Cơ hội nào cho Việt Nam trên 'miền đất hứa' Halal?

Thị trường Halal toàn cầu mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều rào cản mà doanh nghiệp Việt cần vượt qua để vững bước trên 'miền đất hứa' này.

Halal - “Mảnh đất màu mỡ” nhưng còn nhiều rào cản

Thị trường Halal toàn cầu hiện được đánh giá là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số, mức chi tiêu tiêu dùng và sự đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế. Với xu hướng tăng trưởng ổn định, thị trường này đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến được xem là thế mạnh của Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng Halal. Theo dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu có thể đạt tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, Việt Nam hiện đang sở hữu đầy đủ mọi điều kiện: từ nông nghiệp, thủy sản, đến nguyên liệu thô, thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn.

Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT).

Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT).

“Dù Việt Nam có tiềm năng lớn đối với thị trường Halal toàn cầu nhưng nhận thức về Halal ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế”, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin.

Theo các doanh nghiệp, một trong những khó khăn lớn trong việc xuất khẩu sản phẩm Halal là vấn đề giấy chứng nhận Halal.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, để có được giấy chứng nhận này, doanh nghiệp phải đầu tư một khoản chi phí không nhỏ, bao gồm việc thay đổi dây chuyền sản xuất, chi phí kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.

Để thâm nhập được thị trường này một cách bền vững, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả nhận thức, tiêu chuẩn sản phẩm, hệ thống chứng nhận và năng lực sản xuất.

“Chúng ta cần nâng cao nhận thức, xây dựng thương hiệu và huy động sự vào cuộc của cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân. Cần có sự hợp tác chặt chẽ để xây dựng hệ thống chứng nhận Halal và tiêu chuẩn phù hợp, nhằm đưa sản phẩm Việt xuất khẩu tới 57 quốc gia Hồi giáo với hơn 2 tỷ người tiêu dùng”, ông Ramlan Bin Osman thông tin với phóng viên Báo Công Thương.

Không chỉ là một chứng nhận đơn thuần, Halal là hệ giá trị gắn liền với văn hóa, đạo đức và niềm tin của người tiêu dùng Hồi giáo. Do đó, doanh nghiệp Việt không thể xem việc dán nhãn Halal chỉ là một thủ tục.

“Tiêu chuẩn Halal là một cam kết về niềm tin. Muốn đạt được điều đó, cần có hệ sinh thái đầy đủ: từ công ty chứng nhận, nhà sản xuất đạt chuẩn, hệ thống phân phối phù hợp, cho đến người tiêu dùng hiểu biết và sự hỗ trợ từ chính phủ”, ông Ramlan Bin Osman chia sẻ.

Cần chiến lược tổng thể, đầu tư bài bản

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một vài đối tác lớn.

Bộ Công Thương đóng vai trò trung tâm trong chiến lược này, với nhiều sáng kiến xúc tiến thương mại hướng tới các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu – những khu vực có đông dân số Hồi giáo và tiềm năng tiêu dùng lớn.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào các thị trường Halal, nơi có nhu cầu lớn về sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Hồi giáo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào các thị trường Halal.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu vào các thị trường Halal.

“Bộ Công Thương sẽ tập trung vào công tác xúc tiến thương mại, cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường, các quy định và yêu cầu tiêu chuẩn Halal tại các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn như Indonesia, Malaysia, Trung Đông và các nước khu vực châu Á, châu Phi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hội chợ, triển lãm quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ và kết nối với các đối tác tiềm năng từ các thị trường Halal.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định rằng việc tham gia các sự kiện này không chỉ giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mà còn tạo ra cơ hội để đàm phán, ký kết hợp đồng và mở rộng mạng lưới phân phối quốc tế.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn Halal và quy trình chứng nhận Halal cho các mặt hàng xuất khẩu được coi là yếu tố quyết định giúp Việt Nam không chỉ gia tăng sự hiện diện mà còn nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu tại các thị trường quốc tế.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các đề án và kế hoạch hành động để tạo ra một môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ tại các thị trường Halal trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Nhằm đa phương hóa thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường Halal nói riêng, ngay từ cuối năm trước, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt giải pháp.

Thông tin với phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, bên cạnh các nhóm sản phẩm truyền thống như nông sản, thủy sản hay thực phẩm chế biến, hiện nay nhiều nhóm sản phẩm mới của Việt Nam đang nổi lên với tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay nhiều nhóm sản phẩm mới của Việt Nam đang nổi lên với tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay nhiều nhóm sản phẩm mới của Việt Nam đang nổi lên với tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ

“Trong đó, đáng chú ý là những sản phẩm khai thác giá trị bền vững, gắn với văn hóa, con người và bản sắc Việt Nam – một hướng đi mang tính chiều sâu, không chỉ mang ý nghĩa thương mại mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia”, ông Vũ Bá Phú thông tin.

Dù tiềm năng rất lớn, nhưng để có thể “vững bước” trên thị trường Halal, điều Việt Nam cần nhất lúc này chính là một chiến lược tổng thể: từ thể chế, chính sách, chứng nhận, đào tạo doanh nghiệp đến hệ thống logistics, truyền thông và tiếp cận thị trường.

“Chúng ta không thể để cho các tổ chức tư nhân chạy đua làm Halal vì lợi nhuận. Cần có vai trò chủ lực của nhà nước để xây dựng một hệ thống minh bạch, chuẩn hóa và hiệu quả”, ông Ramlan Bin Osman nhấn mạnh và cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal trong khu vực, thậm chí là toàn cầu.

Báo cáo Thị trường Thực phẩm Halal Toàn cầu năm 2024 của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research cho thấy giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% trong giai đoạn 2024-2031.

Lê Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-hoi-nao-cho-viet-nam-tren-mien-dat-hua-halal-381846.html