng bản sắc văn hóa của nghề thủ công này vẫn là một phần di sản văn hóa của Madaba. Bộ Du lịch và Cổ vật cũng ban hành hướng dẫn cụ thể cho nghề thủ công này liên quan đến các điều khoản đối với các xưởng được cấp phép và số lượng thợ thủ công. Bộ đã quy định rằng những người muốn làm việc trong lĩnh vực sản xuất khảm phải tốt nghiệp Viện Nghệ thuật và Phục chế Tranh khảm Madaba để duy trì các phương pháp và kỹ thuật của nghề thủ công truyền thống này.

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo về tranh khảm đã được tổ chức để nâng cao nhận thức và đào tạo thợ thủ công cùng các bên liên quan về các phương pháp tiếp cận có trách nhiệm và bền vững đối với ngành công nghiệp khảm. Các hội thảo tập trung vào việc ngăn chặn xuất khẩu bất hợp pháp các cổ vật khảm bằng cách dán nhãn chúng là tác phẩm nghệ thuật hiện đại, cũng như tăng cường quyền và điều kiện làm việc của nghệ nhân thông qua môi trường làm việc an toàn, được đảm bảo về bảo hiểm y tế và hệ thống an sinh xã hội.

Được thành lập vào năm 1964, Hội đồng Thủ công thế giới (WCC-International) là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ với mục đích củng cố vị thế của nghề thủ công như một phần thiết yếu của đời sống văn hóa và kinh tế, nhằm thúc đẩy tình hữu nghị giữa những người thợ thủ công trên thế giới. Hội đồng cũng cung cấp cho những người thợ thủ công sự khuyến khích, giúp đỡ, lời khuyên cần thiết và thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các hoạt động tạo ra thu nhập.

Nhật Quang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-hoi-nang-tam-thuong-hieu-lang-nghe-ha-noi-kinh-nghiem-tu-thanh-pho-kham-madaba-693995.html