Cơ hội nào cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam?
Với những hợp tác chiến lược gần đây, đang mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam hồi đầu tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Đáng chú ý, trong nội dung hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tuyên bố chung ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, việc hai nước thiết lập “Quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ” là bước đi quan trọng, làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngay sau lễ kí kết, Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã có chuyến thăm Hoa Kỳ vào từ 17 – 23/9, trong chuyến thăm này nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam đã kí Ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới về bán dẫn.
Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Synopsys (công ty thuộc S&P 500 - dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn) về hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam. Synopsys còn ký kết hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, những động thái trên là nền tảng, cơ hội rất lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp quan trọng của toàn cầu này.
Theo TS. Tuyên, Hoa Kỳ hiện đang là siêu cường về bán dẫn thế giới, có nhiều lao động trình độ cao; các công ty lớn của Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa, cơ cấu lại chuỗi cung ứng, mở rộng đầu tư. Những đơn vị này khó mở rộng sản xuất trong nước vì thu nhập tại Hoa Kỳ cao, cạnh tranh kém; bên cạnh đó, khi mở rộng chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng đa dạng hóa thị trường đầu tư, lựa chọn các điểm đến mới ngoài những thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ - Việt Nam trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, và nhiều “ông lớn” về ngành công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ đã tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển tại Việt Nam.
Dù công nghiệp bán dẫn đã phát triển rất xa, nhưng hiện 75% chip bán dẫn vẫn đang là loại chíp 28 nm và cao hơn, thị trường này vẫn còn nhiều dư địa, doanh thu lớn và Việt Nam có thể tiếp cận những công nghệ về loại chip bán dẫn này.
Chỉ ra phân khúc tiềm năng mà doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin cho rằng, phân khúc IC cho tín hiệu analog và cho phân khúc vi điều khiển (MCU) là phân khúc tiềm năng cho Việt Nam vì không có 1 nhóm doanh nghiệp độc quyền như phân khúc Logic và Memory, phát triển dựa trên đặc thù của từng usecase, đa số phù hợp cho IoT và Edge-AI (xử lý AI tại biên); Các IP-core của Synopsys bao gồm loại công nghệ đúc chip 28nm trở lên. Các doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, VNPT có thể mở rộng công nghiệp viễn thông thành công nghiệp IoT, phát triển các chip-set cho các ứng dụng IoT, Edge-AI dùng trong smarthome, smart city, nông nghiệp, ….
Dù vậy, theo TS. Nguyễn Thanh Tuyên, hiện ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam mới rất “sơ khai”, đang còn rất nhiều thách thức cần phải giải quyết nếu muốn phát triển.
Công nghiệp bán dẫn hiện đang hiện diện ở 3 trung tâm gồm khu vực phía Bắc xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang; khu vực phía Nam có TP. Hồ Chí Minh; và một trung tâm khác là Đà Nẵng. Nhưng, sản xuất công nghiệp bán dẫn chủ yếu trong tay doanh nghiệp FDI, sản xuất ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói… Đây là những việc phải xem xét lại.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn yêu cầu những đặc thù như vốn, đất đai,… Vì vậy, muốn trở thành một mắt xích quan trọng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu phải xem xét lại lợi thế và có quy hoạch xác định định hướng cho lĩnh vực này.
“Cho đến nay, Việt Nam chưa sản xuất được bất kì một vi mạch bán dẫn nào “made in Việt Nam””, TS. Nguyễn Thanh Tuyên nói và cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ vi mạch, trong đó, sẽ có quy hoạch cụ thể định hướng phát triển theo lợi thế từng địa phương. Ví dụ sẽ có những địa phương phát triển theo hướng đang có như xây dựng nhà máy sản xuất chip vi mạch (Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh…), những cũng sẽ có những địa phương tập trung vào mảng công nghệ vi mạch, ví dụ như Đà Nẵng.
“Đà Nẵng có lợi thế để phát triển công nghệ vi mạch khi có nền tảng công nghệ thông tin rất tốt. Điều cần làm là chính quyền địa phương phải mạnh bạo hơn, có thể chế, môi trường tốt hơn để “hút” các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, chuyển sang phát triển công nghệ cao về bán dẫn”, TS. Nguyễn Thanh Tuyên đề xuất và nói thêm: “Những địa phương có tiềm năng như Đà Nẵng không nên lựa chọn công đoạn sản xuất, lắp ráp mà nên lựa chọn phát triển công nghệ, tập trung vào những thị trường ngách như Analog, IC; lựa chọn công nghệ phù hợp, phân khúc và thị trường công nghệ phù hợp; cần thiết có những phòng nghiên cứu, phát triển (R&D) về thiết kế vi mạch".
TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng:
"Đón lõng” công nghiệp vi mạch bán dẫn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của thành phố phải nghe về cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ để nhận thức được cơ hội cho Đà Nẵng. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giao cho ngành khoa học công nghệ nghiên cứu đưa nghiên cứu phát triển vi mạch bán dẫn thành một trong những nhánh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.