Cơ hội nào cho xe điện MG4 tại thị trường Việt Nam

MG4 cùng với VinFast VF 6 đang là những cái tên thuần điện hiếm hoi trong phân khúc SUV cỡ B, nơi đang khá sôi động với sự xuất hiện của nhiều đối thủ mạnh, cả cũ lẫn mới.

Ngay ngày đầu tiên của tháng 6, MG đã chính thức giới thiệu mẫu xe điện mang tên MG4 đến với khách hàng thị trường Việt Nam, nối dài danh sách sản phẩm ôtô của thương hiệu này với những cái tên có sẵn như MG5, MG HS, MG ZS cùng với MG RX5.

Sở hữu kích thước tương đồng VinFast VF 6 và được định vị trong phân khúc SUV/Crossover cỡ B, khả năng cạnh tranh của xe điện MG4 ra sao khi được định giá khởi điểm gần 830 triệu đồng?

Chưa phải là ‘món hời’ trên thị trường

Khi ra mắt thị trường ôtô Việt Nam, xe điện MG4 có tổng cộng 2 phiên bản, trong đó phiên bản DEL có giá 828 triệu đồng, còn phiên bản LUX được định giá ở mức 948 triệu đồng.

Thị trường ôtô Việt Nam ở thời điểm hiện tại gần như chỉ có duy nhất VinFast VF 6 là đối thủ trực tiếp của MG4 EV ở phân khúc SUV điện cỡ B, nhưng đại diện của VinFast sở hữu giá bán 675-765 triệu đồng (không bao gồm pin) hoặc 765-855 triệu đồng nếu khách hàng mua kèm pin, tùy phiên bản.

 MG4 được định giá khá cao tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh.

MG4 được định giá khá cao tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh.

Như vậy ngay cả ở lựa chọn mua xe kèm pin, VinFast VF 6 cũng tỏ ra có lợi thế hơn so với MG4 EV khi xét đến mức giá niêm yết. Giá bán của MG4 tại Việt Nam thậm chí được đánh giá là xấp xỉ VinFast VF 7, mẫu SUV cỡ C với khoảng giá từ 850 triệu đến 1,199 tỷ đồng tùy phiên bản và lựa chọn mua hoặc thuê pin.

Dù vậy, khoảng tiền chênh lệch nói trên mà khách hàng phải chi trả để sở hữu MG4 EV dường như chưa phải là một món hời, khi trang bị của mẫu SUV điện thương hiệu MG không thực sự nổi bật so với các đối thủ cùng phân khúc.

Ghế bọc nỉ chỉnh tay là trang bị tiêu chuẩn bên trong khoang lái MG4, bên cạnh màn hình giải trí trung tâm kích thước 10,25 inch có kết nối Apple CarPlay và Android Auto. Hệ thống ghế da với tính năng sưởi và chỉnh điện ở hàng ghế trước chỉ xuất hiện trên MG4 phiên bản LUX.

Khoang lái không phải là điểm ấn tượng trên MG4. Ảnh: Đan Thanh.

Khoang lái không phải là điểm ấn tượng trên MG4. Ảnh: Đan Thanh.

Phanh tay trên MG4 là loại điện tử kết hợp tính năng Auto Hold, đồng thời hệ thống điều hòa tự động một vùng cũng xuất hiện trên mẫu SUV điện của thương hiệu ôtô Trung Quốc. Tuy nhiên, cần số trên MG4 là dạng núm xoay, trong khi VinFast VF 6 được trang bị cần số dạng phím bấm piano.

Các phiên bản của MG4 đều được trang bị các tính năng an toàn tiêu chuẩn như hệ thống chống bó cứng phanh, hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống kiểm soát lực kéo hay hệ thống hỗ trợ khởi hạnh ngang dốc. Tính năng kiểm soát hành trình chủ động, hỗ trợ giữ làn, hỗ trợ di chuyển lúc kẹt xe hay hệ thống an toàn 6 túi khí cũng là những trang bị tiêu chuẩn trên MG4.

Trong khi đó, phiên bản VF 6 Plus được trang bị khá nhiều tính năng an toàn trong gói ADAS như trợ lái trên cao tốc, cảnh báo chệnh làn, hỗ trợ giữ làn, tự động chuyển làn, nhận biết biển báo giao thông, kiểm soát hành trình thích ứng, phanh tự động khẩn cấp trước sau, cảnh báo va chạm khi ở giao lộ hay hỗ trợ đỗ xe. Phiên bản VF 6S chỉ được trang bị 4 túi khí, còn phiên bản VF 6 Plus sở hữu đến 8 túi khí cho hành khách.

MG4 EV (trái) trội hơn về kích thước tổng thể nhưng VinFast VF 6 (phải) có lợi thế về chiều dài trục cơ sở. Ảnh: VinFast, Đan Thanh.

MG4 EV (trái) trội hơn về kích thước tổng thể nhưng VinFast VF 6 (phải) có lợi thế về chiều dài trục cơ sở. Ảnh: VinFast, Đan Thanh.

Về ngoại thất, MG4 có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt 4.287 x 1.836 x 1.516 mm, nhỉnh hơn đôi chút so với kích thước tương ứng lần lượt 4.238 x 1.820 x 1.594 mm của VinFast VF 6. Tuy nhiên, chiều dài cơ sở của mẫu SUV điện cỡ B thương hiệu VinFast là 2.730 mm, trong khi khoảng cách giữa 2 trục bánh xe của MG4 là 2.705 mm.

Cả 2 mẫu xe đều sở hữu “dàn chân” là bộ mâm kích thước 17 inch, với phanh đĩa trang bị cho toàn bộ 4 bánh xe. Tuy nhiên, khoảng sáng gầm xe của MG4 đạt 150 mm, còn kích thước này ở VF 6 là 170 mm ở điều kiện không tải.

Phạm vi hoạt động là lợi thế

Ở phiên bản DEL, MG4 được trang bị một motor điện công suất 167 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 250 Nm. Phiên bản LUX mạnh mẽ hơn với motor điện công suất 201 mã lực, tuy nhiên sức kéo tương đương phiên bản DEL khi mô-men xoắn cực đại cũng ở mức 250 Nm.

Trong khi đó, motor điện trên VinFast VF 6S có công suất tối đa 130 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 250 Nm. Ở phiên bản VF 6 Plus, cấu hình động cơ này sản sinh công suất tối đa 150 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại đến 310 Nm.

 MG4 có cấu hình motor đơn, sản sinh công suất tối đa 167 hoặc 201 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 250 Nm. Ảnh: Đan Thanh.

MG4 có cấu hình motor đơn, sản sinh công suất tối đa 167 hoặc 201 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 250 Nm. Ảnh: Đan Thanh.

Tuy nhiên, phạm vi hoạt động mới là điểm mạnh của MG4 EV trước đối thủ VinFast VF 6. Theo công bố của MG, mẫu SUV điện cỡ B của hãng có thể vận hành tối đa 350 km ở phiên bản DEL và 450 km ở phiên bản LUX theo chu trình WTLP.

Trong khi đó, phiên bản VF 6 Plus chỉ sở hữu phạm vi hoạt động tối đa 381 km sau mỗi lần sạc đầy theo chu trình WLTP. Thông số này ở phiên bản VF 6S không được hãng xe điện Việt Nam công bố.

Cả MG4 lẫn VinFast VF 6 đều được trang bị tính năng sạc nhanh, với khả năng đạt 80% dung lượng trong 26 phút ở MG4 và 70% dung lượng pin trong khoảng 24 phút ở VinFast VF 6. Tuy nhiên, VinFast VF 6 nói riêng và các mẫu xe điện đồng thương hiệu nói chung được xem là có lợi thế hơn nhờ hệ thống trạm sạc công cộng được phủ rộng khắp với hơn 150.000 cổng sạc mà VinFast đã xây dựng trên cả nước.

Trong khi đó, MG đưa ra một số phương án sạc cho chủ xe điện MG4 bao gồm sạc tại nhà hoặc tại các hệ thống sạc công cộng do bên thứ ba vận hành như Eboost, Charge+, EV One, EverCharge, EVN, DatCharge, Rabbit EVC, Porsche, VuPhong Energy… Nhìn chung, chiến lược của MG về trạm sạc là khá tương đồng BYD, hãng xe đồng hương chuẩn bị xâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Dự báo khó khăn trên đường đua chật chội

Với những đặc điểm kỹ thuật kể trên, MG4 dường như khó trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong con mắt của khách hàng Việt. Mức giá khá cao cộng với sự thiếu hụt về hạ tầng trạm sạc công cộng và phần nào đó là định kiến về thương hiệu xe Trung Quốc khiến cho khả năng thành công của MG4 bị đặt không ít hoài nghi.

Hồi năm ngoái, MG4 thu về doanh số gần 71.000 xe tại Anh và các thị trường thuộc châu Âu. Australia và New Zealand cũng là những quốc gia bày tỏ sự ưa chuộng nhất định với mẫu SUV điện cỡ B thương hiệu MG khi doanh số tại các thị trường này đạt 4.929 xe trong năm vừa rồi, tương đương khoảng 10,22% thị phần.

Tại thị trường láng giềng Thái Lan, MG4 cũng nằm trong top 6 mẫu xe điện bán chạy nhất với doanh số 4.833 xe, xếp sau BYD Atto 3 (19.214 xe), Neta V (12.777 xe), BYD Dolphin (9.410 xe), Ora Good Cat (6.712 xe) và Tesla Model Y với 5.881 xe.

 MG4 có màn thể hiện khá tốt tại các thị trường nước ngoài. Ảnh: MG.

MG4 có màn thể hiện khá tốt tại các thị trường nước ngoài. Ảnh: MG.

Lượng tiêu thụ tương đối ổn tại các thị trường quốc tế như số liệu đã đề cập phía trên cho thấy cái nhìn có phần tích cực mà khách hàng toàn cầu dành cho mẫu SUV điện cỡ B này. Tuy nhiên, không phải cứ thành công tại nước ngoài là nghiễm nhiên cầm chắc chiến thắng khi xâm nhập bất kỳ thị trường nào đó, trong trường hợp này là MG4 với thị trường ôtô Việt Nam.

Ví dụ, Toyota Avanza đã trở thành mẫu xe bán chạy thứ nhì tại Indonesia trong năm vừa rồi, nhưng lại tỏ ra tương đối khó khăn tại thị trường ôtô Việt Nam. Trong cùng kỳ, Isuzu D-Max và Toyota Hilux là 2 mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường ôtô Thái Lan nhưng khi về Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với Mitsubishi Triton hay Ford Ranger.

Những khó khăn dành cho MG4 được dự báo sẽ còn tiếp tục nối dài khi ngay trong tháng 6, hàng loạt xe điện đồng hương dự kiến có màn đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường ôtô Việt Nam với không ít mẫu xe định vị trong phân khúc SUV cỡ B. Cụ thể, bộ đôi Omoda E5/C5 cùng Jaecoo J7 của tập đoàn Chery sẽ sớm trình làng, bên cạnh BYD Atto 3 sắp ra mắt và nhiều khả năng cả Haval Jolion hay Lynk & Co 06 cũng sẽ góp mặt.

 Omoda E5 sẽ là một trong số những đối thủ tiếp theo của MG4 tại thị trường Việt Nam.

Omoda E5 sẽ là một trong số những đối thủ tiếp theo của MG4 tại thị trường Việt Nam.

Phân khúc SUV đô thị hiện tại cũng đang là cuộc đua của nhiều đại diện "sừng sỏ" cả cũ lẫn mới, chẳng hạn Mitsubishi Xforce (599-680 triệu đồng), Honda HR-V (699-871 triệu đồng), Toyota Yaris Cross (650-765 triệu đồng), Hyundai Creta (599-699 triệu đồng) hay Kia Seltos (599-799 triệu đồng) và Toyota Corolla Cross (820-905 triệu đồng).

Dù vậy, các mẫu xe điện như MG4, VinFast VF 6 hay Omoda E5 vẫn được xem như làn gió mới thú vị tại một thị trường ôtô mới nổi như Việt Nam. Sự hiện diện của các mẫu xe thuần điện cũng có thể trở thành chất xúc tác hiệu quả giúp người dùng Việt dần làm quen với cách sử dụng và vận hành ôtô điện, qua đó rút ngắn tiến trình điện hóa tại thị trường ôtô Việt Nam.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/co-hoi-nao-cho-xe-dien-mg4-tai-thi-truong-viet-nam-post1480065.html